Dân Việt

Giá nông sản hôm nay 9/2: Giá cà phê đồng loạt tăng 100 đồng/kg, giá tiêu chững lại

Lê San 09/02/2018 07:21 GMT+7
Giá cà phê hôm nay 9/2 đồng loạt tăng 100 đồng/kg tại một số địa phương, hiện giá cà phê được giao dịch ở mức 36.700 – 37.300 đồng/kg. Sắp tới Tết âm lịch nhưng khác với mọi năm, nông dân không bán ra ồ ạt dẫn tới giá cả vẫn ổn định theo chiều hướng tăng lên. Giá tiêu hôm nay không có nhiều biến động, vẫn giao dịch ở mức trung bình 63.000 đồng/kg.

img

Giá cà phê hôm nay tăng nhẹ 100 đồng/kg (ảnh minh hoạ IT) 

Giá cà phê Robusta vẫn khả quan

Sau nhiều phiên tăng giảm trong nhiều ngày qua, giá cà phê Robusta vẫn giữ được đà tăng khá ổn định, giá cà phê hôm nay 9/2 đồng loạt tăng 100 đồng/kg tại một số địa phương, hiện giá cà phê được giao dịch ở mức 36.700 – 37.300 đồng/kg. Việc nông dân không bán ra ồ ạt như những năm trước dẫn tới mối lo lượng hàng xuất khẩu sụt giảm không chỉ vì kỳ nghỉ Tết kéo dài mà còn do tháng Hai là tháng có ít ngày.

Có vẻ như sự kháng giá, cách bán tại thị trường nội địa Việt Nam cũng góp phần giúp cho giá cả trên thị trường kỳ hạn vẫn đứng vững.

Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tăng ở tất cả các kì hạn. Kỳ hạn giao ngay tháng 3/2018 tăng 7 USD, lên 1.793 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 5/2018 tăng thêm 7 USD, lên 1.768 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7/2018 tăng 4 USD, lên 1.791 USD/tấn. Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2018 giảm thêm 0,45 cent, còn 122,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2018 giảm thêm 0,55 cent, còn 124,9 cent/lb.

img

Giá tiêu không có nhiều biến động trong những ngày qua 

Giá tiêu đang chững lại

Giá tiêu hôm nay 9/2 được thu mua tại các tỉnh phía Nam đang chững lại, vẫn dao động trong khoảng 62.000 – 65.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NNPTNT cho biết, theo định hướng, thời gian tới, ngành hồ tiêu sẽ tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống gồm các nước Tây Âu, Đông Á và Bắc Mỹ. Theo đó chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tiêu chất lượng cao (tiêu sạch, tiệt trùng, đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSA), các sản phẩm tiêu chế biến sâu mang thương hiệu Việt Nam và có nguồn gốc chỉ dẫn địa lý. Đối với các nước vùng Tây Á, Trung Đông và châu Phi, tập trung chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tiêu đen xô chất lượng thường (tiêu chuẩn FAQ), đồng thời từng bước hướng các thị trường này sang tiêu thụ các sản phẩm tiêu chất lượng cao (tiêu chuẩn ASTA) theo xu hướng chung của thế giới.

Ông Đức lưu ý, ngành hồ tiêu cũng cần từng bước thâm nhập thị trường tiêu thụ cuối cùng tại các nước tiêu thụ, đó là thị trường tiêu chất lượng cao (tiêu xay, tiêu hạt đóng chai, các sản phẩm tiêu gia vị) bán trực tiếp cho các nhà phân phối gia vị lớn với chuỗi siêu thị, nhất là các khu bán gia vị châu Á và bán trực tiếp cho các nhà chế biến thực phẩm tại các nước tiêu thụ. Muốn thâm nhập thị trường này, đòi hỏi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cần phải có hệ thống nhà máy chế biến tốt, xây dựng được thương hiệu cho hồ tiêu của nhà máy mình và chứng tỏ được có khả năng cung cấp nguồn hàng đều đặn, lâu dài cho khách hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu, tính đến năm 2017, ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có 20 nhà máy chế biến, trong đó có 5 nhà máy của DN FDI. Các nhà máy đều có công nghệ hiện đại, đảm bảo có thể xử lý, chế biến các loại hồ tiêu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu. Với đa số các thị trường, ngành tiêu Việt Nam đã có thể đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng của các khách hang.