Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 (32,1 tỷ USD. Có thể nói, trong thành công của ngành nông nghiệp không thể không kể tới vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2016-2017 với khối lượng nước mà các nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xả về hạ du. Theo Báo cáo của Bộ NNPTNT, các đợt xả nước đã bảo đảm yêu cầu cung cấp đủ nước cho làm đất gieo cấy lúa Đông Xuân, lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện (4,67 tỷ m3) tiết kiệm khoảng 0,5 tỷ m3 so với dự kiến. Kế hoạch đổ ải vụ Đông Xuân 2017-2018 sẽ kéo dài trong vòng 18 ngày và dự kiến sẽ chia làm 3 đợt. Vậy, từ thời điểm nào nông dân có thể lấy nước, công tác chuẩn bị cho đổ ải vụ Đông Xuân 2017-2018 được chuẩn bị ra sao? Phương án cấp điện cho các trạm bơm như thế nào? Công tác nạo vét kênh mương nội đồng chuẩn bị đón nước được các địa phương chuẩn bị tới đâu? EVN và các đơn vị trực thuộc có kế hoạch gì? Đặc biệt, năm nay tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm ở rất nhiều địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…? Việc nguồn nước ở hạ du bị ô nhiễm, để thau rửa, hòa tan liệu EVN có cần phải xả thêm một lượng nước lớn hơn không? Tới tham gia buổi giao lưu trả lời trực tuyến ngày hôm nay có: 1. Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 2. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) |
Câu hỏi đầu tiên từ bạn đọc Trần Văn Sáng ở Hải Dương gửi tới ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thưa ông Hùng, hiện, Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy lợi đã có kế hoạch đổ ải vụ Đông Xuân 2017-2018, sau khi kết thúc đợt 1 kết quả lấy nước của bà con có khả quan không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: Diện tích có nước tính đến kết thúc Đợt 1 là: 180.190 ha, đạt 29,5% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch, so với thời điểm kết thúc Đợt 1 lấy nước năm 2016-2017 cao hơn khoảng 5,2%. Các địa phương diện tích có nước đạt cao như: Nam Định 71,5%, Phú Thọ 62,9%, Ninh Bình 59,7%, Hà Nam 43,7%, Hải Dương 23,73%, Thái Bình 23,0%, Vĩnh Phúc 20,8%. Diện tích đủ nước của một số địa phương đạt cao do có nguồn nước tích trữ từ mùa mưa năm 2017 và cấp nước sớm từ nguồn nước lợi dụng thủy triều và sông, suối nội địa. Nhìn chung, chúng tôi thấy việc lấy nước năm nay cũng gặp một số khó khăn, tuy tỷ lệ chung đủ nước tương đối cao nhưng không đồng đều giữa các địa phương.
Một bạn đọc có địa chỉ email Nguyenminh**&@gmail.com cũng gửi tới ông Hùng câu hỏi: Theo phản ánh của các cơ quan truyền thông, hàng loạt các địa phương năm nay bị ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực Hà Nam còn xuất hiện cả dòng “sông tuyết” khiến cho người dân không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt mà còn không thể lấy nước gieo cấy. Ông có đánh giá gì về thực trạng này và giải pháp của ngành nông nghiệp như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) đang trả lời các câu hỏi tại buổi Giao lưu trực tuyến.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục thông tin: Tình trạng ô nhiễm chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi đã xảy ra từ nhiều năm nay, đặc biệt là ở các hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng Bắc Bộ, như: sông Nhuệ, Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà,..Nguyên nhân của tình trạng này do việc xả thải xuống công trình thủy lợi không qua xử lý, tình trạng này ngày càng gia tăng do phát triển của đô thị hóa, công nghiệp, làng nghề,…
Từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ thực hiện việc giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi để làm cơ sở vận hành công trình thủy lợi cung cấp nước bảo đảm chất lượng cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, một số khu vực bị ô nhiễm nặng là huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam, lấy nước từ hệ thống thủy lợi sông Nhuệ), huyện Cẩu Giàng (tỉnh Hải Dương, lấy nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải), huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên, lấy nước từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải).
