Gia súc chết rét nhiều nhất vẫn là các tỉnh Tây Bắc
Ngày 31/1, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thống kê của các địa phương, tính đến ngày 30/1 tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên đã có 2.163 con gia súc bị chết do đói, rét.
Rét đậm rét hại tại nhiều địa phương khiến nhiều gia súc bị chết. Ảnh minh họa: Quốc Đạt/TTXVN
Cụ thể, các tỉnh có số lượng gia súc chết nhiều nhất là Cao Bằng 666 con, Lào Cai 440 con, Điện Biên 400 con, Hoà Bình 250 con…
Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc đang chịu đợt rét đậm, một số địa phương đã xuất hiện băng, tuyết.
Cục Chăn nuôi cũng cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống đói, rét; đặc biệt chú trọng khu vực vùng cao, xã biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, rét cho vật nuôi.
Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các địa phương chủ động nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để đáp ứng kịp thời trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
Phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng, trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; đôn đốc, tiêm phòng đầy đủ và tẩy ký sinh trùng cho trâu, bò; hướng dẫn nông dân tích trữ các nguồn thức ăn tinh và thô cho gia súc.
"Trước mỗi mùa rét, chúng tôi đều khuyến cáo mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng nhốt và cây rơm, rạ đảm bảo thức ăn bình quân 5-7 kg/con/ngày trong những ngày giá rét; vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt khi trời rét đậm, rét hại" - ông Vân cho biết.
Bình Liêu (Quảng Ninh) ngừng các cuộc họp để chống rét
Theo thống kê của UBND huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), tính đến ngày 31.1 trên địa bàn huyện đã có 11 con trâu, bò, bê, nghé bị chết rét.
Trước đó, để chủ động phòng, chống rét cho gia cầm vật nuôi, huyện đã cấp 6.060m vải bạt cho 935 hộ dân quây cây rơm và quây chuồng trại cho gia súc, gia cầm, đồng thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh đói rét cho đàn vật nuôi mùa đông trong năm 2017 cho hàng nghìn lượt người.
Bên cạnh đó, các phòng ban liên quan của huyện cũng liên tục vận động các hộ dân tuyệt đối không thả rông trâu, bò khi thời tiết rét buốt, nhiệt độ xuống thấp, chủ động đưa về nuôi nhốt, đảm bảo đủ ấm cho gia súc.
Chồng trại chăn nuôi trâu bò của người dân huyện Bình Liêu đã được che bạt để chống rét
Theo ông Hoàng Xuân Tân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, những ngày qua, nhiệt độ ở Bình Liêu luôn ở mức 5 đến 12 độ, kèm theo mưa nên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và công tác chăm sóc vật nuôi. Chính quyền địa phương đã phát 500 tờ rơi và tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền cho gần 1.000 lượt người tham gia về công tác phòng chống dịch bệnh đói rét cho đàn vật nuôi mùa đông.
Cùng với hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, cây trồng, thời gian qua huyện Bình Liêu đã thông tin kịp thời cho người dân để chủ động bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, khuyến cáo người già và trẻ nhỏ hạn chế ra đường khi thời tiết cực đoan tránh xảy ra sốc nhiệt.
Còn tại huyện Tiên Yên, địa phương cũng đã chủ động tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi tại 12/12 xã, thị trấn; vận động người dân tu sửa chuồng nuôi, che bạt, dự trữ cây rơm cho gia súc; thu hoạch thủy sản đối với những ao nuôi đã đạt độ tuổi; hỗ trợ kinh phí khoảng 300 triệu đồng để xây dựng, tu sửa chuồng nuôi trên địa bàn.
Mặc dù đã được tuyên truyền, song ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, nhiều người dân vẫn còn có thói quen chăn thả rông gia súc trong rừng. Ảnh: Hoàng Trình
Tuy nhiên, ở một số vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi khi thời tiết bất lợi xảy ra. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn cao, nhất là đối với một số hộ đồng bào dân tộc.
Một số hộ gia đình chủ quan không đưa gia súc về chuồng trại để phòng, chống đói rét, khi gặp thời tiết cực đoan, đột ngột và mưa kéo dài, trâu bò thả rông thường chui vào rừng tìm nơi tránh trú. Vì vậy, việc tìm và đưa gia súc về chuồng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, của huyện Bình Liêu tính đến ngày 31/1 toàn huyện đã phát hiện có 11 con trâu, bò, bê, nghé ở xã Đồng Văn, xã Vô Ngại bị chết rét.
Ngày 30.1, UBND huyện Bình Liêu đã ra văn bản khẩn chỉ đạo các biện pháp chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống đói rét dịch bệnh cho vật nuôi, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, huyện Bình Liêu đã yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, thành lập các đoàn để tập trung nắm tình hình, hướng dẫn nhân dân phòng chống rét. Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để phục vụ việc phòng chống rét cho người và vật nuôi.
Công văn khẩn chỉ đạo về việc phòng chống rét của UBND huyện Bình Liêu
Trong đợt kiểm tra mới đây tại các huyện miền núi, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm tra cơ sở, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, có biện pháp xử lý kịp thời. Cùng với đó, chỉ đạo kiên quyết không để người dân thả rông gia súc, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh khi đưa gia súc, gia cầm về chuồng tránh rét.
Vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nuôi chưa đảm bảo sử dụng các loại vật liệu để che chắn chuồng nuôi không để gió lùa, mưa ướt; vận động nhân dân chủ động dự trữ thức ăn, tăng cường khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi để chống rét, dịch bệnh...
Toàn huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) có 4.280 hộ chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn có: đàn trâu 6.352 con, đàn bò 2.363 con, đàn lợn 8.405 con, đàn gia cầm 78.704 con, đàn dê 4.164 con. |