Yêu cầu Bộ Công an làm rõ sai phạm tại TKV (Ảnh: IT)
Vi phạm trong công tác quản lý điều hành
Theo Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và nhiệm vụ từ năm 2010 đến tháng 6.2015, đã phát hiện những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm chủ yếu trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của TKV và các đơn vị thành viên.
Cụ thể, Hội đồng Thành viên (HĐTV) và Tổng giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền... Hậu qủa là, một số khoản đầu tư không có hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn.
Trong đó phải kể đến, việc xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền dẫn tới: Công ty kinh doanh Công nghệ Kẽm Việt Thái lỗ 297,156 triệu đồng và mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên 26,65 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV kim loại mầu Thái Nguyên phải có trách nhiệm xử lý khoản nợ phải trả cho ngân hàng Eximbank Thái Lan cả gốc và lãi 13.785.678 USD…
Một số khoản đầu tư khác nhưng không được TKV thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thức tế và quy định dẫn đến lỗ, mất vốn 380,825 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, HĐTV và Tổng giám đốc TKV chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đầu tư, quyết định chủ trương góp vốn cổ phần, sử dụng nguồn vốn không đúng quy định để đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính dẫn tới không có hiệu quả, nguy cơ mất vốn như: đầu tư 76,452 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần vận tải thủy Vinacomin, lỗ lũy kế 140,322 tỷ đồng, mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, tổng nợ phải trả 446,480 tỷ đồng, không còn khả năng thanh toán nợ ngắn hạn…
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan điều ta thuộc Bộ Công an, Viện KSND Tối cao soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý. (Ảnh: IT)
Tổng số tiền cần kiến nghị xử lý gần 15.000 tỷ đồng
Cơ quan thanh tra cho rằng, trách nhiệm trước hết để xảy ra những thiếu sót, vi phạm thuộc về HĐTV và Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các phòng ban thuộc TKV và HĐQT, Giám đốc các đơn vị thành viên, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền và đất đai được phát hiện cần kiến nghị xử lý lên tới trên gần 15.000 tỷ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà, đất, trong đó Thanh tra Chính phủ kiến nghị TKV chủ trì xử lý theo thẩm quyền số tiền hơn 4.564 tỉ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tới Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. |
Trong đó, việc ban hành các cơ chế về quản lý chi phí doanh thu thông qua hợp đồng được tự đặt ra để phối hợp kinh doanh không phù hợp với quy định bất hợp lý trong thực tế của cơ chế thị trường, dễ tạo cơ chế xin cho, phát sinh tiêu cực; Không chấp hành đúng quy định, có nơi buông lỏng quản lý về đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc, thiết bị, đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp, kê khai thuế tài nguyên không đúng quy định…Hậu quả, làm tăng giá thành sản xuất, lãng phí, mất vốn đầu tư và thất thoát ngân sách nhà nước với giá trị rất lớn.
Căn cứ vào Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ Thanh tra Chính phủ sớm xem xét, điều tra xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, mới đây, Văn phòng chính phủ cũng đã có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại TKV. Phó Thủ tướng đã giao Bộ TNMT kiểm tra, xử lý, hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, tồn tại và sai phạm trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Về các trường hợp Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Viện KSND Tối cao soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý.
Đối với việc xử lý khoản tiền chênh lệch về thuế tài nguyên và khoản tiền khuyến khích sản lượng, chất lượng đối với các đơn vị khai thác than, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xác định rõ đối tượng nộp thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên, xác định nghĩa vụ thuế tài nguyên phải nộp ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ, xác định rõ bản chất về các hợp đồng khai thác giữa TKV với các công ty con và việc khai thác, tiêu thụ tài nguyên để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thống nhất kiến nghị biện pháp xử lý đối với các khoản tiền chênh lệch thuế tài nguyên theo quy định. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, trên cơ sở kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền hơn 8.320 tỷ đồng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2.2018.