Dân Việt

"Nông dân nhí" sáng chế "máy" làm vườn-ao-chuồng thông minh

Hoàng Phương 24/01/2018 19:20 GMT+7
Nhiều người gọi cậu học trò Vũ Huy Hoàng, lớp 8A, Trường THCS Xương Lâm, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là "nông dân nhí" và gọi sáng chế “Mô hình V.A.C thông minh" của em là "máy" làm vườn-ao-chuồng thông minh.

Luôn tìm tòi, ham học hỏi, em Vũ Huy Hoàng, lớp 8A, Trường THCS Xương Lâm, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang đã xây dựng “Mô hình V.A.C thông minh". Ý tưởng đoạt này của em Nguyễn Huy Hoàng giải Ba của Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang lần thứ XIII, năm 2017.

img

Vũ Huy Hoàng (trái) giới thiệu "Mô hình V.A.C thông minh" do mình sáng chế.

Xuất phát từ việc quan sát thấy mọi người thường tìm thùng xốp, mảnh đất trống để trồng rau sạch, Vũ Huy Hoàng đã nảy ra ý tưởng xây dựng "Mô hình V.A.C thông minh". Tác giả nhỏ tuổi mong muốn giúp các hộ dân có thể tận dụng diện tích nhỏ cùng một lúc sản xuất ra nhiều sản phẩm an toàn, tự cung cấp cho bữa ăn hằng ngày của gia đình.

Sau gần một tháng nghiên cứu, Hoàng thiết kế mô hình gồm các bộ phận: Giá đỡ, bể cá, chuồng nuôi, hệ thống điện cơ. Trong đó phần khung sử dụng thép định hình, dùng ốc vít lại làm giá đỡ. Các bánh xe có thể di chuyển, phía trên là hệ thống mái che tự động. Bộ phận trồng rau sử dụng khay nhựa hoặc xốp đặt trên giá. Chuồng nuôi lắp đặt các lồng nhỏ, có khay nuôi giun để tận dụng sản phẩm hữu cơ thừa làm thức ăn cho cá.

Theo Hoàng, mô hình có kết nối với nguồn điện, hoạt động theo nguyên tắc tự động gồm bộ hẹn giờ máy bơm bể cá theo nhu cầu, có thể điều khiển từ xa. Bộ cảm biến có tác dụng tác động cho máy bơm tự phun nước khi tưới cho rau và tự ngắt khi đã đủ độ ẩm cần thiết; giúp mô tơ kéo mái che ra che rau khi trời mưa và đóng lại lúc trời nắng. Ngoài ra, bộ cảm biến còn có ưu điểm khi trời tối, công tắc đèn tự bật phát ra ánh sáng thu hút côn trùng bay đến, ngã xuống nước làm thức ăn cho cá.

Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Ý tưởng có tính khả thi cao. Mô hình nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đa dạng trên cùng một đơn vị diện tích nhỏ, hẹp; sản phẩm có chất lượng an toàn, nâng cao sức khỏe con người. Áp dụng mô hình này sẽ có triển vọng giúp tăng năng suất, giá trị sản phẩm, giảm sức lao động. Tới đây chúng tôi sẽ có hình thức quan tâm đầu tư phù hợp, đưa mô hình vào thực tế”.