Toàn cảnh vụ việc cặp vợ chồng "thú tính" Turpin
Các chuyên gia tâm lý học cố gắng lý giải động cơ khiến vợ chồng David và Louise Turpin ngược đãi 13 con trong suốt nhiều năm tại căn nhà ở thành phố Perris, bang California, Mỹ, Time đưa tin.
Cơ quan chức năng cho biết hiện hai bị cáo David và Louise Turpin "không thể ngay lập tức đưa ra giải thích hợp lý" cho hành động xiềng xích các con trong ngôi nhà tối tăm và bốc mùi.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 18.1, David Allen Turpin, 57 tuổi, và vợ Louise Anna Turpin, 49 tuổi, đối mặt với tổng cộng 75 cáo buộc liên quan "hành hạ, tra tấn và giam cầm có hệ thống" 13 đứa con tuổi từ 2 đến 29 trong hàng chục năm. Riêng David Turpin còn bị cáo buộc xâm hại tình dục một con nhỏ. Tuy nhiên cả hai đều tuyên bố họ vô tội.
Theo số liệu mới nhất của cơ quan quốc gia thống kê các trường hợp lạm dụng trẻ nhỏ ở Mỹ, trong năm 2015, thủ phạm gây ra 71,8% các vụ việc lạm dụng và bỏ bê trẻ em chính là cha mẹ của nạn nhân, với nguyên nhân chính là cha mẹ nghiện rượu, sử dụng ma túy hoặc ưa bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, cặp vợ chồng Turpin không có tiền sử sử dụng chất kích thích. Các chuyên gia tâm lý cho rằng hành động hành hạ các con của vợ chồng này không đơn thuần mang tính chất bạo lực mà đó là sự giày vò dai dẳng xuất phát từ khoái cảm thích gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người khác.
Tại buổi họp báo sau phiên tòa sơ thẩm, công tố viên địa phương Mike Hestrin tiết lộ nhiều chi tiết gây sốc của vụ việc. Theo đó, hai bị cáo chỉ cho phép các nạn nhân tắm mỗi năm không quá một lần, không chỉ bỏ đói các con mà hai vợ chồng này còn "mua thức ăn, bao gồm bánh táo, bánh bí đỏ, rồi bày trên bàn bếp và bắt bọn trẻ nhìn đống thức ăn nhưng không được ăn".
Vợ chồng Turpin tại phiên sơ thẩm ngày 18.1
Các chuyên gia cho rằng ngay cả những nguyên nhân như lạm dụng chất kích thích hay mất khả năng kiểm soát giận dữ cũng không đủ để giải thích cho hành động tàn ác, máu lạnh diễn ra một cách bình thản và từ tốn của cặp vợ chồng Turpin. Do vậy, các nhà tâm lý học cân nhắc đến những yếu tố khác.
"Theo kinh nghiệm của tôi, các ông bố bà mẹ trong trường hợp này thường mắc các rối loạn tâm thần", Priscilla Dass-Brailsford, giáo sư ngành tâm thần học tại Đại học Georgetown, nhận xét. "Họ có thể bị trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Một vài người trong số đó từng là nạn nhân bị lạm dụng khi còn nhỏ".
Trong khi đó, ông David Finkelhor, giáo sư xã hội học kiêm giám đốc trung tâm nghiên cứu về tội phạm xâm hại trẻ em tại đại học New Hampshire, đưa ra giả thuyết là hai vợ chồng Turpin có khả năng bị ảo giác hoặc hoang tưởng ảo giác. Cả hai chứng tâm thần này đều dẫn đến hành vi lạm dụng thiếu lý trí.
"Những người này có thể tự nhủ rằng họ hành động như vậy nhằm bảo vệ các con của mình khỏi sự suy thoái của một xã hội kinh khủng", giáo sư Finkelhor lý giải. "Hoặc họ nhìn các con như là ác quỷ cần bị trừng phạt và đưa vào khuôn khổ".
Khủng hoảng tài chính do phải nuôi một gia đình lớn gồm 15 thành viên cũng có thể là nguyên nhân khiến hai vợ chồng Turpin bỏ đói các con. Louise Turpin ở nhà làm nội trợ trong khi đó David Turpin dường như thất nghiệp trong những năm gần đây, dù từng làm kỹ sư tại các tập đoàn quốc phòng với mức lương lên tới 140.000 USD vào năm 2011. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, gia đình Turpin nộp đơn xin phá sản với khoản nợ ước tính từ 100.000-500.000 USD.
"Có thể ông ta nghĩ việc bỏ đói các con là cách duy nhất để gia đình tồn tại dưới áp lực của xã hội", giáo sư Finkelhor giả định. Theo cơ quan điều tra, cặp vợ chồng kết hôn 32 năm trước và đứa con đầu tiên được sinh ra ít nhất hai năm trước khi họ kết hôn. Cha mẹ David Turpin cho biết cặp vợ chồng sinh nhiều con do nghe theo "tiếng gọi của Chúa".
Điều tra ban đầu cho thấy hai vợ chồng Turpin thông đồng trong việc tra tấn và giam cầm có hệ thống 13 con. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng do khoảng cách tuổi tác và với vai trò trụ cột gia đình, David Turpin nhiều khả năng là chủ mưu lôi kéo vợ.
Tuy nhiên, dựa vào số liệu khảo sát, giáo sư Elizabeth Skowron tại Đại học Oregon cho biết 70% nạn nhân bạo lực gia đình bị chính mẹ ruột bạo hành và không loại trừ khả năng Louise Turpin mới là người khởi xướng.
Giáo sư Skowron còn đưa ra giả thiết về chứng "nhạy cảm cực độ với mối nguy hiểm" thường xuất hiện trong hành vi của những bố mẹ bạo hành con. "Họ nhìn thế giới qua lăng kính cho rằng mọi thứ ngoài kia thật đáng sợ và rằng 'con tôi áp đảo tôi'", bà Skowron nói. "Họ cho rằng việc hoàn toàn kiểm soát các con mới giúp họ cảm thấy yên tâm".