Lúa được thu mua toàn bộ
Cuộc sống từng vất vả, nhưng sau khi chuyển từ làm lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống, gia đình ông Nguyễn Văn Nhì (ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên), xã viên HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, đã có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn so với trước đây.
Ông Nhì phấn khởi cho biết: “Hồi chưa vào HTX, chúng tôi mạnh ai nấy làm, không có tổ chức nên lúa làm ra hay bị tư thương ép giá. Từ ngày vào HTX đến nay, làm ăn dựa vào tập thể, kết quả cao hơn rất nhiều. Sản xuất lúa giống được hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường 400 - 500 đồng/kg nên tôi rất an tâm”.
HTX Giống nông nghiệp Thốt nốt đảm bảo sản xuất lúa giống đạt tỷ lệ nảy mầm cao trên 90%. Ảnh: T.L
"Hồi chưa vào HTX, chúng tôi mạnh ai nấy làm, không có tổ chức nên lúa làm ra hay bị tư thương ép giá. Từ ngày vào HTX đến nay, làm ăn dựa vào tập thể, kết quả cao hơn rất nhiều. Sản xuất lúa giống được hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường 400 - 500 đồng/kg nên tôi rất an tâm”. Ông Nguyễn Văn Nhì |
Vụ lúa vừa qua, HTX đã nhập kho và xuất bán 250 tấn lúa giống của xã viên. So với trồng lúa hàng hoá, lợi nhuận của bà con xã viên cao hơn 20%. Ngoài ra, HTX còn hợp đồng sản xuất lúa giống với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Trại Giống lúa huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) nên việc tiêu thụ rất ổn định.
Khởi đầu từ việc nông dân quanh vùng phụ cận có nhu cầu sử dụng lúa giống thuần chất lượng cao ngày càng tăng, vào tháng 10.2008, nhóm nông dân giỏi tham gia cộng tác sản xuất lúa giống với Trại giống huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) trước đây đã cùng nhau thành lập HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt.
HTX có 17 thành viên, diện tích canh tác trên 50ha, tổng vốn điều lệ 1 tỷ đồng. HTX chuyên sản xuất lúa giống đáp ứng theo nhu cầu nông dân ở địa phương và các vùng lân cận; đồng thời thực hiện hỗ trợ các hộ thành viên trong HTX sản xuất, bảo quản, sơ chế và tiêu thụ lúa giống.
Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, nhớ lại: Nếu như trước đây sản xuất nông hộ quy mô nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm thì từ khi vào HTX ngồi chung với nhau, bầu ra Ban giám đốc, có kiểm soát viên, kế toán… thì mọi hoạt động đã đi vào nền nếp, bài bản. HTX hỗ trợ các hộ thành viên sản xuất lúa giống đảm bảo đúng tiêu chuẩn; đồng thời lo đầu ra tiêu thụ lúa giống do các thành viên trong HTX.
Xây dựng chuỗi lúa giống khép kín
Những năm đầu hiệu quả chưa cao, các thành viên Ban giám đốc HTX làm việc không hưởng lương. Dần dần qua từng năm tích lũy, HTX đã có điều kiện đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị sơ chế (gồm 3 lò sấy, 2 máy sàn, hệ thống dây chuyền băng tải) lưu trữ bảo quản lúa giống theo tiêu chuẩn. Lúa giống sản xuất ra có kiểm nghiệm chứng nhận và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2009, HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt đạt chứng nhận địa chỉ xanh giống lúa ĐBSCL.
Hoạt động đóng gói sản phẩm lúa giống tại HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt. Ảnh: T.L
“Đến nay, 17 xã viên, với 50ha canh tác lúa giống đã có đầu ra ổn định. HTX còn liên kết thêm với nhiều nông dân để sản xuất giống, giúp bà con nâng cao thu nhập. Mỗi năm HTX chúng tôi sản xuất và cung ứng 600 – 800 tấn lúa giống các loại cho thị trường tại thành phố và các tỉnh lân cận. Các hộ thành viên HTX sản xuất có lợi cao hơn bên ngoài HTX từ 15-20%. Hiện HTX có hơn 80% hộ thành viên khá giàu, không có hộ nghèo. Sản phẩm lúa giống của HTX được nông dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL sử dụng tín nhiệm, đặt hàng ngày càng nhiều” - ông Phương phấn khởi nói.
Theo ông Phương, HTX không những giúp xã viên tiêu thụ lúa giống làm ra dễ dàng, mà còn hỗ trợ xã viên kỹ thuật canh tác mới nên chất lượng, hiệu quả lúa giống cũng ngày càng cao hơn.
Ông Nguyễn Minh Phương cho biết: “Những năm qua, HTX thường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các cuộc hội thảo, các mô hình trình diễn điểm để chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa giống, nhờ đó tay nghề làm lúa giống của bà con xã viên “chuyên nghiệp” hơn hẳn”.