GDP quý I.2017 chỉ đạt 5,15% nhưng tăng trưởng mạnh mẽ trong các quý II, III, IV năm 2017 (Ảnh: Zing)
GDP quý I thấp do trùng với dịp nghỉ lễ, Tết cổ truyền
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về vấn đề nợ công, ODA và biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế, văn bản cho biết, tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo có nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I bị ảnh hưởng nhiều do trùng với dịp nghỉ lễ, Tết cổ truyền.
Các hoạt động sản xuất (cả công nghiệp và nông nghiệp), kinh doanh, xây dựng, đầu tư, tín dụng thường không bắt đầu sôi động ngay vào đầu năm, chủ yếu tập trung vào quý IV cuối năm, là cơ hội để gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để phục vụ các dịp lễ Tết, đồng thời cũng là thời điểm kết thúc niên độ ngân sách của năm, nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trước khi bước sang năm mới.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2017 (Ảnh: I.T)
Tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt giữa các quý trong năm với mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế của năm đó. Với những năm có những biến chuyển kinh tế tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP cao thì sự khác biệt này là lớn hơn. Sự biến thiên giữa các quý của tốc độ tăng GDP cũng phù hợp với sự thay đổi theo chu kỳ của các yếu tố khác như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đầu tư, xuất nhập khẩu...
Tốc độ tăng trưởng GDP là chỉ tiêu kết quả, chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế. Hiện tượng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm, nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá là phản ánh đúng chu kỳ và mùa vụ trong tăng trưởng của năm.
Qua tổng hợp cho thấy, cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP quý I chiếm khoảng 18%; quý II chiếm 24%; quý III chiếm 26% và quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP cả năm. Quý IV có tỷ trọng lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất quyết định kết quả tăng trưởng của cả năm.
Việc tính toán GDP theo quý là nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm. Để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thì cần đánh giá cả năm, trung hạn và dài hạn.
4 tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam
Theo Thủ tướng, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2017, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức (Ảnh minh họa)
Đầu tiên, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm; việc triển khai cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ chưa đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, giải pháp đã được đề ra nhưng cách thức tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện. Cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều vướng mắc, trở ngại; cơ cấu lại nông nghiệp tuy đạt được kết quả bước đầu nhưng kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, tích tụ đất đai đã có chủ trương nhưng chuyển biến chậm, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp chưa hiệu quả, mô hình nông nghiệp hiệu quả cao chưa được quan tâm có thể dẫn tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo phong trào, tạo dư thừa cung sản phẩm nông nghiệp,... Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định rõ ràng về cơ quan chịu trách nhiệm trong thực hiện, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu; chậm đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm.
Thứ hai, chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã có cải thiện một bước nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 33,42%, cao hơn so với năm 2016; hệ số ICOR tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Thứ ba, vấn đề giới hạn của nợ công, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... đã làm hạn chế và thu hẹp không gian chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, không còn dư địa để áp dụng; các chính sách, giải pháp mới về thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng đáp ứng về nguồn lực gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ tư, trong các lĩnh vực sản xuất, công tác thị trường và dự báo cung cầu nông sản còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro. Các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến vẫn chậm phát triển; mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn ở mức thấp do ngành khai khoáng sụt giảm; một số sản phẩm công nghiệp khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, gặp khó khăn về giá cả, chất lượng hàng hóa. Sản xuất và xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.