Hôm qua (27.1), chị Chu Cẩm Thơ - tác giả Chương trình Toán tư duy POMATH, là một trong hàng nghìn cổ động viên Việt Nam có mặt trên sân vận động Thường Châu để cổ vũ cho U23 Việt Nam. Dưới mưa tuyết, chị Thơ cùng các cổ động viên đã được chứng kiến U23 Việt Nam chiến đấu kiên cường đến tận phút cuối cùng, đem lại cảm xúc mãnh liệt cho người hâm mộ.
Dưới đây là bài viết của chị Chu Cẩm Thơ ngay sau khi vừa trở về từ Thường Châu gửi đến Dân Việt:
Hôm qua, ở Thường Châu, tuyết trắng cả bầu trời. Trên chuyến bay đi cổ vũ U23 đá trận Chung kết, rất nhiều người lần đầu được thấy tuyết. Trên sân đấu, cũng là lần đầu tiên các tuyển thủ của chúng ta “khổ chiến” trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đến vậy.
Xuống sân bay, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh dưới 0 độ và loạt bông tuyết theo nhau rớt xuống. Các cổ động viên không trầm trồ với khung cảnh thời tiết lần đầu chứng kiến mà nhanh chóng mặc thêm trang phục chống lạnh, chỉnh đốn lại tấm áo mang hình tổ quốc và cùng nhau hát ở trong lòng.
Lúc nhập cảnh, tất cả nhân viên sân bay đều ngạc nhiên, họ thi nhau chụp ảnh chúng tôi, và nói “Việt Nam là số 1”.
Các cầu thủ U23 Việt Nam đã chiến đấu đến cùng trong thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Ảnh AFC.
Tuyết đã phủ trắng cả thành phố. Xe của chúng tôi màu xanh, trên nền tuyết trắng thật nổi bật. Chúng tôi đến sớm, lúc đó mới có 13h00, sân vận động chưa mở cửa. Tuyết thì trắng trên đầu. Màu đỏ cờ tổ quốc Việt Nam phủ kín cả lối vào.
Dưới mặt đất, những vết giày hằn xuống, nối tiếp nhau. Tuyết đã nhanh chóng phủ mi mắt, lên tóc, lên tấm áo màu đỏ.
Trời ơi, lạnh như thế này, người ta làm sao có thể chạy được trên tuyết? Các cầu thủ xứ nhiệt đới của chúng ta làm sao có thể đá bóng được? Một bác hơn 70 tuổi đi cùng đoàn nói: “Nếu cần hoãn thì nên hoãn, các con đá làm sao được”. Dù nếu BTC hoãn, chúng tôi sẽ phải trở về nhà mà không được xem trận đấu.
14h00, Ban tổ chức thông báo trận đấu vẫn diễn ra bình thường. Tuyết bắt đầu được dọn.
Người ta chỉ dọn tuyết để lộ ra những vạch vôi. Nhưng lúc ấy, không phải là những vạch vôi lộ ra, mà là màu xanh của cỏ. Giữa trắng của tuyết, đường pít, đường kẻ màu trắng không thể hiện lên được, sự phân chia để làm nổi bật, hóa ra là ngược lại: sân màu trắng, vạch cầu gôn, vạch 16m50, vạch giữa sân màu xanh. Cung tròn ở sân bóng đã hiện ra. Hoa tuyết hóa băng neo trên khung thành.
Qua ti vi, khán giả có thể nhìn thấy màu bầu trời rất xanh. Nhưng khi chúng tôi ngước lên, bầu trời lại màu xám. Tuyết rơi dày lắm. Chắng mấy chốc, lá cờ tổ quốc vĩ đại đang phủ lên 20 hàng ghế đã ướt sũng, nặng trĩu.
Chúng tôi, những người đến từ Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hồng Kông, … cùng dâng lá cờ lên, giũ tuyết và hát. Có cảm giác, sự nhiệt tình của các cổ động viên đã khiến tuyết tan ra, trên sân nhiệt huyết của các cầu thủ cũng làm tan băng giá.
Dân Thường Châu bảo, mưa tuyết thế này chẳng ai chạy ra ngoài trời, chẳng ai đá bóng bao giờ. Vậy nhưng, những chàng trai trẻ của chúng ta đã đương đầu với băng tuyết, thi đấu sòng phẳng với đối thủ.
