Là người đầu tiên chuyển đổi từ làm nông sang làm du dịch sinh thái ở xã Mỹ Khánh, bà Chín Hồng (Lâm Thị Khuya) xây dựng các mối liên kết này, khách thăm vườn nhà và tản bộ sang các khu vườn liên kết.
Nhà vườn đón khách khi mùa vú sữa vào vụ thu hoạch.
Bà Ba Trần có 3.000m2 dâu Hạ Châu liên kết với vườn Chín Hồng, thấy vui khi vụ đầu tiên đã thu được 28 triệu đồng, bằng tiền bán trái ngoài chợ, nhưng thấy kẻ bán – người mua thong thả, thoải mái hơn nhiều.
Bà Chín Hồng nói, khi các nhà vườn láng giềng liên kết, vườn này bù đắp cho vườn kia, trái cây đa dạng hơn, giúp du khách hài lòng hơn.
Mỗi vườn tự điều chỉnh, “thanh lọc” cây trồng để bớt trùng lắp, hầu hết chủ vườn chia sẻ nhau cách dùng rác nông nghiệp làm phân hữu cơ, mua chế phẩm sinh học, kiên trì phòng bệnh cho cây trồng, thay vì phun xịt thuốc bảo vệ thực vật như trước, và cam kết không bán giá “cắt cổ”. “Đối với những gia đình có vườn nhưng đơn chiếc, không có kỹ năng làm du lịch liên kết như vậy là cách giúp đỡ thiết thực nhất”, ông Ba Hào Em, nói.
Tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn khi lao động từ các nhà vườn sang phụ việc tại vườn trái cây Chín Hồng và các khu vườn liên kết. Ráp nhau nấu nướng, làm bánh, cùng chia công việc khi có nhiều khách tới tham quan dùng bữa. Một năm trước, mỗi tuần điểm vườn bà Chín đón vài chục khách, nay lên tới 500 – 600 lượt, thậm chí tăng gấp nhiều lần trong dịp lễ, tết, vẫn không có gì lúng túng.
Phong Điền có hơn 6.000ha vườn cây ăn trái, nổi tiếng với các loại trái ngon như: dâu Hạ Châu, nhãn da bò, sầu riêng cơm vàng hạt lép, cam mật, măng cụt, chôm chôm… 25 điểm vườn du lịch sinh thái, phần lớn đều tự lực chuyển đổi, vốn liếng ít ỏi, nhưng cách liên kết khiến làng quê trở thành cộng đồng cùng mục tiêu cải thiện sinh kế, cái hay của các điểm du lịch ở đây là sẵn sàng hướng dẫn du khách tới nhiều điểm khác nữa, chứ không toan tính biệt lập.