Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch.
Thưa Đại sứ, công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam, là người có nhiều đóng góp cho những hoạt động ngoại giao kinh tế, xin Đại sứ chia sẻ đôi chút về công việc này?
- Tôi mới chỉ có đóng góp nhỏ nhoi vào hoạt động ngoại giao kinh tế thôi. Trước kia nói đến ngoại giao thường chỉ chú trọng đến vấn đề quan hệ chính trị, giải quyết các vấn đề chính trị, nhưng từ giữa những năm 1990, khi nhu cầu đóng góp vào phát triển kinh tế ngày một lớn, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa nội dung kinh tế vào các hoạt động ngoại giao, coi đây là một trong các trọng tâm, trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Công tác hàng năm của các đại sứ quán (ĐSQ) cũng được đánh giá bằng việc tham gia vào thúc đẩy các hoạt động kinh tế, như thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, và ngay cả thúc đẩy hợp tác lao động…
Gạo là nông sản tiềm năng xuất khẩu vào Iran. Ảnh: S.T
Iran là thị trường nhiều tiềm năng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu, nhưng kết quả mang lại chưa cao. Vì sao vậy thưa Đại sứ?
Tiềm năng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Iran là rất lớn nhưng chúng ta chưa xuất khẩu được bao nhiêu. Lý do có cả chủ quan lẫn khách quan. Lấy ví dụ gạo, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, Iran là nước nhập khẩu thứ 3 thế giới, nhưng hai nước gần như không mua bán gạo của nhau. Để bán hàng bất cứ mặt hàng nào cũng đều phải rất kỳ công đi gặp khách hàng, thuyết phục khách hàng, nhưng ĐSQ chưa được đón làm việc với doanh nghiệp nào sang để tìm cách bán gạo (có thể có doanh nghiệp sang nhưng không làm việc với ĐSQ). ĐSQ chủ động xin mẫu gạo để giới thiệu nhưng cũng chưa có kết quả. Một khó khăn khác là người Iran thích loại gạo chúng ta không trồng. Bạn chủ yếu mua của Ấn Độ và Pakistan. ĐSQ đã kết nối để tỉnh Cần Thơ phối hợp với doanh nghiệp của Nhật trồng thử giống lúa Iran tại Việt Nam. Sau đó vì nhiều lý do, dự án này chưa triển khai được. ĐSQ rất tiếc là 3 năm trôi qua nhưng công việc không tiến triển là bao. Bạn cũng có những vấn đề của bạn, nhưng ta cũng chưa đủ quyết liệt, chưa có doanh nghiệp dám làm và quyết tâm làm. Gần đây, ĐSQ mới lấy được 20kg lúa giống đưa về Việt Nam trồng thử. Hy vọng sắp tới chúng ta sẽ có loại gạo hợp với khẩu vị của bạn, dễ xuất khẩu hơn.
Sắp tới chúng tôi được biết những công tơ nơ chuối và xoài, gừng đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Iran. Rất hi vọng là năm nay chúng ta sẽ xuất được các mặt hàng hoa quả mới sang Iran. Nước bạn có một chính sách hợp lý là cho phép các công ty xuất khẩu nông sản Iran được nhập khẩu nông sản từ ngoài vào. Đây là cơ chế hiệu quả vừa khuyến khích nông nghiệp trong nước, vừa tạo điều kiện để người dân có thể hưởng sản vật vùng khác với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Vì nếu cấm nhập sẽ chỉ tạo điều kiện cho buôn lậu và người tiêu dùng sẽ là người thiệt thòi. Nếu chúng ta cũng áp dụng cơ chế như vậy chúng ta có thể xuất khẩu nhiều nông sản Việt Nam như chuối, dứa, dừa, thanh long, vải… cho thị trường hơn 80 triệu dân, đỡ bị chèn ép như khi vào các thị trường khác và cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng Việt Nam mua được các nông sản Iran như táo, nho, chà là… với giá hợp lý hơn hiện nay trên thị trường Việt Nam.
Được biết, sắp tới đây chuối sẽ lần đầu tiên có mặt ở Iran. Việc xuất khẩu chuối sang Iran gặp những khó khăn gì, thưa Đại sứ?
- Đúng là vừa rồi ĐSQ đã giúp một doanh nghiệp Việt Nam thương thảo việc xuất khẩu lô chuối đầu tiên sang Iran. Iran mua chủ yếu của Philippines nhưng cũng muốn đa dạng nguồn cung cấp, tạo cơ hội cho chuối Việt Nam đặt chân vào Iran. ĐSQ luôn quan tâm theo dõi vụ thương thảo và khi được biết thương thảo không thành đã trực tiếp đưa phương án xử lý. Nhiều khi chỉ là tỉ lệ trả trước, trả sau. ĐSQ đề nghị phương án giữ thể diện cho cả hai là phần chênh lệch giữa hai kiến nghị của hai bên ĐSQ sẽ giữ hộ làm tin. Bên bán lúc đấy lại thấy không nhất thiết nên chấp nhận thông qua hợp đồng. Việc bán lô hàng đầu rất quan trọng để tạo ra quan hệ và lòng tin để tiếp tục các lô hàng sau.
Đại sứ có lời khuyên nào dành cho nông dân Việt Nam để cánh cửa xuất khẩu nông sản của họ được mở rộng hơn trong thời gian tới?
- Nông dân không tự đi bán mà phải bán cho các công ty thương mại. Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ với cả người nông dân và các công ty thương mại hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Người nông dân phải trả giá nhiều cho bài học trồng theo phong trào. Khi nguồn cung nhiều chắc chắn sẽ mất giá. Đừng đi theo phong trào, nên tìm mặt hàng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của mình. Thứ hai, hàng xuất khẩu chất lượng là tối quan trọng. Việc dùng thuốc cho năng suất hay tránh được sâu bệnh lại tiềm ẩn nguy cơ không xuất khẩu được. Chất lượng là vô cùng quan trọng.
Với các nhà xuất khẩu, thương mại, các bạn hãy đến với người mua, thuyết phục người mua. Hãy đầu tư tham gia các hội chợ, là nơi tốt nhất để quảng cáo hàng của mình. Việc mở thị trường mới bao giờ cũng khó khăn nhưng tương lai lại sẽ đền đáp. Trong các hoạt động thương mại đó, ĐSQ luôn luôn là chỗ dựa của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp cũng chính là công việc của ĐSQ.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Iran đạt 116,9 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất sang Iran 86,8 triệu USD và nhập khẩu từ Iran 30,1 triệu USD. Iran là thị trường lớn tại Trung Đông. Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực ASEAN. Hai nền kinh tế có thế mạnh riêng, có thể bổ sung lẫn nhau để hợp tác cùng phát triển. Iran có nhiều tiềm năng về năng lượng, hóa dầu, khai khoáng... còn Việt Nam có nhiều tiềm năng về nông nghiệp thủy sản. |