Để bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị các đơn vị khai thác công trình thủy lợi: “Sử dụng nguồn nước được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện trong Đợt 1 lấy nước để thau rửa hệ thống thủy lợi, đồng ruộng, chỉ vận hành công trình để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp khi chất lượng nguồn nước bảo đảm theo quy định hiện hành”.
Thực tế, trong đợt 1, qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt yêu cầu của Tổng cục Thủy lợi, các điểm ô nhiễm nặng như đã nêu đều được cải thiện về chất lượng nước, bảo đảm yêu cầu cung cấp cho sản xuất nông nghiệp.
Về lâu dài, Tổng cục Thủy lợi đã đề nghị các địa phương tăng cường việc cấp phép, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải vào công trình thủy lợi, nhất là từ các khu công nghiệp, làng nghề, dân cư tập trung,.. để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm chất lượng nước.
Cũng liên quan tới nội dung nguồn nước ô nhiễm, bạn đọc Nguyễn Văn Hòa ở Hưng Yên hỏi ông Nguyễn Quốc Chính: Do nước bị ô nhiễm nên gần như ngày bơm nước đầu tiên người dân không dám lấy nước vào ruộng, chờ thau rửa và hòa tan nên năm nay liệu EVN có phải xả thêm nước từ thượng nguồn hay không? Trung bình mỗi năm gần đây EVN phải xả bao nhiêu tỷ m3 và nếu tính ra thiệt hại số tiền có lớn không? Trong trường hợp nước bị ô nhiễm, EVN phải tăng cường xả nước để thay rửa, hòa tan nước bẩn liệu có thiệt hại lớn với ngành điện hay không?
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Thứ nhất, việc ô nhiễm nguồn nước trong những ngày đầu tiên xả nước là không mới, những năm trước đều xảy ra. Đầu tiên, các công ty cần giải quyết thau rửa nguồn nước để pha loãng nồng độ. Trong những năm sắp tới, chúng tôi mong các ngành các cấp có những biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm được triệt để hơn.
Năm nay, EVN trước đợt xả đầu tiên, Bộ cũng có công điện giờ đầu tiên ngày đầu tiên sửa dụng nguồn nước để thau rửa nguồn nước ô nhiễm.
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Tuy nhiên việc xả nước của các nhà máy thủy điện liên quan đến triều cường trong xả nước. Nếu không có triều cường thì nhà máy xả tối đa nước cũng không lên được.Dự kiến chúng tôi xả 3 đợt tổng cộng trong khoảng 18 ngày. Đợt đầu chúng ta đã xả 4 ngày.
Trong các năm gần đây, tùy theo điều kiện về thời tiết thì lượng xả thấp hơn, những năm khô hạn thì nguồn xả phải nhiều hơn.
Năm nay kế hoạch cũng đề ra 18 ngày những cũng tùy theo điều kiện thời tiết để điều chỉnh, đảm bảo cấp đủ nước cho bà con. Tính giá trị trung bình, mỗi năm chúng ta xả khoảng 4 tỉ rưỡi mét khối nước để cung cấp cho nhân dân đổ ải.
Trong việc ô nhiễm, việc xả nước chỉ kết hợp với triều cường, thời gian xả chỉ giới hạn. Rất mong muốn chính quyền địa phương có các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm.
