Dân Việt

Chống ngập úng ở Hà Nội: Còn nhiều nan giải

07/11/2011 11:40 GMT+7
Dân Việt - Mỗi khi bước vào mùa mưa bão, Hà Nội lại ngập chìm trong nước mỗi khi có mưa to trút xuống. Cảnh phố thành sông sau mưa đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Mặc dù các ngành hữu quan của thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, dự án để chủ động phòng, chống, tránh, khắc phục hậu quả mưa bão nhưng các điểm ngập lụt vẫn không giảm…

Những trận mưa mùa hè 2011 trút xuống Hà Nội mang theo nỗi lo của người dân hàng phố. Tình trạng úng ngập cục bộ, đặc biệt là ở khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, mỗi khi có mưa lớn đã kéo dài nhiều năm nay, bất chấp nỗ lực của các cơ quan hữu quan và cả những dự án đầu tư hàng triệu USD.

img
Cảnh người dân đi xe máy giữa biển nước sau một cơn mưa to ở Hà Nội

Theo tính toán ban đầu, trận lụt kinh hoàng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan đã khiến đất nước Chùa vàng này thiệt hại hơn 6 tỉ USD, gần 400 người chết, cuộc sống hàng triệu người bị đảo lộn, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng trên diện rộng. Từ trận lụt lịch sử ở Thái Lan, nhiều người đã liên tưởng đến Hà Nội, khi kí ức về trận lụt khủng khiếp năm 2008 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, gây ra ngập lụt ở Bangkok ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu còn do lũ thượng nguồn, lượng mưa tại chỗ và tác động của thủy triều cùng sự chủ quan của con người. Nhìn tổng thể, một điều rất lạ ở Thái Lan là lượng mưa lớn đổ xuống các miền Đông Bắc và Trung du Thái Lan suốt 3 tháng trời, gây lũ lụt tràn lan các miền này, vậy mà suốt thời gian đó không có cơ quan nào và chuyên gia nào tính toán để đưa ra cảnh báo cho vùng miền cuối nguồn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội, đến mùa mưa bão năm nay, nguy cơ ngập úng tại các tuyến đường của Hà Nội vẫn lớn. Bởi lẽ, tình hình thời tiết, thủy văn năm nay diễn biến phức tạp, thay đổi bất thường, trái với quy luật và khó dự báo. Chỉ với những trận mưa đầu mùa vừa xảy ra trong tháng 5 - 6.2011, cường độ từ 50-100 mm, nhiều tuyến phố đã ngập úng và ùn tắc giao thông.

Lo ngại nhất vẫn là lưu vực sông Tô Lịch, với tổng diện tích 7.750 ha, bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và một phần diện tích quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, các huyện Từ Liêm, Thanh Trì..., khi trời đổ mưa cường độ từ 50-100 mm là xuất hiện khoảng 25 điểm ngập úng trên các tuyến đường giao thông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 96 hồ chứa nước (không kể hồ trong nội thành), gồm 5 hồ dung tích trên 10 triệu m3, còn lại là từ 2 - 5 triệu m3, có nhiệm vụ cắt lũ và trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các hồ lớn tuy đã được tu bổ, sửa chữa một số hạng mục chính như cống tưới, tràn xả lũ, thân, mặt, mái đập, song tình trạng bồi lắng, lấn chiếm lòng hồ, sử dụng sai mục đích do chưa được xử lý kịp thời, đang làm giảm khả năng cắt lũ, ảnh hưởng tới việc tưới, tiêu nước.

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng - CECR (Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh như vũ bão trong những thập kỉ vừa qua đã tạo những áp lực to lớn lên hồ Hà Nội theo ba kênh chính là rác thải, nước thải sinh hoạt và nạn lấn chiếm lấp hồ bất hợp pháp.

Nước của nhiều hồ ao bị ô nhiễm trầm trọng, nhiều điểm bờ và hành lang bờ bị biến thành các nơi đổ rác hoặc phế liệu, bị lấn chiếm, nhiều ao hồ biến mất; hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm trong đó 62% rất bẩn, 20% bẩn.

Một số lớn các ao, hồ chưa được kè đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Phần lớn các hồ, ao này nằm sâu trong các khu dân cư, hoặc ở các vị trí khuất. Đối với các hồ, ao có khuôn viên đẹp, nhiều nơi bị lấn chiếm để làm hàng, quán, khu ăn uống, các bãi đỗ xe. Nước thải từ các hàng quán, các nhóm tập trung ăn uống ven hồ xả trực tiếp xuống hồ gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Bức xúc trước vấn nạn ao hồ bị lấn chiếm, triệt tiêu chức năng điều hòa khí hậu, xả lũ..., UBND TP Hà Nội từng tổ chức nhiều hội thảo về việc cải tạo môi trường sông, hồ ở Hà Nội. Các ý kiến trong hội thảo cho thấy, hiện nay công tác cải tạo hồ ở Hà Nội tập trung vào các dự án công trình như kè bờ hồ, cải tạo hồ và xử lí nước.

Đầu năm 2010, thành phố Hà Nội đã phát động cuộc vận động kêu gọi xã hội hóa việc bảo vệ, kè và cải tạo hồ trong nội thành Hà Nội và đã nhận được sự hưởng ứng rất cao. Chỉ trong ngày phát động, đã có tới 18 doanh nghiệp đăng kí đóng góp tặng thành phố Hà nội kinh phí gần 400 tỉ đồng để cải tạo hồ. Tháng 2.2010, UBND TP đã có quyết định giao 15 chủ đầu tư cải tạo 15 hồ, chủ yếu dành cho công tác nạo vét lòng hồ và kè hồ.

Tuy nhiên, do các biện pháp xử lí chưa đồng bộ và thiếu cơ sở khoa học nên hầu như các hồ đã được cải tạo hoặc chưa được cải tạo đều trong tình trạng suy thái, ô nhiễm ít nhiều. Nghiêm trọng hơn, nhiều ao hồ cải tạo theo kiểu chắp vá, dở dang vừa gây mất mĩ quan, vừa triệt tiêu vai trò "túi chứa nước" như vốn có ban đầu.

Việc chống úng ngập không thể trông chờ vào các giải pháp tình thế, mà cần sự đầu tư đồng bộ. Trận úng ngập lịch sử năm 2008, nhấn chìm các tuyến đường nội thành trong biển nước, đã cho Hà Nội một bài học lớn. Hà Nội cần phải khắc phục nhanh chóng tình trạng úng ngập trên diện rộng vì cuộc sống và sự an toàn của người dân.