Trăng xanh, siêu trăng, nguyệt thực cùng hội tụ sau 150 năm. (ảnh: The weather network).
Ngày 31/1, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay, tối nay, hiện tượng trăng xanh, siêu trăng và nguyệt thực sẽ lần đầu tiên hội tụ sau 150 năm.
Theo ông Sơn, trăng xanh là hiện tượng trăng tròn xuất hiện 2 lần trong một tháng dương lịch. Tháng 1/2018 có 31 ngày, trong đó ngày rằm tháng 11 Âm lịch rơi vào ngày 1/1, ngày rằm của tháng Chạp rơi vào ngày 31/1.
Bên cạnh đó, mặt trăng đồng thời đi vào vùng tối của Trái Đất khiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra.
Cùng thời điểm, mặt trăng ở quỹ đạo rất gần Trái Đất, giúp chúng ta có thể quan sát hành tinh này ở kích thước lớn hơn so với thông thường nên gọi là siêu trăng.
Siêu trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn lúc đỉnh điểm thông thường. Trong khi đó, mặt trăng sẽ có màu đỏ trong lúc diễn ra nguyệt thực bởi ảnh hưởng từ lượng ánh sáng mặt trời chiếu qua trái đất.
Ông Sơn nhấn mạnh rằng: “Chúng ta nên tập trung vào hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Vì trăng xanh chỉ là cách người ta đặt tên chứ bản chất mặt trăng không có gì thay đổi. Còn siêu trăng nó chỉ lớn hơn bình thường một chút, không đáng kể”.
Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay, Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát nguyệt thực toàn phần trong tối 31/1. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết mây mù như hiện tại, sẽ rất khó để chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
Theo chu kỳ, mặt trăng sẽ xuất hiện vào khoảng 17h30 chiều nay (31/1), trước khi nguyệt thực cực đại bắt đầu lúc 20h29. Hiện tượng này sẽ kéo dài trong khoảng 5 giờ.
Cả ba hiện tượng nguyệt thực, trăng xanh và siêu trăng sẽ cùng hội tụ trong 77 phút, từ 19h51 đến 21h08.
Mặt trăng trong đêm 14.11 to và sáng hơn so với bình thường nên được gọi là siêu trăng.