Bạn Bùi Thị Hoa ở Bắc Ninh gửi câu hỏi tới ông Hùng: Tôi thấy ở địa phương tôi ngành Thủy lợi đã bắt đầu được giao kiểm soát chất lượng nước nội đồng, tức là ở các kênh, mương còn ở sông thì vẫn thuộc ngành Tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì ngành thủy lợi chủ yếu kiểm tra những kết quả đã kiểm nghiệm và công bố của các doanh nghiệp xả thải (kiểm tra hồ sơ) chứ không có chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm mẫu nước, mẫu rau, củ, quả…về mức độ ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm. Xin hỏi ông, các quy định mới của Luật thủy lợi như vậy liệu có bất cập không? Làm thế nào để kiểm soát được các doanh nghiệp, làng nghề xả thải ra môi trường chưa xử lý?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Theo Luật Thủy lợi, một trong các nội dung quản lý, khai thác công trình thủy lợi là bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Việc quản lý chất lượng trong hệ thống sông, quản lý môi trường nói chung thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường.
Để kiểm soát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, từ nhiều năm nay, việc lấy mẫu nước để xét nghiệp các chỉ tiêu và dự báo chất lượng nước được các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Các việc trên đã giúp ích nhiều cho công tác điều hành cấp nước của các hệ thống công trình thủy lợi. Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi đang ở mức báo động do sự gia tăng lượng nước xả không qua xử lý từ các khu đô thị, công nghiệp, làng nghề,..
Trong thời gian tới, để kiểm soát việc xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn nước xả vào công trình thủy lợi, nếu không bảo đảm chất lượng sẽ không được phép xả.
Cũng liên quan tới chất lượng nguồn nước, bạn Nguyễn Hoàng Hà ở Khái Châu (Hưng Yên) gửi câu hỏi tới ông Hùng: Nếu nguồn nước bơm lên bị ô nhiễm, mầu đen và có mùi hôi thối khi lấy vào ruộng canh tác liệu có đảm bảo cho sản xuất không. Trường hợp sử dụng nguồn nước này canh tác sẽ gây ra hậu quả gì?
Nguồn nước có màu đen và mùi hôi thối là biểu hiện của việc bị ô nhiễm, mức độ ảnh hưởng đến sản phẩm nông nghiệp như thế nào thì cần có thí nghiệm cụ thể. Qua thực tế giám sát chất lượng trong hệ thống công trình thủy lợi một số năm gần đây, một số chỉ tiêu chất lượng nước thường vượt quá chuẩn như sau:
DO (dissolved oxygen): Thường được tạo ra do sự hòa tan của không khí và một phần nhỏ là do sự quang hợp của tảo v.v... Khi nồng độ DO trở nên quá thấp sẽ dẫn đến hiện tượng khó hô hấp, giảm hoạt động ở các loài động thực vật dưới nước và có thể gây chết đối với các sinh vật tồn tại trong nước như cá hay các loài thủy sinh khác. Đối với hệ thống sông Nhuệ hàm lượng DO hiện nay đang rất thấp, dao động DO trong khoảng từ 0 – 0.5 mg/l từ Liên mạc đến Nhật Tựu. Với hàm lượng DO này thì không thể tồn tại các loại thủy sinh trong nước.
NH4+ (Amoni): Bản thân Amoni không quá độc với cơ thể, nhưng nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nó có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Đối với sông Nhuệ (đoạn từ Liên Mạc đến Nhật Tựu), hiện nay hàm lượng NH4+ tùy từng vị trí dao động từ 20 đến 45 lần so với quy chuẩn cho phép về cấp nước cho nông nghiệp.
Hàm lượng các chất như BOD, COD thường vượt chuẩn, như tại Sông Nhuệ dao động trong khoảng từ 150 – 250 mg/l tùy từng chất, điều này chứng tỏ hàm lượng ô nhiễm chất hữu cơ trong nước là rất cao.
Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Trương Minh Khôi ở Vĩnh Phúc gửi câu hỏi tới ông Nguyễn Quốc Chính: Chúng tôi vẫn sử dụng điện qua HTX mua bán điện, không qua trực tiếp ngành điện nên nguồn điện cũng hay bị trục trặc. Các năm trước đã xảy ra tình trạng điện yếu không thể bơm được nước trong những ngày xả nước đổ ải. Xin ông cho biết, EVN sẽ có hỗ trợ gì cho những khu vực ngành điện chưa bán điện trực tiếp như chúng tôi để đảm bảo đủ điện cho công tác bơm nước đổ ải?
