Ngày hôm qua, trước khi trận đấu U23 Việt Nam - Qatar diễn ra, tôi đã chứng kiến những cảnh tượng cảm động.
Một bác xe ôm già vội chớm đèn đỏ bị cảnh sát giao thông dừng xe ngay ngã tư. Nhưng thay vì xử phạt như mọi khi, sau một hồi nghe trình bày, anh cảnh sát giao thông chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “Biết là đội tuyển sắp đá nhưng bác đi cẩn thận nhé, đừng chạy vội vì có thể làm khổ mình, làm khổ người khác”.
Trong quán cơm trưa thường ngày, khi các thực khách chuẩn bị trả tiền thì một cậu bé tầm 14-15 tuổi chạy vào “xin tiền xe buýt để cháu về quê vì đi lạc”. Khi mọi người còn tỏ ra ái ngại vì một “lý do có thể không thật” thì bỗng một vị khách xăm trổ kín mít, móc ví rút ra tờ 200.000 đồng đưa cho cậu bé rồi bảo “Về đâu thì về, chiều nay U23 Việt Nam đá, về mà xem, không phải đi xin đâu nữa”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hòa vào dòng người cổ vũ cho U23 Việt Nam
Tôi chỉ kịp nhìn thấy cậu bé rối rít cảm ơn vị khách lạ và cũng quên luôn việc có thể xin thêm tiền từ những vị khách khác.
15 năm sống tại thủ đô, có lẽ thời điểm mà những người sống tại Hà Nội xích lại gần nhau nhất chính là trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11 của năm 2008.
Phải tới hàng chục năm, Hà Nội mới có một “biến cố” về thiên tai như vậy.
Trong hoàn cảnh nước bao phủ tứ bề, Hà Nội bon chen của ngày thường lại trật tự, nhường nhịn, chia sẻ, yêu thương và đùm bọc nhau tới lạ kỳ.
Tôi nhớ, khu trọ của chúng tôi ngày ấy cũng bị ngập tới 1,2m nước.
Bà chủ trọ ngày thường được coi là khó tính, hay xăm xoi đám sinh viên đang học hoặc vừa mới tốt nghiệp như chúng tôi.
Ngày thường, tất cả chúng tôi khi gặp bà đều chỉ chào “lấy lệ, cho có” rồi nhanh chóng về phòng.
Khi thấy nước dâng lên gần 1m, bà gọi tất cả chúng tôi lên tầng 2 rồi bảo: “Bác sống ở đây từ bé, bác biết chắc chắn nước sẽ còn dâng lên không chỉ là 1m đâu. Bác không có gia đình, chồng con, bác xem các con như con, cháu nên muốn nghiêm để tập cho các cháu tính kỷ luật chứ không phân biệt vùng miền hay ghét bỏ gì cả. Thôi, tất cả lên tầng 2 nhà bác. Đồ đạc mang được gì thì mang không thì để đó. Không còn cửa hàng nào mở bán quanh đây đâu. Bác mua được ít đồ rồi. No đói gì bác cháu có nhau. Ở dưới đó nguy hiểm lắm”.
Lúc đó, khi nghe những lời ấy, tất thảy chúng tôi đều bật khóc.
Những hình ảnh cảm động sau các chiến thắng vang dội của U23 Việt Nam
Và sau này khi được đi nhiều hơn, tôi nhận ra một điều: Việt Nam chúng ta rất đặc biệt. Ấy là vào những thời điểm khó khăn nhất hay hạnh phúc nhất, thứ quan trọng nhất với người Việt Nam không phải là vật chất, tiền bạc mà là sự san sẻ, yêu thương, đoàn kết lẫn nhau.
Đó là điều không phải dân tộc nào cũng có được.
Chỉ có điều, lúc này hay lúc kia, những điều đó tạm lẩn khuất giữa cuộc mưu sinh.
Thế nhưng, bây giờ, lại một lần nữa, các em U23 Việt Nam chứ không phải ai khác đã khơi gợi, thổi bùng được sự yêu thương, nụ cười và tình đoàn kết trong mỗi chúng ta.
Ngay sau chiến thắng, tôi cũng như triệu triệu người khác hòa vào dòng người chúc mừng tuyển U23 Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chăm chú dõi theo bước chân của các cầu thủ U23 VN
Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đội mũ bảo hiểm lái xe máy hòa vào dòng người đông đúc chúc mừng chiến thắng của U23 Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngồi ngoài hành lang trong một tòa nhà khi đang công tác tại nước ngoài dõi theo những bước chân của các em U23 trên sân đã cho thấy không còn khoảng cách, địa vị, chức vụ, tất cả đều giản dị và rất Việt Nam.
U23 Việt Nam chứ không phải ai khác đã minh chứng một điều rất rõ, trên đất nước này, nụ cười, đoàn kết, yêu thương vẫn ngự trị trong tim của mỗi chúng ta.
Và tối qua, tôi cũng hòa vào dòng người chúc mừng U23 Việt Nam, ngất ngây hát vang bài ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” và lâng lâng vì vui sướng, vì tự hào cho tới tận bây giờ.
Xin cảm ơn các em U23 Việt Nam!