Quy định ngặt nghèo
Trong Công văn 290 của Vicofa thì tiêu chí phải xuất khẩu 5.000 tấn cà phê/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp mới đượctham gia xuất khẩu. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng điều này không phù hợp với thực tế sản xuất, tại nước ta hiện nay.
Phơi sấy cà phê xuất khẩu ở Gia Lai. |
Theo ông Phạm Tường Lân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm (Quảng Trị), những điều kiện mà Vicofa đưa ra trong Công văn 290 thực chất là một giải pháp hành chính chứ không giải quyết được vấn đề.
Ông Lân dẫn chứng, Công ty Tân Lâm có 500ha trồng cà phê Arabica theo tiêu chuẩn UTZ Certified và mỗi năm xuất khẩu khoảng 1.000 tấn cà phê tự trồng. Với chất lượng và tiêu chuẩn được quốc tế công nhận nên công ty dễ dàng bán hết số lượng cà phê sản xuất ra. Tuy nhiên, nếu Công văn 290 đi vào thực tế thì công ty không thể xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài.
Chung quan điểm với ông Lân, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng trước những quy định khá ngặt ngèo như: Phải có ít nhất một cơ sở chế biến cà phê với kho chứa phù hợp, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và doanh nghiệp phải tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê trong 2 năm liên tục với khối lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.
Ông Phạm Gia Phổ - Trưởng đại diện Công ty Cà phê Eapor, Đăk Lăk tại TP.HCM cho biết, hiện công ty này có 500ha trồng cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 3.000-4.000 tấn cà phê nhân để chế biến khoảng 1.000 tấn cà phê theo công nghệ chế biến cà phê ướt. Với số lượng sản xuất hiện có thì công ty này không đáp ứng được quy định đề ra.
“Với các quy định này, nhiều công ty loại nhỏ đang hoạt động có hiệu quả sẽ lâm vào tình trạng khó khăn. Trước đó, chúng tôi đã tập trung đầu tư vốn để dần hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Nhưng khi áp dụng quy định này vẫn không đủ điều kiện” - ông Phổ nói.
Tái thiết thị trường cà phê
Ông Phổ cho biết thêm, trong thời gian qua xảy ra hiện tượng công ty cà phê của Việt Nam “xù” hàng của các đối tác nước ngoài thường rơi vào những công ty lớn, chủ yếu là những công ty nhà nước chứ không phải là công ty tư nhân. Vì thế, những điều kiện đưa ra của Vicofa chẳng khác nào tạo thêm thế độc quyền cho những công ty lớn, và một khi họ kiểm soát thị trường, họ sẽ tìm cách ép giá mua cà phê của người dân.
Trong khi đó, các “đại gia” về kinh doanh, xuất khẩu cà phê lại cho rằng, việc đưa ra những điều kiện xuất khẩu cà phê sẽ giúp ngành cà phê phát triển bền vững, làm lành mạnh thị trường, tránh tình trạng tranh mua tranh bán như hiện nay.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa cho hay Công văn 290 đưa ra nhằm mục đích tái thiết, quy hoạch lại thị trường kinh doanh cà phê. Hiện có khoảng 159 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng này, nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận nên mua bán sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Tự dẫn chứng Indonesia chỉ có khoảng 7 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo việc thu mua trong nước. Nếu đề nghị của Vicofa trở thành hiện thực thì chỉ còn khoảng 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê.
Ông Tự nhấn mạnh đây mới chỉ là đề xuất của Vicofa lên Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương để tham khảo. Vicofa sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cho tất cả các đơn vị kinh doanh, sản xuất.
Đình Thức