Người thai nghén giống cam sành không hạt
Sau hàng chục năm lăn lộn với nghề nông, bao nhiêu cực nhọc ông đều đã nếm trải, những năm tháng miệt mài với cây rừng, ông đã gặt hái được những trái ngọt. Ở tuổi 63, doanh thu mỗi năm 20 tỷ từ mô hình vườn - rừng, đáng ra ông đã có thể yên tâm nghỉ ngơi vui vầy với con cháu. Tuy nhiên ông vẫn không cảm thấy thỏa mãn, ông đau đáu với giấc mơ làm thế nào để tạo ra giống cam sành không hạt để đưa cam Hàm Yên vươn ra thế giới. Ông là Đoàn Xuân An - nông dân xuất sắc của tỉnh Tuyên Quang, là một trong những gương mặt nông dân tiêu biểu của 30 năm thời kỳ đổi mới thuộc chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, mỗi năm gia đình ông An thu về trên 20 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 800 triệu đồng/năm. Ảnh: Đình Thắng
Đưa chúng tôi đi tham quan đồi cam sành của gia đình, trò chuyện về giống cam quê nhà, ông An nói không ngừng nghỉ, ông hào hứng kể: “Cam sành là một sản phẩm lâu đời đặc trưng của vùng đất Hàm Yên, trong đó sớm nhất là trên đất Phù Lưu. Người dân ở đây thường quen gọi là cam làng Mường. Theo các cụ già trong làng kể lại, giống cam sành này được trồng từ rất lâu đời. Vào khoảng năm 1890, hai người dân tộc trong lúc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường đã nhìn thấy một loại cây có gai nhọn, lá thơm, có một số quả đã chín vàng. Hái ăn thử thấy có mùi vị ngon và thơm mát họ bèn mang hạt về trồng ở vườn nhà. Từ đó, mọi người truyền nhau xin giống mang về nhà trồng, phát triển thành những trang trại cam rộng lớn như ngày nay.
Tiếng thơm lan xa, rất nhiều người dân nơi khác đã đến lấy giống về trồng nhưng chỉ cam trồng ở Hàm Yên mới cho chất lượng ngon hơn cả. Ngày nay, những vườn cam đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Hàm Yên, nhiều vườn cam có doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm”. Trong những năm qua, cam sành đã xuất hiện ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, giống cam này đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Metro, BigC, Co.op mart, Fivimart, Wimart, Hapro. Cam sành Hàm Yên trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lọt top 50, rồi top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam. Tuy nhiên kể từ khi ông được xuất ngoại, được đi đây đi đó tìm hiểu về nền nông nghiệp các nước khác, ông đã ấp ủ trong mình một khát vọng, hoài bão lớn lao hơn, đó là làm thế nào để loại quả này có thể vươn ra thế giới.
Ý tưởng đó hình thành trong ông từ chuyến đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp ở Hàn Quốc đầu năm 2017. “Tôi đi chuyến này với tham vọng tìm đầu ra cho cam sành Hàm Yên. Khi đến đại sứ quán của họ, tôi mới biết thông tin Hàn Quốc chỉ nhập cam không hạt. Nắm bắt được nhu cầu của nước bạn, sau khi đi Hàn Quốc về, tôi nảy sinh ý nghĩ, các nước khác sản xuất được giống cam không hạt, thì mình không có lý do gì không làm được. Từ đó tôi đã trăn trở rất nhiều về giống cam sành không hạt Hàm Yên. Rồi tôi phác thảo ý tưởng, lập kế hoạch xây dựng đề án làm giống cam sành không hạt Hàm Yên.
Hiện nay tôi đang chuẩn bị xây dựng vườn ươm, đưa vào thử nghiệm. Đề án cam sành không hạt của tôi đã được tỉnh Tuyên Quang thông qua, tôi đang chờ kết quả của hội đồng thẩm định thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ, khi mọi thủ tục xong xuôi tôi sẽ bắt tay vào thực hiện ngay” – ông An tâm sự.
Hiện thực giấc mơđưa cam xuất ngoại
Lão nông Đoàn Xuân An từ Ninh Bình lên huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1963. Sau khi lập gia đình, 2 vợ chồng ông xin vào làm công nhân Lâm trường Hàm Yên. Đến năm 1991, sau khi về nghỉ theo chế độ 176, ông dành toàn vẹn thời gian để trồng rừng.
Cam sành cũng là giống cây trồng đưa gia đình tôi từ nghèo khó vươn lên giàu có như hiện nay. Chính vì vậy, đã từ lâu tôi có mơ ước làm sao để thương hiệu cam sành quê hương được nhiều người biết đến và sử dụngNông dân Đoàn Xuân An |
Từ diện tích rừng có được, ông An đã quy hoạch bài bản từng vùng đất trồng, ở đồi cao ông chọn trồng keo, mỡ, bồ đề; khu vực thấp ông trồng cam; đất bằng phẳng hơn ông cho người dựng cột bê tông trồng thanh long ruột đỏ. Với sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi cộng với kiến thức lâm nghiệp sẵn có, ông An đã xây dựng thành công mô hình vườn - rừng. Khi gỗ vừa đến tuổi khai thác, ông trồng ngay cây mới.
Tích lũy được vốn từ việc trồng rừng, ông lại mua thêm đất của dân, diện tích rừng hiện nay của gia đình ông đã hơn 51 ha với đủ các loại cây trồng trù phú từ cây rừng sản xuất cho đến vườn cây ăn trái. Với sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi cộng với kiến thức lâm nghiệp sẵn có, ông An đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại trồng rừng. Bên cạnh trồng rừng ông đã đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Lương Tâm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Từ mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, duy trì hoạt động hiệu quả doanh nghiệp xây dựng, mỗi năm gia đình ông An thu về trên 20 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt trên 800 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở việc thu mua cam theo hướng có lợi cho người trồng, ông An đang đầu tư một vườn cam không hạt để dần thay thế giống cam truyền thống, nhằm hướng đến xuất khẩu. “Mong muốn của tôi là cam sành Hàm Yên sẽ được biết đến không chỉ nhiều hơn trong nước mà còn có thể xuất đi nước ngoài” - ông An chia sẻ.
Chứng kiến những gì ông An đang làm, chúng tôi thầm mong ông sớm thu được thành quả ngọt ngào nhằm giúp cho sản phẩm cam sành có chỗ đứng trên thị trường và trong tâm trí người tiêu dùng không chỉ trong nước mà dần dần hướng ra thị trường quốc tế.