Dân Việt

"Vua" bò lai Sind trên cao nguyên Mộc Châu

Hà Hoàng 24/01/2018 13:05 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Dũng, bản Tự Nhiên, (Xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), nuôi bò thịt từ mấy năm trở lại đây, lúc thời điểm cao nhất lên tới 31 con bò nhốt chuồng cho lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Dũng cho biết: Trước kia ông nuôi lợn, nhưng không có lãi do giá cả trên thị trường không ổn định. Nhận thấy việc nuôi bò lai Sind mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra cho sản phẩm lại ổn định, ông chuyển sang nuôi bò từ năm 2011. Mới đầu ông mua về 15 con bò cái  giống địa phương và 1 con bò đực giống lai Sind để phối, cho sinh sản ra thế hệ bò lai sind mới.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc đàn bò, ông phải nhờ đến người bạn thân làm bên thú ý tại Nông trường Mộc Châu, (Sơn La) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phối giống và cách phòng chống dịch bệnh cho đàn bò. Để ý học và làm theo, ông đã nâng cao được tay nghề trong chăm sóc đàn bò rất bài bản và thuần thục. Gần 4 năm sau, đàn bò lai Sind của gia đình ông phát triển rất tốt và sinh sản được 12 con bê.

img

Hàng ngày ông Dũng đều có thức ăn tích trữ trong kho cho đàn bò ăn 3 lần, bảo đảm bò đủ chất dinh dưỡng

Tính đến hiện tại, trong chuồng của gia đình ông Dũng có 31 con bò lai Sind nuôi theo kiểu nhốt chuồng. Ông còn đầu tư khoảng 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống nước sạch, tự động cho đàn bò uống. Ông tận dụng 8.000 m2 đất nương rẫy trồng cỏ voi và mua rơm rạ của người dân địa phương tích trữ vào kho làm thức ăn chủ động cho đàn đại gia súc. Nếu tính theo giá thịt bò thương phẩm bán trên thị trường thì 1 con bò lai Sind mới trưởng thành ước tính bán với giá hơn 11 triệu đồng /con.

img

Ôn Dũng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh chuồng trại cho đàn bò, đảm bảo sức khỏe cho đàn bò 

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay: “Để có một mô hình chăn nuôi bò thịt khỏe mạnh, một ngày tôi cho bò ăn 3 lần, sáng, trưa và tối. Tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Tôi tẩy uế định kỳ, khu vực xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, phát quang bờ bụi, thu gom xử lý chất thải, tích cực diệt ruồi muỗi, gián, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò trong chuồng. Tôi dự tính tết năm nay, xuất đàn bò lai Sind này ra thị trường, ước tính lãi hơn 300 triệu đồng”. – Ông Dũng tự tin chia sẻ.

img

Nhờ cách chăm sóc tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi, nên đàn bò lai Sind của gia đình ông Dũng luôn phát triển khỏe mạnh và không hay dịch bệnh

Ông Dũng dự định, sẽ nhân rộng mô hình nuôi bò thịt lai sind nhốt chuồng lên 50 con, để nâng cao thu nhập cho gia đình và cải thiện kinh tế. Ngoài việc nuôi bò thương phẩm, ông còn tận dụng phân bò làm phân bón tưới tiêu cho 2ha vườn bưởi da xanh và vườn cỏ voi sau nhà. Nhờ tận dụng được phân chuồng tốt nên hàng năm ông Dũng bớt đi được rất nhiều chi phí phân bón cho vườn cây.

img

Ông Dũng đang qaun sát và kiểm tra sức khỏe cho đàn bò tại trang trại

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, huyện Mộc Châu cho biết: Mô hình chăn nuôi bò thịt thương phẩm của ông Nguyễn Văn Dũng, là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền khuyến khích bà con nuôi bò nhốt chuồng. Đồng thời vận động bà con nông dân chuyển đổi từ đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.