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Thực tế, ở phía đồng bằng Bắc Bộ, ở một số địa phương có các trạm bơm được cấp điện qua các hợp tác xã mua bán điện. Theo quy định của tổng công ty điện lực, các văn bản pháp lý hiện hành thì tập đoàn điện lực việt nam có trách nhiệm cung cấp cho toàn bộ khách hàng của tập đoàn.
Cũng như mọi năm, trước khi vào các đợt xả nước đổ ải, Tập đoàn Điện lực có văn bản yêu cầu các tổng công ty, công ty điện lực ở các tỉnh, huyện cùng các hợp tác xã mua bán điện kiểm tra lại toàn bộ mạng lưới điện. Nếu có vấn đề gì về kĩ thuật thì đề nghị các hợp tác xã phải có động tác bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo hiệu quả cấp điện của mạng lưới điện mà hợp tác xã đó quản lý.
Trong thời gian xả nước thì chúng tôi có bố trí người trực để trợ giúp về mặt kĩ thuật cho các hợp tác xã đó để xử lý các sự cố trong thời gian nhanh nhất để đảm bảo có điện liên tục cho các trạm bơm.
Theo các báo cáo cho đến nay, qua đợt xả ải đầu tiên thì cũng chưa có địa phương nào, công ty điện lực nào có tình trạng mất điện ở các trạm bơm.
Tôi hy vọng sự hợp tác tốt giữa hợp tác xã và công ty điện lực sẽ đảm bảo nguồn điện ổn định và liên tục cho các trạm bơm. Về chất lượng điện năng thì tôi đảm bảo điện bây giờ rất ổn định, không có tình trạng điện yếu, nếu có thì chỉ là do đường dây quá xa nên có tổn thất còn nguồn điện rất tốt, đầy đủ.
Bạn đọc Hoàng Minh Quang ở Nam Định cũng gửi câu hỏi tới ông Nguyễn Quốc Chính: EVN có phương án gì để đảm bảo sẽ không phải cắt điện trong những ngày cao điểm phải sử máy bơm lấy nước vào ruộng đồng?
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục thông tin: Để đảm bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy vụ ĐX 2017 – 2018 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ, EVN đã chỉ đạo các Cty ĐL liên quan chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện cấp cho các trạm bơm nước; bám sát lịch làm việc của các trạm bơm trong các công tác, lịch thời vụ của địa phương để thực hiện phương án cung ứng điện an toàn, đảm bảo chất lượng liên tục 24h/24h từ ngày 16.01 đến 14.2.2018. Tăng cường chế độ trực vận hanh, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh trong tình huống xảy ra sự cố lưới điện.
Thêm nữa, trong các đợt bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy năm trước và đợt 1 vừa rồi, chúng tôi cũng không nhận được báo cáo việc mất điện ảnh hưởng đến việc vận hanh trạm bơm.
Bạn Nguyễn Kim Ngân ở Vĩnh Phúc hỏi: Năm nay theo lịch gieo cấy của ngành nông nghiệp chủ yếu là trà xuân muộn, tức là cấy sau Tết âm lịch. Trong khi lịch xả nước cuối cùng là vào dịp áp Tết. Thời điểm đó liệu tâm lý nghỉ Tết của cán bộ ngành điện và ngành thủy lợi có bị ảnh hưởng dẫn tới điện nước chập chờn không bơm đủ nước cho nông dân không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Để lựa chọn phương án lấy nước, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất các tiêu chí xây dựng lịch lấy nước, tính toán các kịch bản bằng mô hình toán (do Viện Quy hoạch Thủy lợi thực hiện) để lựa chọn phương án tốt nhất. Cụ thể các tiêu chí xây dựng lịch lấy nước như sau:
- Bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, Với khung thời vụ được khuyến cáo từ ngày 5/2-28/2/2018, cần có 3 đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện, đợt 1 sớm hơn thời gian gieo cấy từ 10-20 ngày, đợt 3 kết thúc trước ngày cuối của khung gieo cấy từ 5-10 ngày.
- Tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện: Để bảo đảm dâng đủ mực nước cho các công trình thủy lợi lấy nước thuận lợi, tận dụng được lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, các đợt xả nước phải trùng với kỳ triều cường, bảo đảm dâng đủ mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt +2,20m.
- Khả thi trong việc lấy nước, tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán: Đợt lấy nước không trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày cuối của đợt kết thúc vào 24 giờ ngày 29/12 Âm lịch.
- Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước: Lịch lấy nước xây dựng tạo thuận lợi hơn cho các địa phương có nhiều công trình lấy nước bằng động lực, thời gian lấy nước dài hơn (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc).
Do phải lợi dụng thủy triều nên năm nào lịch xả nước cũng gần với Tết Nguyên đán. Việc vận hành công trình thủy lợi trong thời gian này luôn được cán bộ, công nhân thủy lợi thực hiện nghiêm túc từ nhiều năm nay.
Ban đọc Quang Duẩn (Thanh Hóa) hỏi: Bà con vào dịp Tết thường có tâm lý rời bỏ đồng ruộng để tập trung mua sắm, dọn dẹp nhà cửa…trong khi đợt xả nước cuối cùng là vào những ngày áp Tết. Làm cách nào để tuyên truyền cho người dân tập trung lấy đủ nước?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Lịch lấy nước sẽ kết thúc vào ngày 29/12 Âm lịch, không trùng với 3 ngày nghỉ Tết. Để truyên truyền, vận động người dân tập trung lấy nước trong dịp gần Tết, Tổng cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyên thông tăng cường đưa tin, hướng dẫn, vận động người dân hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của các đợt xả nước để người dân chủ động lấy nước và giữ nước trên ruộng.
Bạn đọc Hoàng Châu (Thái Nguyên): Tôi thấy lịch lấy nước đợt cuối vào đúng dịp áp Tết. Nếu người dân lấy nước vào ruộng nhưng sau Tết mới cấy liệu có tình trạng đúng lúc nước trong ruộng đã cạn hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Các đợt lấy nước năm nay khá phù hợp với lịch gieo cấy; tuy nhiên, do trùng với kỳ nghỉ Tết nên nhiều diện tích gieo cấy sẽ thực hiện sau Tết, đây cũng là một trong những khó khăn do thời gian giữ nước trên ruộng khá dài. Để chống thất thoát nước, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị các địa phương hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để người dân thực hiện, một trong số đó là thực hiện việc bừa vỡ mặt ruộng để tăng độ keo đất, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
Bạn đọc Trần Hương (Nam Định) hỏi: Tôi chưa rõ quy trình sản xuất điện của thủy điện nên muốn ông Chính giải thích hộ. Vì bình thường muốn có điện vẫn phải xả cho nước chảy để chạy tua bin phải không? Còn khi xả nước phục vụ gieo cấy thì phải chăng những ngày đó tua bin chạy nhanh hơn và điện cũng sản xuất được nhiều hơn những ngày thường?
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN):
Với việc xả nước đổ ải, các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà sẽ chạy máy phát điện để đưa nước về các tỉnh thành phố khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ gieo cấy. Xả nước qua chạy máy đợt này khác với thời kỳ xả nước bình thường. Bình thường các nhà máy thủy điện chạy theo biểu đồ, nhu cầu nhiều, chạy nhiều, nhu cầu ít, chạy ít.
