Dân Việt

Thực phẩm tết: Hết hồn chả lụa, giò thủ làm từ thịt bẩn ào ra chợ

Thuận Hải 05/02/2018 18:20 GMT+7
Khi cơ quan chức năng ập vào một cơ sở sản xuất giò thủ, chả lụa ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) thì phát hiện gần 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc đang chuẩn bị chế biến…

Cuối năm là dịp các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn “tung hoành” đến tận các chợ lớn, chợ nhỏ, len lỏi vào bữa ăn của nhiều gia đình. Các sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn trong dịp tết như chả giò, giò thủ, lạp xưởng, xúc xích… nhưng cũng là mối nghi trong việc sử dụng các nguyên liệu không an toàn.

Theo thông tin từ UBND TP.HCM, chỉ riêng trong tháng 1.2018, cơ quan chức năng đã ban hành 23 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền xử phạt gần 300 triệu đồng. Gần đây nhất, khi lực lượng chức năng TP.HCM khi tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất chả lụa, giò thủ tại huyện Hóc Môn đã phát hiện gần 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ chứa trong 2 container đông lạnh.

Số sản phẩm này, đã được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời trước khi được đưa vào chế biến. Hiện tại, các bên đang chờ kết quả kiểm nghiệm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với lô hàng này.

Trước đó, ngày 23.1.2018, lực lượng chức năng TP.HCM cũng phát hiện gần 4 tấn thịt heo được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, thiếu kệ pallet kê cao thực phẩm tại Công ty TNHH chế biến nông sản Chánh Hưng (ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Lô hàng thịt heo này sau đó đã được tiêu hủy.

img

Cơ sở sơ chế lòng heo trên nền nhà vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt. Ảnh tư liệu.

Tại quận 12, một lô lòng heo gần 2,3 tấn không rõ nguồn gốc, xuất xứ của một cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật cũng được Đội Quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện 12, Hóc Môn và Củ Chi phát hiện, xử lý.

Tại đây, lòng heo được bỏ dưới nền đất dơ bẩn hòa lẫn với phân, đất rất mất vệ sinh. 3 công nhân dùng chân giẫm đạp trực tiếp lên lòng heo bỏ dưới sàn; 2 công nhân còn lại đứng trên kệ sơ chế lòng heo và xả nước bẩn xuống sàn, nơi đang bày rất nhiều lòng heo chuẩn bị sơ chế.

Theo chủ cơ sở này, số lòng heo được tẩy trắng, hấp chín và bán lại cho các quán ăn với giá 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số lòng heo này được cấp đông và xuất bán sang Trung Quốc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP TP.HCM cho biết, quan điểm của Ban Quản lý ATTP TP.HCM là đặt sức khỏe người người tiêu dùng lên trên hết. Do đó, để đảm bảo công tác quản lý ATTP trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã thành lập 12 đoàn thanh, kiểm tra, phối hợp với thanh kiểm tra liên ngành tại các quận, huyện để dẹp bỏ thực phẩm bẩn.

img

Lo ngại thực phẩm bẩn, người dân TP.HCM tìm đến các chợ phiên thực phẩm do cơ quan chức năng tổ chức để sắm tết. Ảnh: Thuận Hải.

Trong trường hợp phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh, cơ quan chức năng sẽ “phạt nặng” thay vì “du di”, nhân nhượng khiến các đối tượng liên tục tái phạm.

Bên cạnh đó, TP.HCM tích cực xây dựng và giới thiệu các chuỗi thực phẩm sạch đến cho người tiêu dùng, tổ chức phiên chợ quảng bá sản phẩm an toàn cho người dân ăn tết… Riêng trong tháng 1 vừa qua, TP.HCM tổ chức cấp 608 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký 42 Bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở dịch vụ ăn uống…

“Có những vụ vi phạm ATTP nhưng cơ quan chức năng khó xử phạt vì vướng các quy định pháp luật, hoặc pháp luật chưa nghiêm. Tuy nhiên, TP.HCM ủng hộ quan điểm xử phạt kịch khung để nâng cao tính răn đe”, bà Lan nói.