Những con trâu yếu, nghé non ngã vật ra chết trong đợt rét khủng khiếp đầu năm 2018 ở huyện Sa Pa (Lào Cai). Đợt rét này kéo dài từ ngày 5/1 đến ngày 11/11 đã hiến cả trăm con trâu, nghé, bò bị chết. Ảnh: Báo Lào Cai.
Tuyết rơi là hiện tượng thời tiết không hiếm gặp ở Sa Pa trong vài năm trở lại đây. Mỗi lần tuyết rơi, người nuôi trâu ở Sa Pa (Lào Cai) lại như có lửa đốt trong lòng. Sa Pa đang trải qua những đợt rét đậm, rét hại nhất từ năm 2017 đến nay, nhiều con gia súc đã không thể chống chọi được với thời tiết, “cơ nghiệp” của nông dân vì thế mà ra đi.
Anh Cứ A Sừ, thôn Móng Sến 2, xã Trung Chải (Sa Pa) đang trải qua những ngày buồn nhất. Nhà anh nuôi 4 con trâu, các đợt rét trước không sao nhưng đợt rét này một con nặng 6 tạ đã chết. Không biết làm thế nào để giảm bớt thiệt hại, anh và anh em trong nhà đành mổ trâu mang ra lề Quốc lộ 4D bán.
Trâu, nghé chết rét trong 2 đợt rét khủng khiếp đầu năm 2018, người chăn nuôi bấm bụng làm thịt bày bán la liệt dọc quốc lộ 4D từ đèo Ô Quý Hồ qua thị trấn Sa Pa xuống TP. Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai.
Trời rét, anh phải đốt một đống lửa co ro sưởi ngồi đợi người mua. Thịt trâu bán với giá từ 150.000 – 180.000 đồng/kg nhưng nhiều người mặc cả, thậm chí không được giá đấy anh Sừ vẫn bán. Anh Cứ A Sừ cho biết: “Từ sáng đến giờ tôi mới bán được chưa đến 1 triệu đồng tiền thịt trâu, trong khi nếu nó sống có người đã trả tôi vài chục triệu rồi”. Thỉnh thoảng có những khách hàng đi xe qua dừng lại hỏi giá rồi mặc cả, cuộc mua bán diễn ra trong nỗi buồn không nói thành lời của người nông dân Cứ A Sừ...
Nhà ngay cạnh Quốc lộ 4D, anh Lý Láo Lở (25 tuổi) cũng đang xẻ thịt con trâu con mới chết. Hai ngày mưa rét vừa qua khiến nhà anh Lở bị chết 3 con trâu.. Ảnh: Đình Việt-báo Danviet.
Với nông dân Sa Pa, con trâu là sản nghiệp quý, do vậy nỗi xót xa khi trâu chết khó có thể nguôi ngoai. Mặc dù gia đình anh Sừ đã có nhiều biện pháp chống rét cho đàn trâu, nhưng sức đề kháng của con trâu này không tốt nên ngay khi bước vào đợt rét đậm, nó đã không thể qua khỏi.
Trong khi đó, ở thôn Chu Lìn 2, chị Lý Lở Mẩy cũng vừa trải qua cuộc mặc cả với thương lái mua trâu. Gia đình không có người mổ trâu bị chết để bán thịt nên đành gọi thương lái vào mua. Thương lái trả giá quá rẻ, dù không muốn, chị Lý Lở Mẩy vẫn phải bán. Cả con trâu chưa được 10 triệu đồng. Chị Mẩy cho biết: “Năm nay coi như mất tết, với nhà tôi con trâu này đã gắn bó với gia đình mấy năm, giúp chúng tôi làm nương, cày ruộng. Tiền bán trâu lại phải vay thêm mới mua được con trâu mới”.
Trâu, nghé chết rét trong 2 đợt rét khủng khiếp đầu năm 2018 được người dân địa phương ở huyện Sa Pa làm thịt, bán dọc đường cố vớt vát được đồng nào hay đồng nấy. Ảnh: Báo Lào Cai.
Trong vụ rét đông xuân này, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, toàn huyện có 268 con trâu chết, trong đó có 8 con nghé; riêng đợt rét tăng cường từ ngày 30/1 – 31/1, đã chết 13 con trâu. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa cho biết, trong các đợt rét, ngành nông nghiệp luôn chỉ đạo các xã tuyên truyền nông dân có giải pháp chống rét cho gia súc, dự trữ thức ăn, chủ động đưa đàn trâu về vùng ấm hơn để tránh rét.
Một số nông dân khác đã di cư đàn trâu cùng cả gia đình về khu vực giáp ranh giữa xã Tòng Sành và Cốc San (Bát Xát), nơi có thời tiết ấm hơn, mặt bằng rộng rãi có thể dựng lán và quây chuồng cho trâu với mục tiêu bảo vệ sự an toàn cho đàn gia súc qua đợt rét đậm, rét hại tăng cường đầu năm 2018.
Gia đình chị Má Thị Mùa, thôn Giàng Tra, xã Sa Pả phải di cư về Tòng Sành để bảo vệ đàn gia súc.
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, các cấp chính quyền tuyên truyền nâng cao nhận thức, cùng với sự chủ động của người dân hơn nữa bảo vệ “cơ nghiệp”, sẽ hạn chế thiệt hại trong những ngày giá rét, để nước mắt người nuôi trâu không còn phải rơi thêm.