Trong 3 đợt xả nước tăng cường, chúng tôi cho chạy tối đa công suất các tổ máy, đảm bảo lưu lượng nước qua các tổ máy là lớn nhất. Để duy trì mực nước sông Hồng tại Hà Nội thường xuyên từ 2.2 m trở lên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước, các nhà máy thủy điện phải chạy tối đa, hết công suất các tổ máy.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Âu Phương Thảo (Ba Vì – Hà Nội) cũng thắc mắc: Ông Chính có thể giải thích hộ là nếu cứ xả nước nhiều thì sẽ phát ra điện nhiều phải không? Trường hợp nếu điện sản xuất ra được nhiều hơn nhu cầu sử dụng thì có biện pháp gì để tích điện lại dùng để phát cho ngày hôm sau hay cho những lúc thiếu điện (kiểu như người dân sạc ắc quy hay không)?
Ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Sản xuất điện có một đặc thù là không thể tích trữ, trong thời điểm sản xuất ra đúng bằng nhu cầu, đủ tải. Chúng tôi có phụ tải đúng khớp với các hoạt động của nhà máy.
Bạn đọc Phương Thu (Yên Bái) hỏi: Tôi nghe nói ngành thủy lợi đang xây dựng quy định chuyển thủy lợi phí sang giá dịch vụ. Liệu tới đây có phải ngành điện và ngành thủy lợi sẽ phối hợp bán nước, người dân muốn có nước đưa vào đồng ruộng để cấy sẽ phải bỏ tiền ra mua hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Thủy lợi phí đã chính thức chuyển sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi từ ngày 01/01/2017 theo quy định của Luật Phí và lệ phí năm 2015. Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nhà nước hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, do đó người nông dân trồng lúa sẽ vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ như khi thực hiện miễn thủy lợi phí. Giá đầy đủ dịch vụ thủy lợi khả năng sẽ áp dụng cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả cao, không có yếu tố công ích như các ngành công nghiệp, dịch vụ,…
Bạn đọc Tiến Mạnh (Thanh Hóa) có đặt câu hỏi: Hiện nay, thống kê của ngành thủy lợi cho thấy, các tỉnh phía Bắc có tất cả bao nhiêu tram bơm lớn, nhỏ phục vụ cho tưới tiêu? Năm 2017 tôi được biết có rất nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh đã đầu tư hạ thấp một số trạm bơm. Nếu hạ tất cả các trạm bơm này dự kiến chi phí có tốn kém hay không và so với giải pháp hiện tại là sử dụng trạm bơm dã chiến thì phương án nào khả thi và hiệu quả kinh tế hơn?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Việc lấy nước từ hệ thống sông Hồng – Thái Bình để phục vụ gieo cấy lúa ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ bao gồm cả các trạm bơm và công lấy nước tự chảy. Tổng cộng số lượng không quá nhiều, khoảng dưới 100 công trình; tuy nhiên, đây đều là các công trình đầu mối lớn nên chi phí xây dựng tương đối cao.
Một số năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Thành phố Hà Nội đã xây dựng một số trạm bơm có khả năng lấy nước từ sông kể cả khi không có các đợt lấy nước bổ sung. Đây là phương án lấy nước chủ động hiện đang được Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức nghiên cứu, tính toán cụ thể để lên phương án đầu tư, dần tiến tới giảm các đợt xả nước từ hồ chứa thủy điện.
Bạn đọc Nguyễn Thắng (Hải Dương) cũng có thắc mắc tương tự và hỏi thêm: Trong trường hợp sau Tết mới cấy, nước ở đồng ruộng và kênh mương đã cạn thì ngành điện có xả thêm nước cho nông dân tưới dưỡng hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Việc đầu tiên Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương là cần giữ nước chặt chẽ trên ruộng, chống thất thoát để bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy; ngoài ra, cần tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng để cấp nước bổ sung và dành cho tưới dưỡng lúa.
