Dân Việt

Ngành mía đường động đâu cũng thấy yếu kém, liêu xiêu vì ATIGA

Đình Thắng 26/01/2018 13:09 GMT+7
Với việc thực hiện giảm thuế về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ngành mía đường đứng trước viễn cảnh hàng ngoại nhập tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước, các nhà máy chế biến đóng cửa, nông dân quay lưng với trồng mía. Để tránh những rủi ro trên, ngành mía đường cần tháo gỡ những “nút thắt” đang tồn tại bấy lâu nay.

Gỡ nút thắt về giống

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thực hiện ATIGA sẽ tạo sức ép không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước khi giá đường giảm, sức tiêu thụ giảm trong khi giá mía đầu vào vẫn cao. Với việc giảm thuế về 0%, khả năng mặt hàng đường từ các nước ASEAN sẽ ồ ạt đổ bộ và chiếm lĩnh thị trường trong nước, lúc đó DN và nông dân trồng mía sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn.

img

Việc giảm thuế về 0% khiến doanh nghiệp và nông dân trồng mía gặp nhiều khó khăn. ảnh: Hồng Thương

Khó khăn đối với ngành mía đường đã thấy rõ từ cuối năm 2017, khi mùa vụ mới đã bắt đầu nhưng các DN vẫn còn lượng hàng tồn kho rất lớn dù giá đường xuống chạm đáy, chỉ còn hơn 12.000 đồng/kg song vẫn không tiêu thụ được, đến thời điểm này lượng hàng tồn xấp xỉ 200.000 tấn đường.

Lý giải cho tình trạng này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết khách hàng có tâm lý muốn chờ đến đầu năm 2018 để mua đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan tràn vào.

Trước những khó khăn của ngành mía đường khi thực hiện ATIGA, VSSA đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017.

VSSA cũng kiến nghị thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan giảm 50% so với trước đây, chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng.

VSSA cho rằng việc giảm thuế xuống mức thấp đột ngột sẽ tạo cú sốc cho thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần giảm dần chứ không nên giảm từ 80% xuống 5% sẽ gây bất ổn.

img

Mùa vụ mới đã bắt đầu nhưng các DN vẫn còn lượng hàng tồn kho rất lớn, khiến giá thu mua mía của nông dân cũng giảm mạnh. Ảnh minh hoạ

Đã đến lúc chúng ta cần có hành lang pháp lý để quản lý ngành mía đường, hoặc là nghị định hoặc là luật. Các nước trên thế giới quản lý mía đường đều bằng luật, nhưng đến nay chúng ta chưa có. (Hiệp hội Mía đường Việt Nam).

Đặc biệt, lúc này đang vào vụ mía, nếu tình trạng nêu trên vẫn tiếp diễn, chắc chắn các nhà máy sẽ không thể thu mua giá cao cho nông dân, không đầu tư hạ tầng, hướng dẫn nông dân trồng mía, tăng năng suất nữa mà chỉ cần nhập đường thô và đầu tư máy đốt than đã có thể sản xuất được đường. Vì vậy, khi thị trường đường biến động bất lợi, nông dân sẽ gặp khó.

Những kiến nghị của VSSA nhằm giúp ngành mía đường bớt khó khăn hơn, hội nhập tốt hơn trong thời điểm này. Còn để giải giải quyết căn cơ những khó khăn của ngành mía đường, theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA: “Điều quan trọng đầu tiên cần làm là cải tạo, nâng cao chất lượng giống mía. Thứ nhất là phải có bộ giống tốt, chủ lực trên phạm vi cả nước, đồng thời phải có những bộ giống tốt chủ lực phù hợp với các vùng sinh thái. Các nhà tạo giống phải giúp cho người dân tạo ra các giống chủ lực. Thái Lan có hơn 12 triệu ha mía, nhưng cũng chỉ có 2 giống chủ lực của cả nước chiếm trên 70% .

Thứ hai, khi có bộ giống chủ lực, khâu tổ chức sản xuất giống để đảm bảo giống tốt cho người trồng mía cũng rất quan trọng. Hiện nay khâu này yếu, người dân tự để giống là chính. Chúng ta phải đặt mục tiêu 100% diện tích trồng phải giống tốt từ nhà máy đưa vào và được chứng nhận về chất lượng giống, lúc đó năng suất, chất lượng, trữ lượng đường mới cao.

