Vào hang đá tìm “người tiền sử”
Lên công tác ở xã miền núi Tân Trạch, nơi sinh sống của người A Rem, chúng tôi tình cờ nghe câu chuyện khó tin về đôi vợ chồng tuổi gần đất xa trời nhưng hàng chục năm qua vẫn sống kiếp người “tiền sử” trong hang đá giữa chốn thâm sơn Phong Nha – Kẻ Bàng. Câu chuyện ly kỳ tưởng như hoang đường của ông Đinh Nê và bà Y Rú đã khiến chúng tôi quyết tâm băng rừng lội suối để tìm gặp họ.
Hang đá nơi vợ ông ông Đinh Nê và bà Y Rú ở. Ảnh: P.P
"Vợ chồng ông Đinh Nê cũng có căn nhà ở bản do Nhà nước làm cho, nhưng hầu như không ở. Nhận nhà để đi về, để có chỗ đăng ký nhận gạo Nhà nước cho và các thứ hàng cứu trợ dịp tết lễ, giáp hạt, còn phần lớn ông ở trong hang đá này”. Ông Nguyễn Chí Sỹ |
Thuyết phục mãi, cuối cùng chúng tôi cũng được ông Nguyễn Chí Sỹ - Bí thư Đảng ủy và già làng Đinh Rầu của người A Rem đích thân dẫn vào vùng rừng Rục Đại Cáo, nơi có hang đá mà ông bà Đinh Nê và Y Rú đang ở. Từ trung tâm xã Tân Trạch vào Rục Đại Cáo ước chừng chưa đến 10km đường chim bay, nhưng chúng tôi phải mất hơn nửa ngày luồn rừng đi bộ. Đường đi khó, núi cao, dốc sâu, có những đoạn chúng tôi phải bám mình trên những núi đá dựng đứng để leo qua và chỉ sơ sẩy nhỏ là cũng có thể bị rơi xuống vực sâu…
Già làng Đinh Rầu cho biết, Rục Đại Cáo cũng chính là nơi mà người A Rem từng sinh sống trước khi được Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương vận động về sống định cư (năm 1959). Nơi đây có con suối lớn chảy từ bên Lào về, người ARem gọi là suối Cà Roòng. Dọc bờ suối có rất nhiều hang đá vẫn còn in đậm dấu tích cuộc sống xưa của người A Rem. Ngày đó, người Arem có cuộc sống của những người “tiền sử”, “ăn lông ở lỗ”, săn bắt hái lượm - như cuộc sống của vợ chồng Đinh Nê và Y Rú bây giờ.
Thế nhưng vợ chồng ông Đinh Nê và bà Y Rú không ở trong những hang đá cũ của người A Rem sát ngay bờ suối. Hang đá nơi họ ở nằm chót vót trên một ngọn núi đá vôi dựng đứng cách bờ suối hơn 200m…
Cuộc sống trong hang
Gần 2 giờ leo núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được “nhà” của vợ chồng ông Đinh Nê và bà Y Rú, nhưng ông bà không có nhà. Những người dẫn đường dự đoán chắc giờ này ông bà đang đi kiếm ăn đâu đó ở trong rừng, hay dưới suối.
Vợ chồng ông Đinh Nê và bà Y Rú. Ảnh: P.P
“Ngôi nhà” của vợ chồng Đinh Nê là một hang đá cao chừng 10m, sâu 4m. Trong hang đá ông Nê làm 2 cái sạp bằng nứa, một cái đặt sát mặt đất, gần bên bếp lửa là nơi để vợ chồng ông nằm ngủ, sinh hoạt… Cái sạp thứ hai ở tít trên cao, gần trần hang đá, có cầu thang lên xuống bằng gỗ, là nơi ông bà cất trữ lương thực thu hoạch được từ cái rẫy bên cạnh. Trong “nhà” của ông bà cũng đầy đủ mọi vật dụng thiết yếu, ít nhất là cho cuộc sống của họ, như: Cối chày, dao rựa, song nồi, thúng nẻn… Tất cả những dụng cụ đó đều chế tác thủ công.
Không gặp được vợ chồng ông, chúng tôi đành phải đợi. Cũng may, gần chiều tối thì vợ chồng ông Đinh Nê trở về. Thấy một đoàn khách lạ đến nhà, ông bà tỏ rỏ sự ngạc nhiên tột độ. May trong đoàn có những người A Rem uy tín như già làng Đinh Rầu nên hai ông bà mới tiếp chuyện chúng tôi. Hai ông bà tỏ ra rất thận trọng, rất kiệm lời khi trò chuyện với chúng tôi.
