Trong một lần nói chuyện cùng người bạn thân có cùng sở thích, Phạm Minh Thành (hiện là giảng viên khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), người chưa từng có những kinh nghiệm leo núi trên những địa hình khắc nghiệt, đã quyết định mạo hiểm đến vùng đất tuyệt đẹp này.
“3 chàng ngự lâm” mê phiêu lưu
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi trekking (đi bộ khám phá). Để thực hiện được điều này, chúng tôi đều có ý thức chuẩn bị về sức khoẻ, kiến thức về nơi sẽ đến. Riêng Annapurna Circuit - cung đường huyền thoại của dân leo núi, chúng tôi thống nhất sẽ hướng tới 2 địa danh cần phải có mặt, đó là hồ Tillicho - hồ nước ngọt cao nhất thế giới và đèo Thorung Lapass” - Minh Thành kể lại với giọng đầy hào hứng sau một chuyến đi dài ngày, qua những cung đường mà anh miêu tả là “nghẹt thở”.
Đường đi ven vách núi, chỉ sẩy chân là rơi xuống vực sâu. Ảnh: P.M.T
Hồ Tilicho là một hồ thuộc huyện Manang của Nepal, nằm ở độ cao 4.719m trong núi Annapurna của dãy Himalaya, và được biết đến như là hồ ở độ cao lớn nhất trên thế giới. Theo Cục Khí tượng Thủy văn Nepal (2003), không có sinh vật dưới nước nào được ghi nhận trong hồ này. |
Thành kể, trong thời gian chuẩn bị, anh gặp thêm được một người bạn nữa có cùng sở thích, cũng muốn chinh phục và đến được 2 địa danh kia. Vậy là cả 3 đồng lòng, hồ hởi lên kế hoạch chi tiết.
Tất cả mọi đoàn tham gia cung đường Annapurna Circuit đều phải nghỉ tại Manang một ngày để làm quen và thích nghi với độ cao mới. Sau một ngày nghỉ ngơi và thăm quan xung quanh Manang, đoàn tiếp tục hành trình tới hồ Tilicho. Để tới hồ nước ngọt cao nhất thế giới này có nhiều cách đi nhưng nhóm của Thành chọn nghỉ đêm tại Tilicho Base Camp rồi sáng sớm hôm sau mới khởi hành tới hồ.
Theo lời Thành, để đi cung đường từ Manang tới Tilicho Base Camp, bạn sẽ phải trải qua 2 trạng thái nóng và lạnh. Một nửa đoạn đầu thời tiết nắng nóng, gió, đoàn di chuyển từng bước một, vượt qua các đoạn dốc ngắn dài hoặc cao thấp một cách mệt mỏi. Càng lên cao càng ít bóng cây xanh mà thay vào đó là cây bụi gai mọc lùm lùm sát mặt đất hoặc cao ngang người. Với những đường mòn nhỏ chỉ vừa một người đi, khi di chuyển qua những bụi cây gai cũng phải rất cẩn thận vì có thể bị gai đâm, xé rách quần áo hoặc vì mải lo tránh bụi gai mà trượt chân rơi xuống vực.
Khi qua cây cầu sắt bắc ngang núi là chuyển sang một vùng khí hậu khác: lạnh hơn, gió hơn, ít nắng hơn. Qua cầu, đoàn phải leo lên cao hơn. Việc thay đổi độ cao trong một ngày thường là 600-800m, nếu vượt qua giới hạn trên dễ dẫn tới việc “sốc độ cao”, gây mất ngủ, chân tay mỏi mệt.
