Mỗi bữa một nắm gạo
Đến vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 4, chúng tôi cảm nhận sâu sắc tình thương yêu, tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong buôn sóc. Ở đây hình ảnh người phụ nữ chắt chiu từng hạt gạo dành tặng người khó khăn, và đoàn kết yêu thương nhau… đã tạo nên bức tranh xúc động giữa cuộc sống hiện đại.
Phụ nữ ấp 4, xã Lộc Hưng trút gạo hỗ trợ các hộ khó khăn trong ấp. |
“Chị em mình tới bữa nấu cơm, đong gạo rồi nhớ lấy ra một nắm để dành, tới kỳ họp phụ nữ, mình trút gạo giúp các chị em nào nhà thiếu gạo, thiếu tiền” - chị Thị Pho La - Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh nói.
Kế hoạch xây dựng phong trào hũ gạo tình thương làm theo lời Bác của chị Thị Pho La, 39 tuổi (dân tộc Khmer) chỉ ngắn gọn như thế, song qua hơn 3 năm thực hiện đã mang lại niềm vui cho nhiều hộ nghèo.
Ngày chị em đi trút gạo, không khí nơi buôn sóc vui nhộn hẳn lên. Từ 7 giờ, chị em bắt đầu tề tựu về, đến 8 giờ thì đông nghẹt cả Nhà văn hóa ấp 4. Nhà văn hóa của ấp 4 cũng chẳng cao sang gì chỉ là một ngôi nhà sàn rộng chừng 70m2, làm bằng tre và gỗ tạp, tọa lạc ngay trung tâm ấp.
Chứng kiến hình ảnh bà địu cháu, mẹ cõng con, chị dắt em kèm trên tay là gạo được bỏ trong những bọc nylon, chai nước suối, chai sành hay quả bầu khô… kéo nhau đi trút gạo giúp các hộ khó khăn mới thực sự cảm nhận được cái tình của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dành cho nhau.
Chị Nguyễn Thị Lương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Hưng cho biết: “Ấp 4 có 182 hộ, hầu hết là người dân thộc thiểu số Khmer. Thường thì 2 tháng, có khi 1 tháng, cán bộ hội phụ nữ xã lại về ấp 4 tổ chức sinh hoạt cho chị em”.
Nội dung buổi sinh hoạt thường là hướng dẫn về việc ăn chín uống sôi, sức khỏe bà mẹ trẻ em sau khi sinh, kế hoạch hóa gia đình đến chuyện đồng áng như chăm sóc cây trồng, vật nuôi, rồi chuyện mùa màng… Việc tư vấn, hướng dẫn kéo dài hơn 1 giờ mới đến phần trút gạo. Chiếc xô nhựa to được đặt ngay giữa ngôi nhà sàn, bên hông được dán lên tờ giấy A4, ghi “Hũ gạo tình thương” rồi chị em thứ tự mang gạo lên trút.
Nhiều hộ hết đói
Chị Thị Bông, (47 tuổi), đã có 4 lần trút gạo, tâm sự: “Ở đây còn rất nhiều người thiếu cái ăn, thiếu cái quần cái áo để mặc. Lần này, tôi đong 2 bò (2 lon – PV) đi ủng hộ. Tôi còn ít, nhiều chị còn nhiều hơn tôi”.
“Thời gian đầu vận động chị em đi sinh hoạt gặp không ít khó khăn, chạy vòng vo khắp ấp, nhưng cũng chỉ lèo tèo vài chị em đến. Chỉ từ khi phát động phong trào trút gạo, chị em mới hưởng ứng, đến đông đủ, đều đặn” – chị Thị Pho La nói. Qua hơn 3 năm, cộng số gạo từ khi phát động phong trào đến nay được hơn 600kg gạo. Chị em cũng phấn khởi khi cảm nhận được mình đã làm được nhiều việc thật ý nghĩa.
Số gạo thu gom được ở mỗi kỳ đều được lấy ý kiến của chị em phụ nữ, trên cơ sở đó chọn ra các trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các cụ già neo đơn không nơi nương tựa để mang đến tặng. Tính đến nay các chị đã giúp cho hơn 30 hộ trong ấp không bị đói những năm qua.
Cụ bà Thị Gian, (80 tuổi), không chồng, không con, thường được hỗ trợ gạo cho biết: “Trước đây còn sức khỏe còn đi giữ con giùm được nên ngày nào cũng có ăn. Giờ yếu rồi, mắt mờ nhìn không rõ nên cứ hết gạo, các chị lại mang gạo đến cho”. Tương tự, các cụ Lâm Bươi, Lâm Hòa và nhiều hộ nghèo khác cũng thường xuyên nhận được gạo từ các chị em trong ấp giúp đỡ.
Đông Điền