Tiếp theo đó chi phí sản xuất phải giảm, cần có quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch khoa học, hợp lý để thay đổi cách làm đất, cách trồng, cách bón phân, tưới nước, thu hoạch… tiến tới giảm chi phí vật tư.

img

Hiện nay chi phí lao động đối với ngành mía đường rất lớn, nhiều khâu đang làm thủ công, chi phí cao, năng suất thấp. Vì vậy cần nhanh chóng cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Ảnh: I.T

“Giảm chi phí sản xuất là yếu tố quan trọng, bởi lẽ mỗi ký đường làm ra thì tỉ lệ giá thành là 75-80% do giá mía tác động, chỉ 20-25% còn lại là do tác động của nhà máy, của DN. Vì vậy người nông dân chỉ có thể đồng hành cùng DN trên con đường hội nhập khi có giống chất lượng, sản xuất khoa học, giảm chi phí đến mức thấp nhất” - ông Doanh khẳng định.

Có chính sách chăm sóc vùng nguyên liệu

Cũng theo ông Phạm Quốc Doanh, nhà máy cần gắn bó với nông dân, có chính sách chăm sóc vùng nguyên liệu tốt, chia sẻ lợi ích, gắn kết với người trồng mía thì những nơi đó phát triển bền vững ổn định.

Ngành mía đường là một trong những ngành thực hiện tốt chuỗi giá trị, bởi vì 100% nông dân trồng mía đều cung cấp cho nhà máy, nhà máy cam kết mua hết mía cho nông dân, công bố giá mua từ đầu mùa vụ. Các nhà máy phải làm tốt công tác nâng cao hiệu suất thu hồi mía mới giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất thu hồi liên quan đến thiết bị, công nghệ máy móc.

Đồng thời các nhà máy cũng cần cơ cấu lại sản phẩm đường, tăng sản phẩm đường tinh luyện, giảm đường trắng và cho ra nhiều sản phẩm đường hơn nữa; quản lý giám sát chặt chẽ quá trình tiếp nhận nguyên liệu, đồng thời các nhà máy phải đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường và sau đường như sản xuất cồn ethanol, phân hữu cơ, điện sinh khối.

Để hỗ trợ DN, nông dân giảm được chi phí, hạ giá thành, theo ông Doanh, chính sách đối với một số sản phẩm sau đường cũng rất quan trọng, đặc biệt là giá điện. Bởi vì nếu xác định điện sử dụng bã mía, thì giá điện sinh khối phải như nhau. Nhưng hiện nay Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định giá điện sử dụng bã mía là điện đồng phát, định giá thấp hơn điện sinh khối.

Ngành mía đường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng một giá duy nhất là điện sinh khối cho cả điện bã mía. Nếu như có được điều này sẽ bổ sung nguồn thu cho nhà máy, và có thêm nguồn thu hỗ trợ cho nông dân.

Cần ban hành nghị định, luật để quản lý

Theo VSSA, đã đến lúc cần có hành lang pháp lý để quản lý ngành mía đường, là nghị định hoặc là luật. Các nước trên thế giới quản lý mía đường đều bằng luật, nhưng đến nay chúng ta chưa có.

Rõ ràng hội nhập được hay không, vai trò của quản lý nhà nước rất quan trọng. Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý để hỗ trợ thúc đẩy DN và người sản xuất phát triển ổn định. Cụ thể theo ông Doanh, đối với quản lý giống, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu ngành nông nghiệp, mía đường chấm dứt tình trạng nông dân tự để giống, tổ chức lại hệ thống sản xuất giống, phấn đấu đến năm 2020 mía trồng mới phải có xác nhận về giống.

Nhà nước cũng cần khuyến khích nông dân thực hiện cơ giới hóa đồng bộ bằng các chính sách cụ thể về đất đai để tạo nên những cánh đồng lớn, giúp nông dân hình thành các trang trại, gia trại, tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác. Hợp tác xã chính là cánh tay nối dài giữa DN và hộ nông dân để thực hiện các dịch vụ trong việc trồng mía với nhà máy.

Ông Doanh khẳng định nếu chúng ta làm tốt những vấn đề trên thì ngành mía đường sẽ phát triển tốt trên con đường hội nhập.