Thông tin của tờ Suddeutscher Zeitung, hãng phát thanh Westdeutscher Rundfunk và Norddeutscher Rundfunk đang khiến dư luận quan tâm khi cho biết, cựu Giám đốc mảng động cơ của Volkswagen, ông Wolfgang Hatz phải hầu tòa vì những liên quan trong vụ gian lận khí thải diesel của hãng sản xuất ôtô lớn nhất ở Đức.
Theo xác nhận từ văn phòng công tố viên ở Munich, họ đã bắt ông Wolfgang Hatz hôm 28.9 và đây là một bước ngoặt trong vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen. Ông Wolfgang Hatz không phải là cựu Giám đốc cao cấp đầu tiên của Volkswagen bị bắt thẩm vấn xung quanh vụ bê bối kể trên.
Bởi 2 tháng trước (đầu tháng 8), Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Schmidt đã nhận tội tại tòa án khu vực Detroit, Mỹ và đang phải đối mặt với bản án 7 năm tù cùng khoản tiền phạt từ 40.000-400.000 USD.
Trong khi đó, James Liang trở thành nhân viên đầu tiên của Volkswagen phải vào tù bởi vụ gian lận khí thải - bị kết án 40 tháng tù giam cùng khoản tiền phạt 200.000 USD, vì đã giúp phát triển phần mềm che giấu mức ô nhiễm.
Ông Martin Winterkorn tuyên bố nhận mọi trách nhiệm.
Và việc này diễn ra trong bối cảnh Volkswagen ra thông báo (29.9), sẽ chi thêm 2,5 tỷ euro (khoảng 2,96 tỷ USD) để dàn xếp các cáo buộc liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải tại Mỹ. Khoản trả thêm này nâng tổng số tiền mà Volkswagen phải chi để nộp phạt và đền bù lên tới 25,1 tỷ euro (gần 30 tỷ USD).
Theo giới truyền thông, Volkswagen đưa ra quyết định kể trên bởi khoản chi phí tăng thêm liên quan tới chương trình mua lại hoặc sửa chữa miễn phí các dòng xe TDI dung tích 2 lít, vốn là một phần của các thỏa thuận dàn xếp bê bối gian lận khí thải tại thị trường Bắc Mỹ.
Trước đó, Volkswagen cho biết, đã đạt được thỏa thuận với 10 bang của Mỹ về các yêu cầu bồi thường (đồng ý trả 157,5 triệu USD) liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải.
Hãng Reuters từng cho biết, Volkswagen có thể phải trả hơn 4 tỉ USD nếu cơ quan chức năng không thông qua kế hoạch sửa chữa đối với những khách hàng đã mua khoảng 80.000 ôtô có liên quan đến vụ gian lận khí thải.
Hơn 1 tháng trước (29.8), Volkswagen thông báo triệu hồi gần 281.000 xe tại thị trường Mỹ do lỗi ở bộ phận bơm xăng có thể khiến xe ngừng chạy.
Sau đó (14.9), Volkswagen cho biết, sẽ thu hồi 4,86 triệu xe của hãng tại Trung Quốc do lo ngại có lỗi ở túi khí. Volkswagen từng tuyên bố, sẽ triệu hồi gần 680.000 xe Audi ở Trung Quốc do lỗi ở bộ phận bơm làm mát có thể khiến động cơ bốc cháy.
Vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen, còn được gọi là "dieselgate" bị phanh phui hơn 2 năm trước (tháng 9.2015), theo đó hãng này đã sử dụng thiết bị điều chỉnh thông số thải khí cho 11 triệu xe trên thế giới, trong đó khoảng 600.000 chiếc ở Mỹ.
Giới luật gia cho rằng, hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Đức vẫn đang chìm trong cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử, sau khi Volkswagen bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho 11 triệu xe động cơ diesel.
Và vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen đã khiến cựu Chủ tịch Martin Winterkorn phải rút khỏi vị trí lãnh đạo Công ty Porsche Holding PSE. Trước đó, ông Martin Winterkorn phải từ chức Chủ tịch Volkswagen. Nhưng lợi nhuận của hãng này trong năm 2016 vẫn đạt 5,1 tỷ euro sau khi lỗ 1,6 tỷ euro trong năm 2015, vượt qua Toyota trở thành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới trong năm 2016.
Theo tạp chí Der Spiegel, từ những năm 1990, các hãng chế tạo ôtô của Đức như Volkswagen, Audi, Porsche, BMW và Daimler đã bí mật hợp tác trong nhiều vấn đề, trong đó có gian lận khí thải đối với dòng xe chạy động cơ diesel.
Giám đốc điều hành Volkswagen Matthias Mueller cũng bị điều tra với cáo buộc cố ý trì hoãn công bố thông tin về những hậu quả của vụ bê bối đối với Porsche SE, công ty mẹ của Volkswagen.
Ngoài ông Matthias Mueller, cựu Giám đốc điều hành Volkswagen Martin Winterkorn và Chủ tịch Porsche SE Hans-Dieter Poetsch cũng bị nghi ngờ vì không chia sẻ thông tin về vụ gian lận khí thải.
Cao ủy của Liên minh châu Âu về công nghiệp Elzbieta Bienkowska vừa đề nghị Volkswagen nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết bê bối gian lận khí thải - nên thu hồi 100% xe có vấn đề. Trong tuyên bố mới đây của Giám đốc điều hành Volkswagen Matthias Mueller, hãng này đang nỗ lực khắc phục vụ bê bối gian lận khí thải để lấy lại lòng tin của khách hàng.
Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí môi trường Environmental Research Letters, lượng khí thải từ các dòng ôtô chạy bằng động cơ diesel liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen có thể là nguyên nhân khiến 5.000 người chết/năm do ô nhiễm không khí tại châu Âu. Và số ca tử vong kể trên khớp với các đánh giá trước đó về tỷ lệ tử vong liên quan tới bê bối gian lận khí thải. Tính đến nay, tại châu Âu đã có hơn 100 triệu ôtô chạy bằng động cơ diesel được đưa vào lưu thông, gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. |