Bạn Minh Huệ (Vĩnh Phúc) hỏi: Câu hỏi dành cho cả 2 khách mời: Nhiều chuyên gia và nhà khoa học đã từng đưa ra các giải pháp như sử dụng các đậm tràn trên sông Hồng để dâng mực nước lên cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu thì đây được coi là giải pháp khả thi. Là những người có kinh nghiệm trong ngành Thủy lợi và ngành điện, hai ông có ủng hộ giải pháp này không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Việc xây dựng các đập ngăn sông để dâng mực nước lên cao trong mùa khô là phương án đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiên cứu; bên cạnh đó, có phương án đã được một số địa phương thực hiện và cũng đang được tổ chức nghiên cứu là xây dựng các trạm bơm lấy nước có khả năng bơm khi mực nước sông thấp, ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Kết quả nghiên cứu các phương án sẽ được so sánh để lựa chọn, bảo đảm hiệu quả kinh tế, kỹ thuật tổng thể.
Bạn Nguyễn Tạo ở Hải Dương hỏi, thời gian qua, do thiếu nước, gia đình tôi đã chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng cây ngô ngọt cho hiệu quả gấp 3 lần cấy lúa. Tuy nhiên ngô ngọt thì phụ thuộc vào thị trường cũng bấp bênh nên bây giờ nghe nói cả ngành điện và thủy lợi phối hợp rất tốt, cấp nước đầy đủ cho người dân tới mức không để một m2 đất nào thiếu nước thì tôi có nên chuyển quay lại cấy lúa hay không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Việc chuyển đổ từ trồng lúa sang cây trồng cần ít nước tưới hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích thực hiện. Việc bảo đảm cấp đủ nước cho gieo cấy lúa chỉ cho các diện tích nằm trong kế hoạch gieo cấy của các địa phương, những diện tích khó cấp nước hiện tại hoặc thường xuyên bị ngập lụt, úng cũng cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang loại hình phù hợp để giảm áp lực cho việc cấp, thoát nước.
Bạn Quách Lợi ở Ninh Bình gửi câu hỏi cho ông Hùng: năm nay được đánh giá là thời tiết, khí hậu, nguồn nước dồi dào và thuận lợi hơn nhiều năm trước tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì theo ông công tác bơm nước phục vụ gieo cấy cho người dân còn những khó khăn gì?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): Một số đợt lấy nước các năm gần đây đều có mưa, đây là điều kiện rất thuận lợi. Tuy nhiên, có một số khó khăn: năm nay dự báo ít khả năng có mưa nên thời tiết không hoàn toàn thuận lợi; lịch gieo cấy tập trung gần Tết Nguyên đán nên việc gieo cấy sẽ thực hiện chủ yếu vào sau Tết, làm thời gian giữ nước trên ruộng khá dài; hiện tượng xói sâu lòng dẫn sông Hồng dẫn đến mực nước sông bị hạ thấp là khó khăn rất lớn từ nhiều năm nay chưa được khắc phục và lớn nhất là việc nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ vận hành phát điện được 7/8 tổ máy nên dòng chảy về hạ du thấp hơn một số năm trước nên một số công trình lấy nước không thuận lợi.
Bạn đọc Nguyengiaphu***@gmail.com gửi câu hỏi tới ông Chính: Trong các đợt mưa lũ vừa qua, ngành điện còn phải xả nước đáy ở một số hồ thủy điện. Thực tế là vì sao lại phải xả, không giữ lại nguồn nước đó chờ tới bây giờ xả nước cho người dân gieo cấy? Thừa nước tới mức phải xả thì chắc năm nay nước đang quá dồi dào chẳng phải lo tới việc xả nước phục vụ gieo cấy đùng không?
Ông Nguyễn Quốc Chính cho biết, thực ra chúng ta giữ được tất cả lượng nước do mưa lũ tại đầu nguồn để phục vụ cho phát điện và phục vụ cho gieo cấy, tưới tiêu khi cần thì ai cũng muốn cả nhưng để giữ được toàn bộ nguồn nước ấy thì chúng ta phải có một bể chứa rất lớn.
