Dân Việt

Lạnh run lập cập, nông dân vẫn "nghiến răng" xuống đồng cấy lúa

Lê Tập - Mỹ Hà 04/02/2018 13:55 GMT+7
Mặc dù nhiệt độ những ngày qua xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, song hàng ngàn nông dân xứ Nghệ vẫn phải xuống đồng gieo cấy vụ Đông Xuân 2018 cho kịp thời vụ.

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, những ngày giá rét này tại các cánh đồng ở huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… (tỉnh Nghệ An), nông dân vẫn xuống đồng mặc dù nghành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nhổ mạ, gieo cấy.

img

Nông dân Nghệ An xuống đồng gieo cấy lúa xuân trong thời tiết rét đậm, rét hại dưới 10 độ C. Ảnh: Lê Tập

Chị Nguyễn Thị Hoa (huyện Hưng Nguyên) cho biết: “Theo lịch thời vụ, bà con nông dân đã phải bắt đầu xuống đồng gieo cấy, nhưng thời điểm xuống mạ lại gặp đợt rét đậm, rét hại nên việc gieo cấy gặp rất nhiều khó khăn. Biết là giá rét, mặc dù cấp trên khuyến cáo nhiệt độ giảm thấp không nên ra đồng, nhưng do cây mạ đã quá ngày tuổi, nếu để lâu mạ già đi sẽ ảnh hưởng đến năng suất”.

Bà Hà Thị Dần (thôn 11, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Do gia đình tôi ít ruộng, lại có lịch thời vụ sớm hơn các xã lân cận nên năm nào cấy xong ruộng cho gia đình, tôi cũng tranh thủ đi cấy thuê cho ai có nhu cầu. Công việc cấy lúa khá vất vả vì cả ngày phải cúi lưng, ngâm tay chân trong bùn, nhất là những ngày lạnh như này. Tuy nhiên, bù lại là tiền công khá cao (200.000 đồng/ngày). Sau vụ cấy, tôi cũng để dành được một ít”.

img

Nhiều nông dân tranh thủ đi cấy thuê. Ảnh: Mỹ Hà

Bà Lương Thị Thủy (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) nói: “Nhiều năm nay, vụ cấy nào tôi cũng tranh thủ làm xong ruộng của nhà để đi cấy thuê tại các xã lân cận. Tổ cấy của tôi có 7 người, thường thì các chủ ruộng đã quen nên tới mùa vụ là gọi điện, hẹn ngày đến cấy. Người nọ giới thiệu cho người kia, những ngày cao điểm tổ cấy làm không hết việc. Mùa vụ cấy thuê chỉ diễn ra trong thời gian ngắn từ 15 - 20 ngày nhưng tiền công khá cao, xong vụ cấy mỗi người kiếm một khoản tiền kha khá để lo cho Tết đang cận kề.”

img

Rét thấu da thịt, bà Lương Thị Thuỷ vẫn tranh thủ đi cấy thuê để có thêm khoản tiền chi tiêu cho dịp tết Mậu Tuất. Ảnh: Mỹ Hà

Còn chị Nguyễn Thị Hương (ở huyện Diễn Châu) đã trang bị nhiều áo ấm, đi ủng, đeo găng tay nhưng vẫn run lẩy bẩy vì trời quá lạnh. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hương chia sẻ: “Chúng tôi vẫn biết trời rét, nhiệt độ xuống thấp, nhưng cũng phải ra đồng cấy cho kịp thời vụ, phải lo việc đồng áng xong mới ăn tết ngon được. Cấy xong, nhưng chúng tôi cũng lo lúa chết. Hy vọng, mấy ngày tới nhiệt độ ấm lên, giúp lúa phát triển thuận lợi”.  

img

Nông dân Nghệ An xuống đồng chuẩn bị cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Lê Tập

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Toàn huyện Hưng cơ cấu đến 70% diện tích lúa thuần (trong đó, có 60% là lúa thuần chất lượng cao. Các giống lúa thuần chủ yếu được sử dụng là Thiên ưu 8, VTNA2, SV 181, Bắc thơm số 9, VTNA6). So với mọi năm, nhiệt độ năm nay xuống thấp, huyện cũng quyết liệt chỉ đạo và diện tích gieo mạ cấy đạt khoảng 80%. Huyện đã trích kinh phí hỗ trợ 50% giá ni lông, tỉnh hỗ trợ 100% giá thuốc xử lý hạt giống, phun tiễn chân mạ.”

Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An khuyến cáo, trời rét sâu nông dân không nên cấy lúa nhưng nông dân tại nhiều xã do tâm lý muốn khép kín vụ xuân trước tết và mạ quá ngày tuổi nên bà con vẫn đánh liều xuống đồng cấy lúa.