Nếu như, các thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, Vietnam Airlines, Vincom Retail… thành công “đình đám” thì các “ông lớn” như Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BECAMEX - IDC), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)… lại mang về những nỗi thất vọng.
Vốn ngoại ồ ạt đổ vào, thế nhưng dòng tiền “khôn” lại rất “chảnh.” Nếu nhìn lại những gì đã diễn ra năm 2017, không khó để thấy một công thức chung của thành công.
Bài 1: Vinamilk tới Sabeco: Công thức nào cho những thương vụ nghìn tỷ?
Giữa không khí ảm đạm của cổ phần hóa, thoái vốn năm 2017, thương vụ bán vốn Vinamilk thu về gần 9.000 tỷ đồng bất ngờ “nổ vang” hồi tháng 11. Và, chỉ sau đó ít lâu, một thương vụ khác được nhiều người gọi là lịch sử,thậm chí còn gây tiếng vang lớn hơn thế, đó là vụ bán cổ phần Sabeco thu về số tiền nhiều người trước đó lạc quan cũng không dám nghĩ tới: 110.000 tỷ đồng, tức gần 5 tỷ USD.
Tiền từ nước ngoài đã về két và tất nhiên, đi kèm với niềm vui là những lo lắng nhất định.
Không ngại… “khoe”
“Cô gái đẹp” là cách ví von đã từng được lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khi nói về sự hấp dẫn của Vinamilk.Tuy nhiên, trong đợt bán 9% vốn hồi cuối năm 2016, kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng khi hơn 1/3 (40%) số cổ phần đem ra bán bị… ế.
Gần 1 năm sau đó, SCIC lại xúc tiền đợt bán vốn thứ 2. Khác hẳn với lần đầu, trong phiên đấu giá 3,33% cổ phần của Vinamilk, một nhà đầu tư đã trả mức giá 186.000 đồng để mua trọn lô 48,3 triệu cổ phiếu của Vinamilk. Số tiền mà nhà đầu tư Singapore đã bỏ ra cho thương vụ này lên tới gần 9.000 tỷ đồng.
Nhìn lại hai chặng đường có nhiều sự khác biệt, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, trong đợt bán vốn mới nhất, phía SCIC và Vinamilk đã có những đợt công bố thông tin, chạy roadshow cả trong và ngoài nước rất minh bạch nên mức độ nắm bắt thông tin của nhà đầu tư với “món ngon” Vinamilk được rõ ràng và rộng rãi hơn.
Bằng chứng là, nếu như đợt bán vốn hồi năm 2016, người ta chỉ thấy có 1 nhà đầu tư tham gia đấu giá thì gần một năm sau, đã có tới 19 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 11 tổ chức trong nước và nước ngoài, 8 nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, tại thời điểm rốt ráo chạy roadshow, chính ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cũng chia sẻ với báo chí, chỉ riêng 2 buổi roadshow tại Singapore và Hong Kong, đã có 35 nhà đầu tư quan tâm. Trong số những nhà đầu tư quan tâm, ông Thành không quên “khoe” những quỹ đầu tư tài chính lớn như: Blackrock, JPMorgan, Wellington,…
Không chỉ vậy, trong đợt bán vốn cuối năm 2017, phía SCIC cũng đã áp dụng khá nhiều điểm mới cho đợt thoái vốn này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện bán vốn của SCIC tại Vinamilk vào năm 2016, SCIC đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Những thay đổi mà theo ông, như cho đặt cọc bằng tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán,…
Một điểm khác biệt được ông Đặng Quyết Tiến,Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chínhtừng chỉ ra là, đợt ế vốn hồi năm 2016 một phần do phía SCIC đã tổ chức bán vào tháng 12, thời điểm các nhà đầu tư tất toán để nghỉ Tết. Đây là thời điểm không dễ để các đơn vị bỏ tiền đi mua. Thậm chí theo ông, thời điểm đó may mắn là chỉ bán 9%, nếu tung ra nhiều hơn có thể dẫn tới “vỡ trận.”
Quả thật, ởđợt chào bán lần 2 này, SCIC đã đẩy thời điểm lên sớm hơn 1 tháng, vào tháng 11 và mọi thứ đã khác trước rất nhiều.
Mua Sabeco: “5 tỷ USD không phải là nhiều”
Trong công thức thành công của Vinamilk, thời điểm bán sớm là một trong những bài học được rút ra. Thế nhưng, bài học ấy chưa chắc được áp dụng với Sabeco.
Không làm sớm như Vinamilk, thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco diễn ra khá muộn, khi thị trường đã bước vào tháng 12. Kết quả thì ai cũng đã rõ, gần 54% cổ phần Sabeco bán hết veo với mức giá khiến cả thị trường phải ngước nhìn: 320.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) thừa nhận, những doanh nghiệp tư vấn cho Sabeco trước đó chỉ định giá cho cổ phiếu này ở mức 186.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, theo ông, Nhà nước đã tự tin, nếu bán tỷ lệ cổ phần lớn lên tới gần 54% thì có thể bán Sabeco với mức cao hơn khoảng 40% giá trị hợp lý của cổ phiếu này.
Ông khẳng định, chỉ có nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng nắm cổ phiếu trong 50-100 năm thì mới chấp nhận mua đắt hơn mức giá hợp lý tới 40%.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. Một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính thừa nhận, thành công do chủ trương bán trọn lô hơn gần 54% vốn điều lệ của Sabeco. Điều này đã thúc đẩy nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cố mua để nắm giữ quyền chi phối.
“Giả sử ta chỉ bán khoảng 30-40% vốn, thì số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra rất lớn nhưng họ cũng không có quyền chi phối, nên khi bán 53% thì có khi họ cố gắng ôm’ để có quyền quản trị,” vị chuyên gia này nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì cho rằng, không thể nói mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu là đắt hay rẻ. Với ông, một doanh nghiệp sở hữu 50% thị phần bia của một đất nước 100 triệu dân, đứng thứ 3 thế giới về uống bia thì 5 tỷ USD không phải là nhiều. Thậm chí theo ông, khoản tiền này “chưa là gì cả.”
“Nếu tôi có tiền, tôi cũng mua, thậm chí mua cao hơn,” ông Hưng bày tỏ.
Đó là về sức hấp dẫn của bản thân Sabeco. Tuy nhiên, nhìn nhận ở hướng khác, không thể không kể tới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Công Thương trong thương vụ được coi là lịch sử.
Còn nhớ, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2017, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủMai Tiến Dũng đã dẫn lời Thủ tướng Chính phủ với khẳng định: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Thủ tướng cũng xác định tinh thần sẽ không khống chế các doanh nghiệp, chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu quốc gia, thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước.”
Chính câu nói ấy đã được ông Đặng Quyết Tiến,Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhắc lại sau khi thương vụ Sabeco thành công. Việc bán vốn Sabeco theo ông Tiến đã được Thủ tướng giao Bộ Công Thương và chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lãnh trách nhiệm trước Thủ tướng.
Riêng thương vụ này, ông Tiến cũng thống kê, Chính phủ đã họp 6-7 cuộc và có riêng một nghị quyết để đảm bảo việc bán vốn thành công như đã diễn ra.
Tất nhiên, đó chỉ một phần của bức tranh bán vốn được coi là chưa từng có tại một doanh nghiệp Nhà nước.