Dân Việt

Đổ núi tiền vào bóng đá, vì sao TQ vẫn thua kém Việt Nam?

Đăng Nguyễn - Forbes 30/01/2018 10:10 GMT+7
Các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chiến đấu kiên cường cho đến những phút đá hiệp phụ cuối cùng trong trận quyết định vòng chung kết U23 Châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc, Forbes bình luận.

img

Người hâm mộ ăn mừng sau khi U23 Việt Nam giành ngôi á quân. Ảnh: Forbes.

Theo tạp chí Forbes, đội tuyển U23 Việt nam đánh bại những ứng viên rất mạnh của châu lục như Úc và Iraq. Việt Nam vượt qua cả đại gia dầu mỏ Qatar.

Chỉ đến trận đấu đá hiệp phụ thứ 3 liên tiếp, U23 Việt Nam mới để thua trong những phút cuối cùng trước U23 Uzbekistan. Màn trình diễn của các cầu thủ Việt Nam thu hút sự chú trên khắp thế giới, và đem đến sự hứa hẹn đối với bóng đá Việt Nam.

Forbes nhận định, thành công của bóng đá Việt Nam đối với lứa cầu thủ trẻ, có thể khiến nước chủ nhà Trung Quốc phải nghĩ lại về cách đầu tư cho bóng đá. Chính phủ Trung Quốc đã đổ cả núi tiền vào tham vọng phát triển bóng đá, nhưng dường như phần lớn trong số đó đã bị tiêu phí vô ích.

Về cơ bản, bóng đá Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng. Cả hai nước đều có lượng cổ động viên đông đảo hâm mộ các đội bóng châu Âu, hơn là các đội bóng quốc nội. Cả hai đội cũng hết sức thăng trầm và chưa từng trở lại phong độ cao nhất trong 2 thập kỷ qua.

Nhưng nếu như Trung Quốc muốn dùng tiền để tạo cú hích cho bóng đá thì thành công của Việt Nam chứng minh không cần phải đầu tư quá nhiều tiền, mà bên cạnh đó cần đến cả thời gian, Forbes bình luận.

Khi Trung Quốc đổ tiền vào bóng đá

img

Bóng đá Trung Quốc chưa đạt được kỳ vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt lộ trình tới “Giấc mơ Trung Quốc” vào 2050, trong đó bóng đá Trung Quốc cũng hướng đến những giấc mơ to lớn.

Ông Tập coi môn thể thao đại chúng này là công cụ thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Nhưng có một thực trạng là bóng đá Trung Quốc hiện vẫn không tương xứng với sự đầu tư mạnh mẽ.

Từ sự yếu kém của bóng đá quốc gia, ông Tập đã vạch ra kế hoạch 50 điểm, bao gồm đẩy mạnh mô hình “bóng đá học đường”, phát triển CLB chuyên nghiệp, nâng tầm chuyên môn giải VĐQG, giúp LĐBĐ hoạt động hiệu quả hơn, tự chủ hơn, đặc biệt về khía cạnh kinh tế.

Hiện tại, lứa trẻ Trung Quốc đến từ những học viện được đầu tư mạnh mẽ như học viện Guangzhou Evergrande trị giá 185 triệu USD.

Học viện rộng 150 mẫu anh, trong khuôn viên có 50 sân bóng đá hoạt động ngày đêm. Ngoài ra còn có bể bơi, sân bóng rổ, bóng chuyền, tennis, rạp chiếu phim, phòng tập gym và hàng chục căng-tin.

Tất cả các công trình trên phục vụ 2.800 học viên (2600 nam và 200 nữ) dưới sự huấn luyện của 20 HLV đến từ Real Madrid.

Theo mô tả của hãng tin CNN, lò đào tạo đề cao kỷ luật như một trại lính. Sừng sững tọa trước cổng học viện là mô hình chiếc cúp World Cup cao hàng chục mét để nhắc nhở các học viên luôn hướng về mục tiêu vĩ đại mà chủ tịch Tập đề ra.

img

Một sân bóng của học viện Guangzhou Evergrande.

Các gia đình gửi con cái vào học viện này đều thuộc tầng lớp “nhà có điều kiện”. Bởi họ phải chi đến 60.000 nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 9500 USD), cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc.

Nhưng nhiều thành phố Trung Quốc hiện vẫn chuộng môn bóng rổ hơn, và đa số tài năng bóng đá đến từ những nơi hẻo lánh ở phía tây.

Đối với bóng đá Trung Quốc, sự phát triển được đánh giá theo năm. Tại giải Super League, các đội đầu tư mạnh vào huấn luyện viên nước ngoài và nhanh chóng sa thải họ nếu không sớm đạt thành công.

Những ngôi sao bóng đá ở bên kia sườn dốc sự nghiệp đến Trung Quốc thi đấu vì tiền bạc và họ nhận được sự chú ý lớn hơn nhiều so với lứa cầu thủ trẻ.

Việc tập trung vào ngôi sao nước ngoài khiến các tài năng trẻ Trung Quốc khó có cơ hội phát triển hay xây dựng nên một lối chơi chung với nhau.

Sự khác biệt ở Việt Nam

Năm 2007, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đạt thỏa thuận với CLB Arsenal để thành lập học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Học viện hoạt động kể từ đó với sự hợp tác kỹ thuật của các huấn luyện viên đến từ Arsenal.

img

U23 Việt Nam đẫ chiến đấu kiên cường và chỉ để thua trong những phút cuối cùng của hiệp phụ. Ảnh: Forbes.

10 năm sau, học viện vẫn như vậy nhưng những lứa cầu thủ chơi bóng ở đẳng cấp cao hơn ra đời. Chỉ mới năm ngoái, có đến 9 trong 18 cầu thủ của U23 Việt nam trưởng thành từ lò đào tạo HAGL, theo Forbes.

Lứa cầu thủ trẻ của Việt Nam cũng xuất hiện nhiều hơn trên sân chơi quốc tế. Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất góp mặt tại vòng chung kết U20 World Cup năm 2017.

Các học viện bóng đá khác cùng từng bước xuất hiện. Bóng đá Việt Nam vẫn còn non trẻ, các CLB địa phương dần phát triển cùng với việc bổ nhiệm các HLV nội, với tầm nhìn xa.

Trong khi đó, bóng đá Trung Quốc không xây dựng nền tảng vững chắc như vậy. Điều duy nhất mà người hâm mộ Trung Quốc quan tâm là khả năng bộ đôi huyền thoại người Argentina, Carlos Tevez và Javier Mascherano sang chơi bóng.

Ngược lại, điều mà người ta nhìn thấy ở bóng đá Việt Nam, đó là lứa cầu thủ trẻ đang rất hứa hẹn làm nên những kỳ tích mới.

Báo Nhật ”choáng” với hiệu ứng sau kì tích của U23 Việt Nam

Hành trình lịch sử của đội tuyển bóng đá tại U23 châu Á đã đưa người dân Việt Nam xích lại gần nhau, báo Nhật Bản...