Dân Việt

Thủy điện giữ nước, dân kêu trời

22/01/2013 09:26 GMT+7
(Dân Việt) - Mùa mưa 2012, Phú Yên không có lũ lụt lớn, lượng mưa ít hơn mọi năm. Đỡ phải phàn nàn thủy điện xả “ẩu” nhưng mưa ít đã làm cho thủy điện… thiếu nước, phải tích trữ “phòng thân”, làm cho vùng hạ du hạn hán nẻ đồng.

Cam kết… ngon ơ

Ngày 17.12.2012, để đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân 2012-2013 và vụ hè thu 2013, tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp về kế hoạch sử dụng nước và phối hợp vận hành, điều tiết của các thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh (có đại diện của 2 thủy điện này).

img
Người dân ở Hòa Trị bên những chân ruộng khô hạn do thiếu nước, ảnh chụp chiều 21.1.

Cuộc họp đã thống nhất ký cam kết: “Đối với Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo nước phục vụ sản xuất cho hạ du. Chạy máy điện hoặc xả nước khoảng 14 giờ liên tục trong ngày và bắt đầu từ 3 giờ sáng để đảm bảo lưu lượng theo lịch lấy nước của các trạm bơm huyện Sơn Hòa; riêng đối với các công trình sử dụng nước phía lòng hồ thủy điện, nếu không đủ nước đề nghị tổ chức bơm mực nước chết để chống hạn (hiện tại lưu lượng về hồ dưới 25m3/s, chỉ đảm bảo chạy phát điện tối đa 5 giờ/ngày).

Đối với Nhà máy Thủy điện Sông Hinh, yêu cầu sớm xây dựng quy trình vận hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ chạy phát điện liên tục hoặc xả nước để đảm bảo lưu lượng ít nhất 40 m3/s cho hệ thống thủy nông Đồng Cam và đảm bảo nước tưới cho diện tích tưới của công trình sử dụng nước sau Nhà máy Thủy điện Sông Hinh.

Nếu 2 bên không thống nhất thì mỗi bên phải xả 20m3/s; khi cần thiết các hồ phải sử dụng mực nước chết để xả”.

Cầu cứu Trung ương...

Đã ký cam kết hẳn hoi, thế nhưng ngày 2.1.2013, UBND tỉnh Phú Yên đành phải có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hồ thủy điện quốc gia khẩn cấp can thiệp chỉ đạo Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ và Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phải thực hiện việc chạy máy điện hoặc xả nước như đã cam kết, để lượng nước về hạ lưu đảm bảo phục vụ sản xuất.

Trước đó, trong tháng 12.2012, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Công Thương và Sở NNPTNT tỉnh phối hợp tiến hành kiểm tra mực nước, xả nước chạy máy của các nhà máy thủy điện có ảnh hưởng đến mực nước ở đầu mối đập Đồng Cam để đề xuất hướng xử lý.

Ông Vương Tấn An- Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết: Đồng Cam là một công trình thủy nông vào loại lớn của cả nước, mỗi năm đảm bảo nước tưới trên 31.000ha lúa hai vụ của vựa lúa lớn nhất miền Trung, gồm các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP.Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên.

Tuy nhiên, những năm gần đây do lượng nước tại đầu mối đập Đồng Cam và bể hút của các trạm bơm trên lưu vực sông Ba thường xuyên giảm, khiến công tác cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn. Theo ông An, lượng mưa năm nay trên địa bàn Phú Yên rất thấp nên các thủy điện trên sông Ba chỉ trữ được lượng nước bằng 30-40% so với mọi năm nên các thủy điện phải chạy cầm chừng vì sợ thiếu nước chạy máy để bán điện; cam kết là cam kết vậy nhưng các thủy điện luôn có “luật” vận hành riêng…

Ông Đoàn Văn Tho - Trưởng trạm Thủy nông Kênh Bắc (Công ty Đồng Cam) cho biết: Khoảng 1 tháng nay, mực nước đo được tại đập đầu mối kênh Bắc luôn chỉ đạt dưới 2m, trong lúc mực nước thiết kế là 2,4m và tình trạng nước âm tràn, khô kiệt nguồn chảy đang diễn ra ngày một căng thẳng hơn. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì vụ lúa đông xuân 2012-2013 sẽ bị khô hạn nặng.

