Dân Việt

Trồng lúa cho hợp tác xã, xã viên biết lãi từ khi ký hợp đồng

Đức Thịnh 05/02/2018 18:14 GMT+7
Với phương châm đảm bảo thu nhập cho nông dân, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn ở xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn, An Giang) đang dần khẳng định tính ưu việt của mô hình HTX kiểu mới mà nông dân mong muốn. Đặc biệt, HTX chuyên trồng lúa Nhật, đầu tư sản xuất và thu mua sản phẩm theo hợp đồng.

Trồng lúa GlobalGAP, Organic

Trước đây, nông dân Nguyễn Thành An (Hai Tân) nổi tiếng là “vua dưa hấu” ở vùng đất phèn Tân Tuyến (Tri Tôn), thì hiện nay nhiều người biết đến ông với chức danh mới: Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn.

HTX thành lập vào tháng 5.2016 trên nền tảng Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật (do ông Hai Tân làm tổ trưởng) hoạt động khá hiệu quả trong thời gian dài.

img

Từ khi ký hợp đồng sản xuất lúa với HTX Vinacam Tri Tôn, nông dân sẽ biết ngay mức lãi mỗi ha là bao nhiêu, không phải phập phồng lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: I.T

“Với phương châm là đảm bảo thu nhập cho nông dân, HTX đang dần khẳng định tính ưu việt của mô hình HTX kiểu mới mà nông dân mong muốn. Hiện, HTX đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là 2 khâu chính trong sản xuất lúa và HTX sẽ cố gắng duy trì ổn định, đảm bảo có lợi để nông dân yên tâm ký hợp đồng” - ông Hai Tân cho biết.

Theo ông Tân, bản hợp đồng sẽ đưa ra giá mua và ổn định suốt vụ. Với cách thức trên, Vinacam Tri Tôn đã phần nào đáp ứng được mong muốn của bà con nông dân. Cụ thể, khi ký hợp đồng nông dân sẽ biết ngay mức lãi mỗi ha là bao nhiêu, không phải phập phồng lo tìm đầu ra cho sản phẩm; phần còn lại là chăm lo sản xuất, thực hiện đúng điều khoản quy định.

img

 Ký hợp đồng liên kết với HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn, xã viên được “mua tại ruộng, bán tại đồng” giống lúa Nhật.  Ảnh: TL

HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn đang từng bước nâng dần chất lượng canh tác từ mô hình GlobalGAP 500ha đang triển khai lên thành Organic theo chuẩn hữu cơ đã xác định. Đối với diện tích chuyển đổi sang canh tác hữu cơ Organic, được thu mua giá cao hơn 10% so với mô hình thông thường trong quá trình chuyển đổi.

Ông Tân cho biết, hiện  HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn đã ký hợp đồng bao tiêu với 149 hộ nông dân xuống giống lúa Nhật DS1 với diện tích hơn 2.000ha, dự kiến sản lượng khoảng 20.000 tấn tại các xã Tân Tuyến (Tri Tôn), Vĩnh Nhuận (Châu Thành) và một phần thuộc huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

Bên cạnh đó, HTX sẽ từng bước nâng dần chất lượng canh tác, theo đó 500ha lúa đang sản xuất theo quy trình GlobalGAP sẽ được nâng dần lên theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ).

“Đối với những cánh đồng áp dụng thành công tiêu chuẩn GlobalGAP (có giấy chứng nhận), HTX thu mua giá cao hơn 10% so giá thông thường. Đối với diện tích chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, giá thu mua cũng cao hơn 10% so với mô hình thông thường trong quá trình chuyển đổi” - ông Hai Tân cho biết.

Nông dân được lo A-Z

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn được xem là đơn vị có trụ sở rộng, đẹp, tổ chức bài bản nhất ở huyện Tri Tôn. Ông Hai Tân cho biết, cùng với văn phòng làm việc có đầy đủ Ban giám đốc, kế toán, thủ quỹ, nhân viên…, tại trụ sở HTX còn có siêu thị vật tư nông nghiệp, chuyên cung ứng phân bón, thuốc BVTV cho bà con.

“Điểm hấp dẫn khi nông dân tham gia vào HTX Vinacam Tri Tôn là được chăm lo từ A –Z. Theo đó, về đầu ra, xã viên không phải lo vì đã HTX đứng ra bao tiêu, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhằm giảm giá thành thấp nhất, tăng hiệu quả cao nhất… Còn về cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, xã viên được mua phân bón uy tín với giá đại lý cấp I, bán ưu đãi công nợ 4 tháng. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng hơn 300 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm cho xã viên” - ông Hai Tân cho hay.

Chia sẻ về những lợi ích khi tham gia vào HTX, anh Nguyễn Văn Thành - xã viên HTX Vinacam Tri Tôn cho biết: “Lúc trước, khi còn là thành viên của tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, việc sản xuất của tôi nói riêng cũng như các anh em trong tổ hợp tác sản xuất không được thuận tiện và được nhiều lợi thế như bây giờ. Nông dân chúng tôi được HTX cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV không tính lãi suất và được cho nợ tới mùa nên chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, chúng tôi được HTX cung ứng các giống, phân bón giá cấp 1 của công ty nên giá thành mua rẻ hơn so với việc mua ở các đại lý phân phối. Đồng thời, mỗi xã viên sẽ được HTX cho ứng trước 500.000 đồng/công để đầu tư khâu cày, xới, trục đất. Điều quan trọng hơn hết, tôi thấy HTX đã làm tốt vai trò đảm bảo đầu ra cho nông dân thông qua gắn kết bằng hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty Vinacam”.