Sức khỏe của tổng thống Mỹ nói chung, không riêng gì ông Trump, luôn là mối quan tâm đối với truyền thông thế giới nhưng hầu như mọi bệnh tật, đau đớn được các nhà lãnh đạo giấu kín. Franklin Delano Roosevelt mắc căn bệnh bại liệt quái ác từ năm 39 tuổi, vậy mà cả nước Mỹ không hề nhận ra điều này suốt 12 năm ông làm tổng thống.
Khi còn sống, John F. Kennedy trông có vẻ đầy sung mãn và trẻ trung nhưng thực ra ông đã phải âm thầm chịu đựng những căn bệnh nghiêm trọng, trong đó có bệnh Addison mà các trợ lý của ông không để công chúng biết.
Những bí mật về sức khỏe tổng thống
Lịch sử tổng thống Mỹ chồng chất những bệnh tật và ốm yếu, phần lớn bị che giấu khỏi công chúng bởi nhiều nguyên do. Cơn đột quỵ lấy đi năng lực của Woodrow Wilson vào năm 1919, nhưng người dân tới nhiều tháng sau mới biết chuyện.
Năm 1893, Tổng thống Grover Cleveland bị bệnh. Ông thức dậy vào buổi sáng và thấy đau ở miệng. William Williams Keen, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thời đó, chẩn đoán ngài tổng thống bị ung thư.
Thời điểm đó, Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng tài chính. Nỗi lo sợ về cái chết của tổng thống sẽ biến đất nước thành mớ hỗn độn trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang cố gắng thiết lập lại cơ chế tài chính. Vì vậy, vào tuần cuối cùng tháng 7 cùng năm, Cleveland đã lên du thuyền ở New York cùng với đội bác sĩ được trang bị đầy đủ như ở bệnh viện và tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư.
Công chúng khi đó chỉ biết Cleveland bị đau răng. Mãi đến khi ông qua đời, bác sĩ Keen mới tiết lộ sự thật trong một bài luận đăng trên tờ Saturday Evening Post. “Sự sợ hãi sẽ biến thành cơn khủng hoảng”, ông viết.
Nước Mỹ cũng không biết rằng chỉ một thập kỷ trước đó, Tổng thống Chester Arthue bị bệnh "bright", loại bệnh thận khiến ông qua đời vài năm sau khi rời nhiệm sở.
Theo chiều kim đồng hồ từ phía trên bên trái: Grover Cleveland, Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy and Woodrow Wilson.Ảnh: AP.
Không ai hay rằng Geogre Washington từng suýt mất mạng vì bệnh cúm và ông có một vết loét lớn trên mông chứ không phải ở trên đùi như bác sĩ Samuel Bard tuyên bố. Sau này, ông Bard giải thích rằng lời nói dối là để bảo vệ “phẩm giá của tổng thống”.
Woodrow Wilson có lẽ là tổng thống được bác sĩ "bao bọc" nhất khi ông bị đột quỵ nghiêm trọng. Bác sĩ riêng của Nhà Trắng, Cary Grayson, khi đó tuyên bố một cách lạc quan rằng Wilson chỉ bị “kiệt sức” và “không có gì đáng lo ngại”.
Trên thực tế, Grayson đã phải thốt lên: “Chúa ơi, tổng thống bị liệt rồi”. Vị bác sĩ và đệ nhất phu nhân Edith phải hợp sức điều hành chính phủ trong hơn một năm tổng thống nằm liệt giường.
“Đã có rất nhiều tin đồn như Wilson đã chết, hay Wilson phát điên và chạy khắp Nhà Trắng”, Andrew Phillips, người quản lý Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Wilson nói. "Tuy nhiên, không có gì được xác nhận. Không ai biết gì cả và bí mật này đã được giữ kín”.
Đằng sau những lời nói dối
Hết lần này qua lần khác, các tổng thống Mỹ đều được bác sĩ riêng của họ che giấu tình hình sức khỏe. Họ tự thuyết phục bản thân rằng lời nói dối ấy là biểu hiện của lòng yêu nước, là cao quý.
“Các bác sĩ của tổng thống ở trong tình thế vô cùng khó khăn. Với tư cách bác sĩ, họ phải đảm bảo giữ kín thông tin đời tư cho bệnh nhân”, nhà sử học, nhà văn H. W. Brands nói. "Yêu cầu một bác sĩ phá vỡ cam kết đó không phải là điều dễ dàng".
