Dân Việt

Bị Bộ trưởng phê bình nghiêm khắc, Cục Quản lý thị trường "họp kín"

Thanh Xuân 22/01/2018 10:50 GMT+7
Như Dân Việt đã đưa tin, sau những phê bình nghiêm khắc cá nhân Cục trưởng Cục Quản lý thị trường của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi để tình trạng sang chiết gas, cắt tai, mài vỏ, chiếm bình xảy ra phổ biến, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức họp gấp vào sáng ngày 22.1. Tuy nhiên, cuộc họp này lại "cấm cửa" báo chí, chỉ ưu tiên truyền hình (?)

img

Bị Bộ trưởng phê bình, Cục Quản lý thị trường họp kín xử lý cắt tai, mài vỏ bình ga khó hiểu? (ảnh: TL)

Họp kín đầy khó hiểu?

Theo thông tin của Cục Quản lý thị trường, sáng 22.1, Cục đã mời Hiệp Hội Gas Việt Nam, Hiệp hội Gas TP. Hà Nội và một số cơ quan truyền thông để rà soát lại một số vụ việc liên quan đến kinh doanh khí hóa lỏng dầu mỏ.

Tại Hội trường tầng 2, số 91 Đinh Tiên Hoàng, trụ sở của Cục Quản lý thị trường, một cán bộ của phòng họp cho biết: “Anh thông cảm, đây là cuộc họp kín, chỉ mời thành phần báo chí là VTV24”. Thật khó hiểu, tại sao một cuộc "họp kín" của Cục Quản lý thị trường lại có VTV24 tham dự, trong khi các cơ quan báo chí khác thì không được vào (?)

img

Phòng họp của Cục Quản lý thị trưởng họp kín đầy khó hiểu? (Ảnh: T.X)

Trước đó, phóng viên có liên hệ với cán bộ của Cục Quản lý thị trường vào chiều ngày 21.1, vị này cho biết: “Để tôi hỏi lãnh đạo xem có mời các báo không, vì trong danh sách chỉ thấy có một ít báo”, vị đại diện này cho biết.

Tại cuộc họp với Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương về tình trạng sang chiết gas trái phép, cắt tai, mài vỏ, chiếm dụng bình gas diễn ra sáng 18.1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phê bình nghiêm khắc Cục Quản lý thị trường và người đứng đầu chịu trách nhiệm chính là ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Nghị định 19 về kinh doanh gas, khí hóa lỏng do Bộ Công Thương xây dựng nhưng lại nói là thiếu cơ sở thì không thể chấp nhận được.

Ông Trần Tuấn Anh cũng chỉ đạo, các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần phải nhanh chóng làm rõ các nội dung về cắt tai, mài bình, chiếm dụng bình gas, đóng dấu khắc tên doanh nghiệp khác, hoạt động sang chiết gas trái phép và quá trình vận chuyển, lưu thông. Nếu khó khăn về chế tài phải báo cáo Bộ trưởng để có biện pháp tháo gỡ ngay.

img

Tình trạng cắt tai, mài vỏ bình gas diễn ra trong nhiều năm. (Ảnh: IT)

Bộ trưởng Bộ Công Thương bức xúc

Trước tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh gas với chiêu thức cắt tai, mài vỏ nhằm chiếm dụng bình gas của đối thủ tồn tại nhiều năm nay nhưng dư luận hết sức bất bình vì sao một việc “cỏn con” ấy mà ngành quản lý thị trường vẫn không giải quyết được triệt để.  

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, tình trạng chiếm dụng, cắt tai, mài vỏ bình gas không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn dẫn đến hoạt động sang chiết gas trái phép, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn nạn này lại xảy ra từ nhiều năm nay mà các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được triệt để.

img

Cuộc họp của Cục Quản lý thị trường sáng ngày 22.1. (Ảnh: T.L)

Được biết, Dự thảo Quyết định Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã được lấy ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định đồng ý, trình lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt. Ai sẽ là Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, “tư lệnh” của ngành phục trách nhiệm vụ quan trọng bao gồm chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… lĩnh vực mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rất quyết tâm phải quản lý tốt đang được dư luận đặc biệt quan tâm?

Cũng theo Hiệp hội Gas Việt Nam, một vỏ bình gas sản xuất ra mất từ 450.000-500.000 đồng. Đơn vị chiếm dụng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn để cắt tai, mài vỏ là biến thành bình của mình, trong khi doanh nghiệp bị chiếm dụng vỏ không có bình để sang chiết gas, phải đầu tư làm vỏ bình mới với chi phí rất lớn. Trong thời gian làm vỏ bình, hãng đối thủ còn chấp nhận hạ giá gas tới mức lỗ vốn nhằm chiếm thị phần và các khách hàng cũ.

Tại cuộc họp ngày 18.1, ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã nêu ra hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong việc xử lý tình trạng chiếm dụng chai LPG (bình gas dân dụng). Hiện chưa có quy định về việc buộc phải trao trả bình gas cho chủ sở hữu.

Các quy định chưa rõ việc sở hữu bình gas là sở hữu về thương hiệu hay sở hữu tài sản vì người sử dụng đã bỏ ra một khoản để mua vỏ bình. Việc chiếm giữ vỏ bình phổ biến do chưa quy định trách nhiệm của đại lý, kênh tổ chức lưu thông.

Ông Ngọc cũng thừa nhận, việc kiểm soát chưa tốt các trạm chiết nạp cũng dẫn đến thất thoát một lượng bình lớn. Lượng bình này được một số đối tượng chiếm giữ, cắt tai, mài vỏ lại, đóng dấu nhãn mác của đơn vị khác rồi lại lưu thông trên thị trường.

img

Nhiều doanh nghiệp chiến dụng bình gas với số lượng lên tới hàng chục nghìn chiếc. (Ảnh: I.T)

Cũng tại cuộc họp này, ông Ngọc cũng đã lấy ví dụ cụ thể về trường hợp của Công ty Phúc Khang (Hòa Bình) thực hiện việc sang chiết gas trái phép, cắt tai, mài vỏ bình, gây nguy cơ mất an toàn. Công ty này đặt tại một vùng núi hẻo lánh, xây tường cao, nuôi chó béc giê để canh giữ và mọi hoạt động chỉ diễn ra vào ban đêm. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, vấn đề rất nghiêm trọng nhưng Cục Quản lý thị trường đã không báo cáo kịp thời Bộ trưởng để báo cáo Chính phủ có phương án giải quyết, để sự việc diễn ra kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường đã phải phối hợp với Cục Cảnh sát chống buôn lậu (C74), tiến hành trinh sát, theo dõi trong vòng 10 ngày để quyết tâm bắt quả tang để xử lý.

Tuy nhiên, dù sự việc rất nhiêm trọng nhưng sau khi các lực lượng chức năng ập vào, bắt quả tang và thu giữ được tang vật nhưng lại gặp khó khăn trong công tác xử lý do doanh nghiệp nêu trên vẫn chưa có dấu hiệu xử lý hình sự.

Trước những lý giải của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường,  Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tỏ rõ thái độ không hài lòng với báo cáo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường. Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, vai trò và trách nhiệm quản lý thị trường ở địa phương như thế nào, tại sao lại không phát hiện ra, để đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc?