Hiệp để ý dòng chảy son môi với đủ thứ nhãn hàng mà người ở làng quê vô phương phân biệt đâu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; nhiều loại rất cao giá, tốn nhiều tiền, nhưng khi bị khô môi hoặc dị ứng mới biết thật giả.
Nguyễn Thị Ngọc Hiệp ở Giồng Trôm, Bến Tre, có cách nghĩ khác khi làng quê xuất hiện những mỹ phẩm độc hại trôi nổi.
Từ nhỏ Hiệp rất “điệu” hay phá son phấn của mẹ suốt ngày, lớn lên học nghề làm đẹp và từng là nhân viên tiếp thị cho các hãng mỹ phẩm, trước thực trạng này, Hiệp tự hỏi: Sao không làm thử son môi từ dừa và sáp ong để tránh những loại hàng độc hại?
Ý tưởng điên rồ, làm rồi bán ở đâu, cho ai? Vốn liếng đâu mà làm? Làm sao đo lường được sức mua, biết gì về thị trường? 1.001 câu hỏi tiếp theo từ người thân, kèm theo lời khuyên “người khôn, của khó” không phải cuộc đùa vui Hiệp ơi!
Khi bắt đầu, không ai ủng hộ Hiệp cả, kể cả người nhà, bạn bè thân thiết. Lắm lúc muốn bỏ cuộc, nhưng vì đam mê nên Hiệp cố gắng vượt qua tất cả. Hiệp tự hiểu khi mình không có thương hiệu, cái gì cũng không có nên làm chỉ để tặng. May mắn, khi mọi người sử dụng rồi đã quay lại hỏi mua để dùng và tặng bạn bè. Son môi của Hiệp “chào sân”, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, sau khi các nhóm mua truyền miệng. “Nếu thấy tốt hơn, an toàn hơn thì đừng xài những thứ không biết nó từ đâu đến, phúc hoạ khó lường”, chị Tuyền, chủ cơ sở làm than hoạt tính từ gáo dừa, nhóm tiêu dùng trung thành nói về cuộc vận động “son môi bản địa” từ làng quê.
Nếu chỉ những lời can ngăn như vậy cũng chưa đủ tạo dựng lòng tin, Hiệp học nghề làm mỹ phẩm và chọn cách làm thủ công… kết quả không tốt lắm do cách nghĩ hình thức, bao bì cây son đâu cần đẹp, miễn sao tốt là được rồi. Những cây son làm theo kiểu thủ công được đón nhận từ chị em trong nhà suốt từ năm 2013 – 2014, nhưng ngay cả những chị em “trung thành” với son môi Ngọc Hiệp, cũng hiểu rằng như vậy sẽ không ổn và sẽ không hợp quy chuẩn khi bán ra thị trường.
Ngọc Hiệp thừa nhận: nhìn lại những cây son tốt nhưng không đẹp, người chê cũng có người khen cũng có, không mấy suôn sẻ do điểm yếu bao bì chưa hoàn thiện. Nếu chỉ dựa vào giá trị từ thiên nhiên là dầu dừa, sáp ong, nguồn tài nguyên bản địa, ai cũng biết, nhưng cuối cùng, vỏ cây son và màu phải nhập, nếu muốn sống trên thị trường. Mọi thủ tục đăng ký, bộ giấy tờ hợp quy phải làm đúng mọi quy định sau khi làm lại quy trình mới tạo được lòng tin... Hiệp đâu có ngờ việc thích “điệu” và cuộc hành trình khởi nghiệp từ cây son môi lại nhiều thử thách đến như vậy.
Năm ngoái, mỗi tháng, son môi Ngọc Hiệp bán ra từ 500 – 1.000 cây, giá vốn 100.000đ/cây. Các thành viên CLB khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, động viên Hiệp nuôi dưỡng ý tưởng thay thế, dù chỉ là cây son môi, nhưng nhiệm vụ của nó là loại ngay những sản phẩm không rõ từ đâu ra khỏi làng quê.
Cây son môi nhỏ xíu lại có sứ mệnh làm trong trẻo thị phần. Năm nay, Hiệp phát triển dòng son môi thêm nhiều loại màu và nghiên cứu sản phẩm mới từ dừa – kem dưỡng, ủ tóc...
Lập một công ty ở làng quê, sắm ghế bành ngồi chễm chệ, mai mốt sắm xe tự lái, hình ảnh “lột xác” nghe quá lý tưởng? Một số ít người làm ăn hay “làm đẹp” kiểu này. Ngọc Hiệp nói rằng thực tế công ăn việc làm, thăng trầm khi nuôi dưỡng ý tưởng và phải “liệu cơm gắp mắm”; chỉ riêng việc mở rộng xưởng, hoàn thiện thủ tục cho việc sản xuất và tiêu thụ, khiến Hiệp không dám nghĩ tới “màu mè” thay cho thực chất.
“Làm sao nguyên liệu đầu vào vừa đủ, ổn định, nghe được tiếng nói phản hồi và bà con dưới quê tin dùng là được”, Hiệp nói vậy, nhưng cô đã đưa sản phẩm về thành phố qua Phiên chợ Xanh – Tử tế, theo đội hình khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre.
May mắn của Hiệp liên quan tới hai vị “quới nhơn”: Xuân Vinh, trung tâm Xúc tiến đầu tư khởi nghiệp, giúp Hiệp tiếp cận CLB Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, hướng dẫn hoàn thiện bao bì, thủ tục kiểm định sản phẩm an toàn; và cô Vũ Kim Anh, “ban quản lý” Phiên chợ Xanh – Tử tế, phó giám đốc phụ trách Dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp của trung tâm BSA.
Doanh thu bốn năm nay giúp Hiệp có tích luỹ để mở rộng và hoàn thiện nhà xưởng, nhưng cũng cho cô bài học thấm thía: trong thế giới mỹ phẩm không thể nói mẫu mã tàm tạm, chất lượng tốt là được rồi. Thậm chí cả hai điều đó đạt tiêu chuẩn thì chăm sóc khách hàng, hiểu tâm lý cũng chưa đủ, mà phải tìm tới nhu cầu của khách từ những vùng miền, lứa tuổi khác nhau, làm cho họ nhớ son môi Ngọc Hiệp.
“Tới hôm nay, Hiệp tạm yên tâm khi sản phẩm được nhiều người sử dụng và lượng hàng ra ngày nhiều hơn trước. Lo lắng cũng nhiều hơn khi xây xưởng làm lượng hàng lớn hơn, bài toán kinh doanh cũng sẽ phức tạp hơn, trong khi khởi đầu của Hiệp quá nhỏ, suy nghĩ có vẻ đơn giản”, Hiệp nói.
Hồi trước, tâm lý bà con ở quê chỉ thích xài hàng sản xuất tại Sài Gòn hoặc hàng nhập, nhưng nay khách hàng tin chất lượng sản phẩm, nói lên tất cả, chứ không quan trọng nó được sản xuất từ đâu.
Những bạn bè và nhóm mua hàng sỉ về bán lẻ nói son môi từ dầu dừa, sáp ong không còn xa lạ nữa, nhưng dù giống nhau son môi Ngọc Hiệp vẫn có khác biệt về chất lượng (màu son, độ mướt và dưỡng môi).
Mẫu mã, bao bì của son môi Ngọc Hiệp vẫn còn phải đua dài hơi, nhưng cô tâm niệm: bán sản phẩm là gieo niềm tin và cô gặt được sự hài lòng từ người môi son mỉm cười với nguồn hàng có gốc tích rõ ràng.
Đối với Hiệp, khi giao hàng, nhận tiền mọi thứ chỉ mới bắt đầu chứ không phải kết thúc. Bây giờ truyền thông giúp người thành thị và cả nông thôn biết cách tiêu dùng thông minh khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp rõ nguồn gốc và an toàn. Rất khác với hồi xưa, dân nông thôn bị thôi miên vì hàng giá rẻ, không cần biết sản phẩm thế nào, nhưng bây giờ nhiều người không ngại bỏ thêm tiền để mua sản phẩm an toàn, không chỉ là mỹ phẩm mà cả thực phẩm...”, Hiệp nhận xét.
Khởi nghiệp từ làng quê khó khăn nhiều lắm, huống chi lại làm mỹ phẩm. Hiệp biết “trùng trùng điệp điệp “ son môi từ dừa khi gõ từ khoá lên mạng internet, nhưng cô tự tin nói rằng: “Hiệp ở đây làm rõ nguồn gốc và làm đẹp lòng mọi người. Thay vì chỉ nuôi ý tưởng khởi nghiệp do đam mê làm đẹp của riêng mình, mách nước cho nhau tránh mỹ phẩm độc hại trôi nổi, thì nay là ý tưởng tạo dựng thương hiệu từ cây son môi”.
Khi Hiệp nói cô “vẫn ở đây làm rõ nguồn gốc và làm đẹp lòng mọi người” thì tin vui đầu năm: Nhiều người thân tin dùng sản phẩm lâu nay muốn góp vốn đầu tư. Hiệp sẽ bước vào “hiệp 2”, tiếp tục nâng tầm để tiếp nhận nguồn năng lượng từ bên ngoài sau một chặng đường tạo dựng giá trị cốt lõi cho son môi từ sáp ong và đặc sản xứ dừa.