Bác sĩ riêng của Tổng thống Warren Harding là một người bạn của gia đình từ khi họ còn ở Ohio. Vị bác sĩ này thường chọn thuốc dựa trên màu sắc thay vì dựa trên thành phần của nó. Ông nói với tổng thống chứng đau ngực của ngài là bệnh khó tiêu. Nhưng đó là bệnh tim. Ông nói rằng tổng thống đã bị ngộ độc thực phẩm khi đang đi thăm Alaska, nhưng đó là đau tim. Tổng thống Harding đã chết khi mới hoàn thành 2 năm nhiệm kỳ.
Ross McIntire là bác sĩ của Nhà Trắng sau lễ nhậm chức đầu tiên của Roosevelt năm 1933. Đến năm 1944, Tổng thống Roosevelt bị suy tim sung huyết, trông nhợt nhạt, hốc hác. Các thành viên đảng Dân chủ khuyên ông không nên tiếp tục tranh cử nhưng McIntire quả quyết rằng đương kim tổng thống vẫn còn khỏe mạnh. Roosevelt đã tái đắc cử và chết 2 tháng sau khi nhậm chức.
Bức ảnh chụp Tổng thống Roosevelt một ngày trước khi qua đời. Ảnh: historyphotooftheday.
"Có một khoảng cách lớn giữa cách chúng ta nhìn vào y học hiện nay và những năm 1950", William Hitchcock, giáo sư lịch sử Đại học Virginia, cho biết. "Thời đó, khi một bác sĩ có thẩm quyền nói rằng sức khỏe của tổng thống ổn, thì đó sẽ là dấu chấm hết của cuộc tranh luận".
Thời đó, phòng họp báo chí không có ai như Sanjay Gupta, phóng viên có thể sử dụng chính kiến thức y học của mình để kiểm tra báo cáo của bác sĩ Nhà Trắng. Công chúng chỉ có thể mặc định rằng sức khỏe tổng thống là vấn đề cá nhân. Cho dù có biết tổng thống gặp vấn đề sức khỏe đi chăng nữa, họ có thể cũng xem đó là chuyện hiển nhiên. Bởi trong lịch sử Mỹ, các tổng thống đều có tuổi nên suốt nhiều thế kỷ, người dân nước này luôn cho rằng lãnh đạo của họ thường gặp các vấn đề sức khỏe. Họ xem bệnh tật là hệ quả tất yếu của tuổi tác.
Nghi vấn về sức khỏe Trump
Không muốn tiếp tục bị lừa dối, người Mỹ ngày nay luôn chú ý tới sức khỏe của người điều hành đất nước như thể quan tâm tới sức khỏe của chính con em mình. Họ quan tâm tới mọi điều: Tổng thống có ngủ đủ không, có tập thể dục thường xuyên không, nhiệt độ cơ thể có bình thường, đường ruột có tốt?
Tuần trước, một buổi họp báo kỳ lạ được chủ trì bởi bác sĩ Nhà Trắng Ronny Jackson nhằm trả lời hết những thắc mắc về đương kim Tổng thống Donald Trump sau buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những gì vị bác sĩ nói nghe giống thư tình hơn là báo cáo y tế.
Tổng thống Trump cùng bác sĩ Nhà Trắng Ronny Jackson trong một sự kiện hồi tháng 3.2017. Ảnh: AP.
“Tôi đã nói với ngài tổng thống rằng giá mà ông ấy có chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn 20 năm vừa qua, thì ông đã có thể sống đến 200 tuổi. Ông ấy sở hữu loại gen quyệt vời… Ý tôi là, nếu không để ý đến chế độ dinh dưỡng của mình thì tôi đã không thể có thể trạng như ngài tổng thống hiện nay”, Jackson nói trong buổi họp báo. “Trump có ‘sức mạnh’ và ‘sức chịu đựng’ đáng nể”. Jackson kết luận rằng đây “là món quà của Chúa”.
Bản báo cáo trở thành trò cười trong chương trình hài hàng tuần “Saturday Night Live”. Các phóng viên tỏ vẻ hoài nghi. Làm sao một người có trọng lượng lên tới 239 kg mà lại chưa phải “béo phì”? Chiều cao của tổng thống ghi là 1,91 m trong khi bằng lái xe của ông cấp ở New York chỉ ghi 1,88 m. Không lẽ chiều cao của một người đàn ông 71 tuổi có thể tăng nhanh chóng như vậy?
Liệu bác sĩ Jackson còn giấu chúng ta điều gì không? Các nhà lý thuyết âm mưu cho rằng câu trả lời là có. Họ thậm chí đã đưa ra thuật ngữ mới "girther" khi nhận xét ông Trump nặng cân hơn so với thông tin trong báo cáo.