Dân Việt

Thành công từ sự gắn kết trong dạy nghề ở Quảng Ninh

Thuỳ Anh 17/02/2018 10:00 GMT+7
Theo báo cáo từ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh trong năm 2017 tỉnh đã phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT. Nhờ nỗ lực này, năm 2017 đã có gần 35.000 lao động được đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm qua Quảng Ninh cũng đã tổ chức hội nghị “3 nhà” (nhà nước - nhà trường và nhà doanh nghiệp) về tuyển sinh đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

img

  Hoạt động dạy nghề phải phù hợp quy hoạch kinh tế địa phương.  Ảnh:  T.A  

Trong năm 2018, Quảng Ninh có kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề cho 35.000 người, trong đó hệ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 5.000 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 28.500 người; dạy nghề cho LĐNT 2.800 người”.

“Điển hình cho sự gắn kết là chương trình ký kết phối hợp giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh và các trường cao đẳng trên địa bàn trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động. Theo đó, các doanh nghiệp đã công bố cần tuyển dụng tới 421 vị trí việc làm trong quý III.2018 và cũng đề ra kế hoạch tuyển dụng trong quý IV và năm 2018” – ông Sơn nói.

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã dạy nghề cho 34.400 người (ước đạt 104,24% kế hoạch năm). Trong đó, tuyển sinh cao đẳng 1.900 người, ước đạt 380% kế hoạch; trung cấp 3.500 người, đạt 70% kế hoạch; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 29.000 người, đạt 105,45% kế hoạch, trong đó dạy nghề cho LĐNT 2.550 người (ước đạt 98,07% kế hoạch năm). Ngoài ra, tuyển sinh đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 9.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52,5%.

Mặc dù có sự liên kết nhưng công tác phối hợp dạy nghề của Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế. Vẫn còn đơn vị chưa làm tốt khâu kết nối giải quyết việc làm cho học viên, nhất là với học viên học nghề theo chương trình dạy nghề cho LĐNT. Thêm vào đó, chính quyền cũng chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp nhận LĐNT sau học nghề vào làm việc.

Tỉnh xác định chỉ tổ chức dạy nghề cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.