Ông cố vấn – trùm buôn lậu
Là cố vấn Tổng thống lại nắm trong tay bộ máy mật thám, đặc vụ đông đảo, Ngô Đình Nhu là một nhân vật quyền lực nhất nhì trong chính quyền Sài Gòn dưới thời Diệm. Nhưng ít ai ngờ, trong hậu trường, Nhu còn điều hành một đường dây buôn bán ma túy và bảo kê “xã hội đen” cỡ bự.
Chân dung Ngô Đình Nhu. Ảnh: Phunutoday.
Cờ bạc ở miền Nam Việt Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng, dưới chế độ Sài Gòn trở thành một vấn nạn lan tràn khắp nơi. Đại thế giới – Trung tâm cờ bạc của Sài Gòn có thời sánh ngang với các sòng bạc lớn của thế giới như Lasvegas, Monaco… Nhưng nó lại là một nguồn thu lớn của chính quyền và là nơi kiếm ăn béo bở cho những người có chức quyền, có thế lực. Theo cuốn "Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương" của nhà báo Tường Hữu, những năm 1950, chỉ riêng khoản thu từ Đại thế giới, chính quyền đã có nửa triệu bạc một ngày. Đó là chưa kể, giới kinh doanh cờ bạc còn mất thêm nhiều hơn thế cho việc “bôi trơn” các cơ quan và những người có thế lực.
Từ năm 1950 trở đi, việc cai quản các sòng bạc ở Đại thế giới do Bảy Viễn (thân tín của Bảo Đại) nắm quyền. Nhưng cùng với việc Bảo Đại bị hạ bệ, Bảy Viễn cũng mất quyền kiểm soát đối với Đại thế giới. Ban đầu, để tỏ ra xóa bỏ các tàn tích, tệ nạn, Diệm cho thực hiện một chiến dịch triệt bỏ cờ bạc, thuốc phiện… Ông ta ra lệnh đốt hết các dụng cụ hút xách, đóng cửa các sòng bạc ở Sài Gòn. Tuy nhiên không bao lâu sau, Đại thế giới lại mở cửa trở lại.
Sự tái sinh của nó thật trớ trêu, lại do chính những người ra lệnh đóng cửa khởi xướng. Theo Ó Leary và Eadward Lee trong cuốn “Vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J.F. Kennedy” viết: “Các lực lượng của Diệm, với sự giúp sức của Edward Landsdale do CIA phái qua, đã đánh bại và loại trừ giáo phái Bình Xuyên khét tiếng cùng đầu đàn là tướng Bảy Viễn. Bình Xuyên hoạt động như Mafia ở Sài Gòn mà Viễn là ông trùm. Sau khi đầu hàng, các cơ sở làm ăn của họ (sòng bạc, nhà chứa, và ma tuý) đều bị đóng cửa. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các sòng bạc và nhà chứa lặng lẽ được phép mở cửa trở lại”.
Không ai khác, người thay thế Bảy Viễn làm “bảo kê” cho các hoạt động ma túy, mại dâm, cờ bạc tại Sài Gòn chính là Ngô Đình Nhu. Động cơ của hành động này là anh em Nhu có một khoản tiền kha khá để duy trì mạng lưới tình báo của mình nhằm chống phá miền Bắc và để tiêu diệt các đối thủ chính trị nguy hiểm. Mặc dù viện trợ của Mỹ cho chính quyền của Diệm đã tăng lên nửa tỉ dolar vào những năm 1960 nhưng vẫn không đủ để duy trì mạng lưới tình báo quá lớn với chỉ riêng các đặc vụ bán chuyên nghiệp đã hơn 100.000 người.
Learry và Eadward Lee viết: “Lại thêm một bằng chứng cho thấy bản chất đạo đức giả của Diệm. Nhu, em ông, đã tiếp thu lực lượng cảnh sát mật của quốc gia (do Viễn nắm giữ trước đây) và ông vẫn duy trì mạng lưới tình báo rộng lớn. Mặc dù viện trợ của Mỹ cho Diệm là cực kỳ lớn nhưng Diệm vẫn cần thêm các khoản thu này để nuôi dưỡng quân đội thường trực và chính quyền của ông.
Các hoạt động đặc tình và mật thám của Nhu sắp rơi vào bế tắc vì thiếu tiền. Giải pháp cho vấn đề tài chính này thật đơn giản. Mở lại các ổ thuốc phiện và phục hồi việc buôn bán của vô số con nghiện đang đói thuốc ở Sài Gòn. Vậy là vào năm 1958, Nhu đã làm đúng những điều đó.
Một số ít người thân Diệm quả quyết rằng, Nhu làm vậy theo ý riêng mà không được sự đồng ý của ông anh, nhưng làm sao có thể tin được như vậy? Làm sao mà người đứng đầu nhà nước không hay biết hay không được báo cho biết rằng có hàng trăm ổ thuốc phiện đã được mở cửa làm ăn trở lại một cách đột ngột tại thành phố thủ đô? Chẳng lẽ Nhu xoay xở cung cấp tiền bạc được cho cảnh sát mật và mạng lưới tình báo rộng lớn của ông với hơn 100.000 đặc vụ bán chuyên nghiệp mà ngài tổng thống anh ông chẳng bao giờ biết hay sao?”.