Dân Việt

Bình Dương trăn trở về một đô thị đáng sống

Xuân Thi 30/01/2018 14:13 GMT+7
Trải qua 21 năm tái lập và phát triển, Bình Dương đã vươn lên tầm cao mới, là một trong những trung tâm phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nếu như năm 1997, Bình Dương vẫn còn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, còn ngành công nghiệp và dịch vụ còn khiêm tốn thì đến nay, Bình Dương đã trỗi dậy mạnh mẽ. Nhờ các chính sách cởi mở, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ…, tỉnh đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào địa bàn. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 30.361 doanh nghiệp (DN) trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn hơn 233.000 tỷ đồng (khoảng 10,25 tỷ USD) và 3.027 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 28,28 tỷ USD.

img

img

   TP. Bình Dương năng động, sáng tạo trên con đường xây dựng thành phố thông minh (ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương). Ảnh: X.T

Đề án thành phố thông minh Bình Dương là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030 nhằm hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức, đồng thời tập trung phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội.

Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Đồng thời, tỉnh cũng xác định đầu tư phát triển toàn xã hội là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế mà trong đó, thành phố mới Bình Dương là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng thu hút mạnh mẽ đầu tư trong những năm gần đây.

Xây dựng thành phố thông minh

Để làm được điều này, bài học lớn nhất mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương rút ra là phải có tầm nhìn quy hoạch - quản lý quy hoạch tốt, xây dựng được quy chế điều hành hiệu quả và mạnh dạn đầu tư những dự án trọng điểm của tỉnh về giao thông, đô thị gắn với quy hoạch vùng. Trong đó, điểm nhìn thấy rõ nhất là thành phố mới Bình Dương.

Đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2021 hướng tới 4 lĩnh vực: Con người (lực lượng lao động), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), cộng đồng DN (DN và quan hệ DN), Cơ sở hạ tầng và chất lượng sống của người dân.

Để đề án đi vào hoạt động nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao, tỉnh Bình Dương tham khảo mô hình hợp tác “3 nhà” từ đề xuất của các chuyên gia Hà Lan. Theo đó, trường đại học tạo ra các ý tưởng mới; DN là chủ sở hữu của các sản phẩm công nghệ mới; chính quyền hỗ trợ kinh phí thực hiện các ý tưởng và khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng thành phố thông minh trên 4 nền tảng chính là phát triển DN, phát triển con người, phát triển cơ sở hạ  tầng và phát triển mối quan hệ 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà DN)”. Theo ông Dũng, trong đề án xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đặt ra 50 hoạt động trong đó dự kiến năm 2018 sẽ tiến hành 14 hoạt động liên quan đến việc ứng dụng công nghệ, thúc đẩy sản xuất, kết hợp 3 nhà nhằm tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ.

Người dân hưởng lợi

Từ khi tỉnh hướng đến xây dựng thành phố thông minh, nhiều DN đã bắt tay cùng Bình Dương phát triển không ngừng. Ông Oh Dongkun - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu - cho biết, ông đánh giá cao về việc tỉnh Bình Dương chọn hướng xây dựng thành phố thông minh.

“Ở châu Á cũng chưa có thành phố nào thật sự thành công về mô hình này. Tôi nghĩ Bình Dương cần nghiên cứu kỹ hơn và sâu hơn về các giải pháp để phù hợp với thành phố thông minh” - ông Dongkun nói.

Đồng thời, ông tiết lộ Becamex Tokyu đã chuẩn bị cho việc xây dựng thành phố thông minh bằng cách biến các ngôi nhà thuộc các dự án của ông trở thành ngôi nhà thông minh. “Ngoài việc thay đổi các thiết bị cho phù hợp với tiêu chuẩn thành phố thông minh như thay đèn chiếu sáng bằng đèn LED, chúng tôi nghĩ rằng không chỉ là vấn đề công nghệ, mà thành phố phải có một chất lượng sống tốt, con người được gần gũi với môi trường và có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng” - ông cho hay.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng, 3 đối tượng chính được phục vụ trong thành phố thông minh là chính quyền - DN - người dân. Trong đó, người dân được hưởng thụ một đô thị đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, nhiều cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội...

Đối với DN, thành phố thông minh là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. “Đột phá đối với chính quyền là phải giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, đảm bảo phát triển thành phố bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân” - ông Liêm khẳng định.