Dân Việt

Nuôi cá chép giòn “673” ở vùng sâu Đạ Tẻh

Cao Thủy 24/01/2018 12:30 GMT+7
Nuôi cá chép giòn là 1 trong 4 mô hình do Hội ND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đề xuất và được UBND huyện phê duyệt thực hiện trong năm 2017, trên cơ sở Quyết định số 673/QĐ-TTg về việc Hội ND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020. Chính vì vậy, nhiều người gọi vui là mô hình nuôi cá chép giòn “673”.

Để thịt cá chép giòn, săn chắc, khi cá đạt trọng lượng 1kg, người nuôi sẽ cho cá chỉ ăn chuyên một loại đậu tằm. Tháng 4.2017, Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ 120kg cá chép giống và 800kg đậu tằm trị giá 16 triệu đồng cho 2 hộ ông Nguyễn Văn Quân và Nguyễn Viết Bạn (thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal) với quy mô 1.000m2.

img

Kiểm tra quá trình phát triển cá chép giòn  ở thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal. Ảnh: Cao Thủy

Để làm thức ăn cho cá, cần ngâm hạt đậu tằm với nước pha ít muối trong 12-14 giờ, sau đó rửa nước ngọt, bỏ vào bì ủ cho đến khi nứt mầm mới cho cá ăn. Khi cho ăn, hạt đậu rất dễ bị chìm nên thả đậu cho cá ăn từng ít một và phải khoanh vào một vùng nhỏ để có thể dễ dàng kiểm soát.

Sau 7 tháng triển khai, ngày 13.11.2017, Hội ND huyện đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả bước đầu của mô hình. Kết quả cho thấy tỷ lệ cá sống cao (95%), trọng lượng đạt bình quân 1,9-2kg/con, giá bán từ 160.000 - 170.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi hộ nuôi cá thu lãi 50 triệu đồng. Ông Trương Quang Lang - Chủ tịch Hội ND huyện cho biết, nuôi cá chép giòn cho hiệu quả kinh tế cao hơn cách nuôi bình thường, đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian tới Hội ND huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn tại các xã, thị trấn trong toàn huyện…