Thực tế cho thấy, năm nay mưa nhiều như thế, chúng tôi có hỏi Tổng cục Thủy lợi có trữ được nước ở trong nội đồng, ao hồ hay không. Tuy nhiên, được biết theo thống kê của ngành thủy lợi thì thực ra thời gian mưa cũng cách thời điểm vụ Đông Xuân rất xa nên trữ nước ở trong ao, hồ cũng hao hụt. Do đó, tới thời điểm này cần nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018 cũng phải tăng cường xả nước từ các hồ chưa. Cũng như đánh giá của ông Hùng, tôi nghĩ năm nay lượng nước không dồi dào, thậm chí có khi còn khó khăn hơn so với năm trước.
Bạn đọc Duy Khanh ở Nam Định) hỏi: Năm nào cũng tới lịch là phải xả nước và bơm nước nên kết thúc đợt lấy nước đầu tiên, ngành thủy lợi và ngành điện đã rút ra được những kinh nghiệm gì. Qua đó, 2 ông có những chỉ đạo gì cho các đơn vị trong ngành cũng như kiến nghị gì với các địa phương để công tác bơm nước phục vụ gieo cấy cho bà con nông dân đạt hiệu quả?
Ông Hùng cho biết: Kết thúc đợt 1 lấy nước, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản gửi các địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Tập trung vận hành tối đa phương tiện để tranh thủ lấy nước vào hệ thống thủy lợi và đưa nước lên ruộng, bảo đảm kịp tiến độ làm đất phục vụ gieo cấy.
Tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện việc bừa vỡ mặt ruộng để tăng độ keo đất, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước. Rà soát các diện tích tại vùng cao, vùng trũng có khả năng bị thiếu nước, ngập úng, có phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất để giảm áp lực cho việc cấp, thoát nước hoặc có giải pháp cấp nước thay thế từ nguồn nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện (cụ thể từng huyện, từng hệ thống công trình thủy lợi).
Còn ông Chính bổ sung thêm: Qua đợt 1, thực tế có 4 ngày nhưng chúng tôi đã vận hành trước 3 ngày nên tổng thời gian xả nước đã lên tới 7 ngày. Lượng nước xả xuống 1,4 tỉ m3 nên diện tích cũng tương đối khoảng 30%, tuy nhiên như ông Hùng nói là tỉ lệ giữa các địa phương là không đều. EVN mong muốn trong đợt 2 và đợt 3 bà con nông dân cần tận dụng tối đa nước xả, tổ chức lấy nước ngay khi có đủ nước chứ không chỉ chờ đúng ngày. Thực hiện các biện pháp tích nước, trữ nước để đảm bảo lấy được nước tối đa của 2 đợt xả nước còn lại từ các hồ chứa thủy điện, đảm bảo đủ nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân 2017 – 2018.
Câu hỏi của anh Phạm Tuyên, khách mời tới từ báo Tiền phong dành cho ông Chính:Nếu qua 3 đợt xả nước, bà con nông dân lấy được nước hiệu quả và tiết kiệm thì ngành điện sẽ tránh được lãnh phí như thế nào?
Ông Chính cho biết: Theo tính toán, trung bình một ngày xả 3 nhà máy khoảng gần 200 triệu m3 nước, nên việc tiết kiệm 1 ngày xả cũng rất quan trọng cho sản xuất cung ứng điện trong mùa khô sắp tới. Vào mùa khô, khi mực nước ở các hồ chứa thủy điện đều cạn, có vài trăm triệu m3 nước sẽ giải quyết được nguồn điện với giá trị rất lớn vì chi phí sản xuất điện từ thủy điện thấp hơn so với các loại hình phát điện khác. Tất nhiên, để đảm bảo nhu cầu cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân tại các địa Phương, EVN vẫn phải huy động hợp lý tất cả các nguồn điện. Do đó, tiết kiệm được nguồn nước cho mùa khô sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.
Phó TBT Nguyễn Văn Hoài- Đại diện Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt tặng hoa cho các khách mời
Sau gần 2 tiếng tiếng diễn ra, cuộc Tọa đàm trực tuyến với nội dung "Sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm đổ ải vụ Đông Xuân" đã kết thúc với hơn 300 câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình! |