Đôi chân họ được bọc trong đôi tất màu đỏ sẫm. Tất và áo cùng ướt sũng. Mỗi lần trượt ngã trên sân, các cầu thủ của chúng ta đều nhanh chóng đứng dậy – để chiến đấu.
Cuối hiệp 1, các đồng đội dọn tuyết quanh chấm đá phạt để Quang Hải lập siêu phẩm cho U23 Việt Nam. Chúng tôi hò hét, ăn mừng và khóc! Tuyết vẫn rơi trắng Thường Châu nhưng giá lạnh đã không còn.
BTC ở sân vận động Thường Châu phải sử dụng phương pháp thủ công để cào tuyết. Ảnh Chu Cẩm Thơ.
Giờ nghỉ giữa hai hiệp, BTC cho người cào tuyết trên sân. Chúng tôi muốn xuống sân, để cùng họ cào cho nhanh. Xem cảnh cào tuyết như đang diễn ra ở những năm nào đó, chứ không phải ở thế kỷ 21, nơi mà công nghệ, xe chuyên dụng có thể thay thế con người. Vệt cỏ loang lổ, chua xót, những chỗ mới cào xong chỉ chừng 10 phút sau tuyết đã phủ trắng.
Trên khán đài B và một khán đài C, màu đỏ sũng nước vẫn cất tiếng hát. Ngay cả khi cầu thủ Uzbekistan ghi bàn thắng ở phút 119, tiếng hát lập tức vang lên. Việt Nam vẫn chiến thắng!
Cầu thủ đối phương quay về khán đài chúng tôi (không phải khán đài A, nơi có cổ động viên Uzbekistan) để ăn mừng. Họ reo hò, như muốn nói: “Các bạn cứ cổ vũ đi, chúng tôi mới là người chiến thắng”.
Lúc đấy tôi lại thấy thương các cầu thủ Uzbekistan. Họ cũng là cầu thủ như những chiến binh Việt Nam, họ cũng hết mình với thể thao, họ đã trở thành nhà vô địch nhưng trong chiến thắng, họ lại cô đơn đến vậy.
Tác giả trước giờ vào sân vận động Thường Châu cổ vũ cho U23 Việt Nam. Ảnh NVCC.
Tôi thương những cổ động viên của họ. Có một anh chàng cao lớn, ngồi co lại lúc chờ trận đấu, chỗ mái che, ngơ ngác, hòa tan vào hàng nghìn người áo đỏ.
Cổ động viên của đội bạn cũng có mặt ở đây, như chúng tôi, để cổ vũ cho những chàng trai của họ, họ cũng quả cảm. Nhưng họ không được như tôi, ở đây, tôi có rất nhiều đồng bào. Chúng tôi san sẻ nhau miếng gừng nướng, ngụm dầu nóng, từ khắp nơi, biết nhau là người một NHÀ.
Thế là tôi lại hát, người bên tôi cùng hát: “…cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền”. Trận đấu khép lại, U23 Việt Nam không thắng nhưng lời quốc ca Việt Nam vẫn vang lên – không có gì ngăn nổi sự tự hào của người Việt lúc đó. Những chiến binh U23 đã thi đấu quả cảm, đem lại cảm xúc mãnh liệt với những người có mặt trên sân như chúng tôi và cả hàng triệu đồng bào ở quê nhà.
Tôi trở về nhà lúc 2h00 sáng. Tôi dán lên trán các con lá cờ hình trái tim mà đôi đã đeo lên mặt ở Thường Châu.
Các con hỏi tôi: “Sao mẹ không mang tuyết về cho con?”.
Tôi ôm con vào lòng và bảo: “Người Thường Châu nói, lúc tuyết rơi không lạnh bằng lúc tuyết tan nên mẹ không mang tuyết về”.
Trưa nay, các cầu thủ của tôi sẽ trở về NHÀ. Những chàng trai rất trẻ. Họ cũng sẽ không mang tuyết về.
Tuyết sẽ tan trên đất Thường Châu. Nơi họ đã thi đấu hơn rất nhiều sức họ có thể. Nơi họ đã thấy, nước mắt có rơi cũng vì hạnh phúc. Tiếc nuối vẫn có thể mang theo hạnh phúc.
Hạnh phúc cho những ai thấy tuyết rơi loang lổ ở Thường Châu, chứng kiến đội bóng chiến đấu kiên cường đến cùng, với cả dân tộc ở bên.
Cảm ơn U23 Việt Nam! Cả dân tộc chào mừng các em về NHÀ!