Bà Aruna, TGĐ Monsanto Việt Nam tâm đắc với chương trình “Chung tay sản xuất; Vui Tết – Chào Xuân”
Chiềng On, một trong những xã ở vùng sâu nhất huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, nơi bà con nông dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn quen với cách canh tác truyền thống như tận dụng sức trâu, bò để cày xới đất, tận dụng nhiều công lao động để gieo trồng, gặt hái. Cũng chính vì vậy, sản lượng nông sản của bà con thường không được cao như nhiều vùng khác đã ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo ở Chiềng On vẫn rất cao chiếm tới 87,3%.
Anh Vì Văn Sướng, bản Trạm Hốc bùi ngùi kể lại những ngày làm việc vất vả của mình trên những nương ngô “Nương ngô ở xa nhà lắm. mà có khi lại cách xa nhau, đường đi thì khó khăn. Vậy nên trước đây có nhiều lần không chăm sóc kịp thời, không thu hái kịp thời cũng giảm năng suất ngô nhiều lắm. Bà con nông dân Chiềng On không phải kém thức thời, không hiểu sức mạnh của việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhưng phần lớn bà con bị hoàn cảnh trói buộc, khó có khả năng tự mua máy nông nghiệp để sử dụng”.
Nông dân xã Chiềng On phấn khởi theo dõi cán bộ công ty Dekalb hướng dẫn sử dụng máy nông nghiệp
Nhân dịp này đươc nhận máy nông nghiệp, anh Sướng hồ hởi cho biết thêm: “Vậy nên ngay từ khi biết tin Công ty Dekalb sẽ trao tặng 12 máy nông nghiệp cho bà con, tất cả mọi người đều rất mừng, đều tin rằng cơ hội thay đổi sắp đến thật rồi, bây giờ đi nương cũng không vất vả nữa, giảm được công làm thì mình có thời gian làm việc khác để tăng thu nhập, hay chăm sóc con cái học hành…”
Lễ trao tặng 12 máy nông nghiệp cho bà con xã Chiềng On
Lần đầu được trao tặng máy nông nghiệp, ông Sồng Lao Lệnh, nông dân bản Ta Liễu, Chiềng On đã vô cùng phấn khởi, ông nói: “Với người nông dân ở Chiềng On, phần lớn từ trước đến nay mọi người vẫn dùng trâu, bò để cày ruộng, làm đất mất rất nhiều công mà hiệu quả kinh tế vẫn rất thấp, toàn lấy công làm lãi. Giờ được công ty Dekalb trao máy nông nghiệp hiện đại, giúp nhiều thế này, bà con chúng tôi thấy xúc động vô cùng, chúng tôi sẽ thực hiện được ước mơ đưa máy lên nương để làm giàu trên chính nơi chôn rau cắt rốn. Chúng tôi sẽ sử dụng hiệu quả máy không chỉ để làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp bà con trong làng, bản cũng vươn lên thoát nghèo".
Chia sẻ về tâm nguyện gửi gắm trong chương trình “Chung tay sản xuất; Vui Tết – Chào Xuân” được tổ chức tại tỉnh Sơn La, bà Aruna Rachakonda, Tổng Giám đốc công ty Dekalb Việt Nam (Monsanto) bày tỏ: “Ngạn ngữ cổ có câu “Trao cần câu chứ không cho con cá”, và chúng tôi cũng đồng quan điểm như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng thay vì việc hỗ trợ bà con cân gạo, bao thóc tạm thời thì việc đầu tư công cụ sản xuất để bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó tự lực phát triển kinh tế cho gia đình mình, làng bản mình…mới thực sự là “phát triển bền vững”.
Chúng tôi cũng rất hy vọng những nông hộ nhận được máy nông nghiệp sẽ có bước ngoặt mới trong cách nghĩ, cách làm nông nghiệp, hay nhìn rộng ra là thay đổi cách đối xử với đất, với sản phẩm mà chúng ta làm ra, hướng đến mô hình sản xuất hàng hóa áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để làm ra sản phẩm chất lượng cao và giảm được nhân công lao động.”