Thưa ông, theo Nghị định 84, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về giá cả, như tung tin thất thiệt, trục lợi... chỉ 20 triệu đồng. Ông có cho rằng, các đối tượng vi phạm sẽ không sợ?
- Khi xây dựng nghị định này, chúng ta đưa ra các mức phạt trên không phải nhỏ. Tuy nhiên, do đồng tiền mất giá lớn, do vậy tính từ thời điểm 15.11, thì mức phạt 20 triệu đồng đúng là không có nghĩa lý gì với các đối tượng vi phạm, và càng quá nhỏ so với một doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh. Nhưng vấn đề ở đây không phải cứ phạt thật nặng thì mới hạn chế được các vi phạm về giá cả.
Nhưng ông cũng thừa nhận phạt nhẹ thì không đủ sức răn đe?
- Vấn đề ở đây là nền kinh tế của chúng ta đang gặp khó khăn, do vậy các hành vi vi phạm về giá cả sẽ ngày một nhiều và bất chấp vi phạm. Cho dù phạt nặng hay phạt nhẹ thì họ vẫn tái phạm, thậm chí cố tình tái phạm, các chế tài sẽ không ảnh hưởng gì tới các hành vi vi phạm.
Ví dụ như thời gian qua, các tin đồn thất thiệt về tăng giá xăng dầu, giá gạo, giá sữa... nhưng chúng ta vẫn chưa có các giải pháp mạnh để ngăn chặn mà mới chỉ là có giải pháp để hạn chế và giải quyết hậu quả của những vi phạm này mà thôi. Thậm chí, hiện nay việc điều tra, xác minh các đối tượng tung tin thất thiệt cũng rất khó và tốn kém cả tiền của lẫn công sức.
Vậy theo ông, có cách gì để hạn chế những vi phạm trong lĩnh vực giá cả này?
- Giải pháp quan trọng là chúng ta cần tăng cường công tác quản lý thị trường và nâng cao vai trò chính sách quản lý nhà nước. Khi kinh tế đang khó khăn, bất ổn, chúng ta càng phải nâng cao hiệu quả giám sát thị trường, bởi bất ổn khiến các vi phạm tăng lên. Hiện quản lý thị trường của ta còn kém, kinh tế còn khó khăn; nợ xấu, đầu tư, kinh doanh không hiệu quả thì chúng ta phải có thêm các công cụ khác để ngăn chặn vi phạm, như dùng chính sách thuế. Các nước đều dùng biện pháp này.
Xin cảm ơn ông!
Mai Nguyễn (thực hiện)