Dân Việt

Nuôi bò độc đáo ở Bến Tre: Bán bò thịt, bê giống, bán cả phân

Tô Phụng Hưng 20/01/2018 09:30 GMT+7
Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre với hơn 150.000 con. Đây là nguồn thu nhập khá lớn và ổn định của người dân xứ biển này, bởi không chỉ có tiền bán bò thịt, người nuôi còn có thêm 2 khoản thu khác là bán bê con và bán phân bò khô.

Làm nghề nhặt, kinh doanh phân bò

Có dịp về huyện Ba Tri, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp nhiều chuyến xe công nông chất đầy phân bò xuôi ngược vận chuyển đến các đại lý để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nguồn phân bò của huyện cũng đang cung cấp cho nhiều nông dân đồng bằng sông Cửu Long chăm bón cây trồng hay chuyển đổi cách trồng bằng phân hóa học sang phân hữu cơ.

img

Nhiều hộ nông dân huyện Ba Tri có thêm thu nhập từ việc thu gom, phơi bán phân bò khô. Ảnh: T.P.H

"Mấy năm nay, việc kinh doanh phân bò khá thuận lợi… Có các đại lý thu mua thì xuất hiện nhu cầu thu gom, thu nhặt. Nhiều lao động chuyên đi thu nhặt phân bò phơi khô bán cũng có tiền tiêu…”.

Bà Võ Thị Thùy Trang

Ông Triệu Văn Quang, 56 tuổi, ngụ xã An Ngãi Trung cho biết: “Huyện này hầu như nhà nào cũng nuôi vài con bò để bán lấy thịt hay để “nái”. Từ đó nguồn phân bò rất dồi dào và có quanh năm. Các hộ dân tranh thủ lấy phân bò phơi khô và bán lại cho thương lái, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống…”.

Tuy là nơi cung ứng nguồn phân bò rất lớn, nhưng nông dân ở đây ít sử dụng loại phân này chăm bón cho ruộng lúa, rau màu và cây ăn trái tại địa phương. Lý giải vấn đề này, ông Lê Văn To, ngụ xã Phú Lễ nói: “Nguồn phân bò chủ yếu cung cấp cho các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, hay các tỉnh Tây Nguyên. Lý do là phân bò rất phù hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm như tiêu, điều (đào lộn hột), ca cao, cà phê, cao su trồng trên nền đất pha sét hoặc đất bazan. Một lợi thế khác là giá bán phân bò khá rẻ, nguồn cung ứng có quanh năm. Ở địa phương, bà con nông dân chưa quan tâm lắm tới việc dùng phân bò khô để chăm bón ruộng vườn”.

img

Trên các tuyến lộ của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre không hiếm những chiếc xe công nông chất đầy phân bò khô mang đi giao bán cho các đại lý thu mua.

Bà Võ Thị Thùy Trang - một thương lái ở xã Tân Xuân mua bán phân bò đã hơn 25 năm chia sẻ: “Nông dân miền Đông rất chuộng loại phân này vì chúng làm cho đất rất màu mỡ, nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng, giá bán lại phải chăng. Những lúc vào vụ cao điểm, nguồn phân bò không đáp ứng nhu cầu của khách đặt hàng. Mỗi ngày cơ sở của gia đình tôi thu mua từ 2-3 tấn phân bò khô. Mấy năm nay, việc kinh doanh phân bò khá thuận lợi… Có các đại lý thu mua thì xuất hiện nhu cầu thu gom, thu nhặt. Nhiều lao động chuyên đi thu nhặt phân bò phơi khô bán cũng có tiền tiêu…”.

Bảo vệ môi trường

Huyện miền biển Ba Tri được xem là có đàn bò phát triển lớn nhất tỉnh Bến Tre do có được các yếu tố thuận lợi như nguồn cỏ tươi cung ứng cho bò rất dồi dào, địa bàn rộng, người dân lao động cần cù… Trên địa bàn huyện có hàng ngàn hộ dân nuôi bò. Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt, bò sinh sản được xem là có lợi nhuận ổn định, ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc… Ngoài cỏ tươi do người dân trồng còn có nguồn rơm rạ làm thức ăn khá dồi dào nên đàn bò phát triển rất nhanh, khiến nghề nhặt và kinh doanh phân bò khô phát triển theo.

img

Nghề nuôi bò phát triển đồng thời cũng thúc đẩy phát triển nghề nhặt, thu gom, phơi khô và bán phân bò ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi bò, mỗi con bò nái bình quân 1 ngày thải ra 8-10kg phân ướt; bò thịt từ 6-7kg. Hiện giá thu mua phân bò khô dao động từ 5.000-6.000 đồng/bao (tùy theo trọng lượng bao 6-10kg). Tại nhiều xã của huyện Ba Tri, bên cạnh việc nhặt, phơi khô bán phân bò, nông dân còn lắp đặt hầm biogas tại trại chăn nuôi bò, mang lại 2 lợi ích là xử lý nước thải để tưới cây và giữ lại bã phân bò để người dân bán kiếm thêm thu nhập. Tuy nguồn thu từ bán phân bò không nhiều nhưng cũng góp phần tăng thu nhập cho người nuôi bò và quan trọng hơn cả là góp phần cải thiện môi trường khu vực nông thôn.