Ông Đinh Nê và bà Y Rú bảo rằng, vợ chồng bà thích ở rừng hơn ở ngoài bản; bởi ở rừng có nhiều cái tiện. Những cái tiện mà bà Y Rú đã liệt kê cho chúng tôi nghe, đó là: Rau rừng luôn có sẵn quanh nhà; cá, ốc thì bắt dưới suối; thịt thì ông Đinh Nê đã đặt hàng chục cái bẫy quanh nhà để bắt chuột núi. Ngoài ra, tuy sống trong hang đá, ông bà không chỉ trông chờ vào lương thực của Nhà nước cấp cho, mà vẫn làm cái rẫy ở bên cạnh có nguồn lương thực. Rẫy trồng nhiều loại cây như sắn, ngô, bí đỏ, chuối… là những thứ có thể nuôi sống ông bà trong những lúc thời tiết khắc nghiệt.
Còn những lúc thời tiết thuận tiện thì vợ chồng ông Nê chẳng bao giờ đói được, rừng già như người mẹ vĩ đại đã cung cấp những thứ thiết yếu nhất cho cuộc sống trong hang đá của hai vợ chồng. Ông Nê có lẽ là một trong những người ARem siêu phàm về kỹ năng tìm và lấy mật ong rừng. Những tổ ong rừng đóng cao chót vót trên những lèn đá, hay cây cổ thụ cũng chỉ là chuyện thường đối với ông Nê…
Lấy được mật ong, hay những sản vật khác của rừng, ông Nê lại cắt rừng ra bản nhờ con cháu bán và mua lấy muối, dầu... những thứ đồ dùng thiết yếu nhất mà rừng không có.
Mối tình “nối dây”
Chúng tôi gặng hỏi ông Đinh Nê và bà Y Rú sao không về bản mà sống với bà con, thì nhận được câu trả lời: “Ở rừng thích hơn, tiện hơn, yên tĩnh hơn”. Cái “tiện” trong cuộc sống ở rừng có lẽ là đói lúc nào thì “lấy” ăn lúc đó, tự do tự tại… Nhưng có một câu chuyện mà chỉ những người thân cận với vợ chồng ông Đinh Nê và bà Y Rú mới biết, ông Nguyễn Chí Sỹ là một người như vậy.
Gần 7 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, ông Sỹ được bà con người ARem kính trọng, tin tưởng bởi tình cảm mà ông dành cho họ cũng như người thân ruột thịt của mình. Nhiều năm qua, nhiều người ví ông Sỹ như một người “ăn xin vĩ đại” khi ông thường xuyên chạy ngược chạy xuôi lo cái ăn, cái mặc cho người A Rem.
Khi vào nhận nhiệm vụ ở Tân Trạch, hầu như tháng nào ông Sỹ cũng băng rừng vào hang đá để tìm vợ chồng ông Đinh Nê và bà Y Rú, khuyên họ trở về bản. Những lần như thế, vì nể ông Sỹ lắm, vợ chồng họ cũng chỉ về bản được dăm hôm, thường là những lần bầu cử hay bản làng có viêc hệ trọng. Dăm hôm sau thì ông bà lại lặng lẽ trở về hang. Nhiều lần ông Sỹ gặng hỏi, cuối cùng ông Nê đành nói thật nguyên nhân không thể về bản với ông Sỹ, đó là do vợ ông, bà Y Rú không thể sống ở bản lâu ngày được, cứ về bản là bà ấy ốm, nhưng về hang là bà ấy hết đau. Thương vợ, ông Đinh Nê đã ở lại hang đá cùng bà Y Rú…
Theo ông Sỹ, bà Y Rú hơn ông Đinh Nê phải đến chục tuổi. Trước đây, bà Rú vốn là vợ một người chú của ông Đinh Ne, nhưng chẳng may chồng qua đời sớm. Theo tục nối dây, bà Rú trở thành vợ của ông Nê. Tục nối dây của bản làng, của tộc người, bà Rú, ông Nê phải tuân theo. Nhưng sống ở bản làng, bà Rú cảm thấy không thoải mái khi lấy cháu làm chồng, nên bỏ vào hang đá sống. Ông Nê đi tìm và ở lại với bà Rú từ đó cho đến nay, dù hiện nay tục nối dây đã được người ARem xóa bỏ…