Theo ông Lê Chí Trọng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên, đã nhiều lần các nhà máy thủy điện không tuân thủ theo quy trình vận hành, lượng nước về đập liên tục xuống thấp gây thiếu nước vùng hạ du, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Nhiều vụ sản xuất lúa vừa qua của tỉnh đã bị thiếu nước trầm trọng.

Khổ nông dân lắm!

Đang cấy giặm mảnh ruộng bị chuột cắn phá, bà Lê Thị Mãi (ở xã Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên) nói: “Nước mới về đủ khoảng 3 ngày nay, trong lúc ruộng tôi đã sạ khoảng 20 ngày, sém chút nữa bị khô cháy. Chưa bao giờ thấy nước về “cà giựt, cà giựt” như thế này! Giờ mà không bị lũ lụt thì gánh nạn chuột cắn và… thủy điện “hớt” nước!”. Ông Phạm Tấn Phong (ở Hòa An, Phú Hòa) cho hay: “Tui không “chụp” thủy điện nhưng thấy cứ “mưa là xả, nắng là giữ” kiểu này làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tự nhiên của dòng sông Ba và đập thủy nông Đồng Cam bao đời nuôi sống nông dân trên vựa lúa này. Cơ quan chức năng phải làm sao để thủy điện “biết nghe”, chớ không thì khổ cho nông dân lắm!”.

Bà Phạm Thị Loan (ở xã Hòa Phong, Tây Hòa, Phú Yên) bức xúc: “Thủy điện làm ăn kiểu này thì bà con nông dân làm sao sống nổi! Mùa mưa thì tha hồ xả lũ như “châm dầu vào lửa” cảnh ngập lụt, mùa nắng thì tích giữ nước lại chắc sợ thiếu nước chạy máy? Nếu thủy điện không xả nước thì lúa của bà con sẽ chết cháy, mất mùa là cái chắc…!".

Riêng ông Đặng Văn Tuần- Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ thì sáng 21.1 khi PV NTNN liên hệ làm việc đã trả lời “bận họp” và đẩy xuống cấp dưới tiếp chuyện. Thế nhưng tất cả đều “đẩy qua, đẩy lại”, không ai chịu cung cấp gì(?!)

Việc gây khó của thủy điện đối với sản xuất nông nghiệp đã được đề cập, kiến nghị rất nhiều lần. Thế nhưng không hiểu sao… đến hẹn lại lên?!

Yêu cầu các hồ thủy điện tăng xả nước

Chiều qua (21.1), trao đổi với NTNN, ông Phạm Duy Hiển- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: "Mùa hạn năm nay dự báo sẽ diễn ra nghiêm trọng nhất trong vòng 20-30 năm lại đây. Nguyên nhân là do ảnh ảnh hưởng của hiện tượng Enlo, mà biểu hiện là lượng mưa giảm mạng trong những tháng vừa qua". Theo ông Hiển, hạn hán sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước, song nặng nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Riêng khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ còn chịu thêm hiện tượng nước mặn xâm nhập. Ông Hiển cho biết, trước mắt để ứng phó với tình trạng hạn hán, Bộ NNPTNT đã có nhiều công văn, chỉ thị về vấn đề này. Cụ thể, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ đã yêu cầu các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên như A Vương, Sông Hinh, Mỹ Sơn, Ialy, Thủy điện Sông Ba Hạ… tăng cường xả nước cho hạ lưu để phục vụ nước tưới cho nông nghiệp. Ngoài ra, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc khung thời vụ để tập trung lấy nước có hiệu quả.