Phạm Minh Thành và 2 bạn đồng hành bên miệng hồ Tilicho. Ảnh: N.V.C.C
Trong cùng hành trình còn có rất nhiều người từ mọi quốc gia. Thỉnh thoảng họ bắt gặp một vài du khách không gắng sức được, phải thuê ngựa chở lên hồ. Cảm giác chênh vênh trên lưng ngựa, một bên là sườn núi, một bên là vực, vô cùng đáng sợ. Giá đi ngựa lên hồ dao động khoảng 80-100USD/lượt. |
Bắt đầu qua cầu sắt, đoàn di chuyển lên cao hơn. Những con đường mòn như sợi chỉ khi nhìn từ xa. Vùng đá trượt này khi di chuyển rất cần sự tập trung, ngoài những khó khăn do thiên nhiên như gió, lạnh, độ loãng không khí bằng 1/2 so với Hà Nội thì những con đường nhìn như sợi chỉ quấn quanh thân núi kia là một trở ngại lớn về tâm lý. Đường nhỏ chỉ vừa một người đi, mặt đường đá dăm vụn, trơn trượt dễ làm người đi trượt chân, mà ngã là... xuống vực.
"Sau hơn nửa ngày di chuyển từ Manang tới đây, mọi người trong đoàn rất mỏi mệt về sức lực và tinh thần. Chúng tôi ngao ngán vượt qua nốt khoảng hơn 1km đường đá trượt này” - Thành nhớ lại.
Anh kể, chỉ cần một cơn gió to hay nhưng con thú đùa nhau phía trên đầu là có thể làm đá trượt từ trên cao xuống, và thực tế đoàn đã gặp 2 lần khi đi và quay về. Lần đầu tiên được trải nghiệm qua con đường này, được tận mắt chứng kiến cảnh đá rơi ào ào xoá luôn con đường trước mặt, cả đoàn căng thẳng, lo lắng... Nhưng khi đã tới đây, sự quyết tâm đã giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi để tiếp tục tìm và trải nghiệm những cảm giác mới.
Vượt qua chính mình, và tận hưởng niềm vui
Càng tới gần Tilicho Base Camp, nhóm càng kiệt sức, thời tiết lạnh, gió thổi mạnh hơn, trời tối nhanh. Khi tới Tilicho Base Camp khoảng 4 giờ 30, trời rất lạnh và gió. Tại đây có rất đông người nghỉ để ngày hôm sau tiếp tục hành trình tới hồ Tilicho. Rất may họ đã thuê được một phòng, trong khi nhiều người phải thuê lều ngủ ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Sáng hôm sau, thời tiết lạnh buốt, tuyết rơi nhẹ, không khí lạnh báo hiệu một ngày chinh phục khó khăn. Ngay những bước đầu tiên từ Base Camp, đoàn phải vượt qua con dốc khá dài và cao, nhích từng bước chầm chậm. Đi được một đoạn lại phải nghỉ, thở dốc. Nhìn ra phía trước chỉ thấy những con dốc lên cao dần, zíc zắc.
“Khi hết những đoạn dốc lên cao dần, chúng tôi e ngại khi nhìn phía trước bắt đầu là đoạn dốc dựng đứng, zíc zắc. Gió thổi mạnh, nhiệt độ lạnh, sức khoẻ hao mòn làm chúng tôi lê lết từng bước. Mất khoảng một tiếng rưỡi để leo hết con dốc dựng đứng, chúng tôi càng chán nản khi biết còn khoảng 2 tiếng rưỡi nữa mới tới hồ” - Thành kể.
Cuối cùng, đoàn cũng tới được hồ nước ngọt cao nhất thế giới. Gió to, lạnh buốt, cái lạnh kiểu thấm sâu vào trong người.
“Tới đích, chúng tôi kiệt sức, đói, rét. Rất may tại đây có một quán nhỏ để mọi người tránh gió, uống chút trà nóng, hay ăn bát mỳ. Quang cảnh hồ Tilicho tĩnh lặng, đẹp ngỡ ngàng tưởng như một giấc mơ, mọi mệt mỏi dường như biến mất” - , Thành mơ màng nhớ lại... Anh bảo, chuyến đi đã mang đến cho anh cảm xúc tuyệt vời, vượt qua chính mình và được chiêm ngưỡng thiên nhiên tuyệt đẹp.