Tàu Seabed Constructor xuất hiện ở cảng Australia.
Cách đây 3 ngày, tàu tìm kiếm máy bay mất tích MH370 mang tên Seabed Constructor bất ngờ biến mất khỏi màn hình radar. Không ai biết con tàu tìm kiếm hiện đại này đi đâu khi đang làm nhiệm vụ. Một số giả thuyết cho rằng tàu Seabed đã phát hiện một “kho báu” ở vùng biển Ấn Độ Dương nên muốn tự "kiếm chác".
Ngày 8.2, con tàu này xuất hiện ở cảng Henderson thuộc Perth, Australia sau khi bật radar trước đó ít hôm. Công ty chủ quản Ocean Infinity từ chối giải thích về hành động lạ của tàu Seabed. Công ty chỉ nói rằng con tàu sẽ neo đậu một thời gian ngắn trước khi tiếp tục tìm kiếm.
Thời điểm con tàu Seabed biến mất, một số chuyên gia cho rằng các vụ việc tương tự MH370 vẫn có thể diễn ra do cơ chế khắc phục chưa được hoàn thiện. David Stupples, giáo sư ngành điện tử-vô tuyến tại đại học London, nói: “Bạn không thể nói rằng sự kiện như MH370 không xảy ra lần nữa”.
Hiện nay chưa có quy định các máy bay phải gửi tín hiệu vị trí mỗi phút một lần. Tới năm 2021, quy định này mới được áp dụng trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, phải tới năm 2050, toàn bộ máy bay mới có thể trang bị hệ thống này vì nhiều máy bay chưa lắp đặt thiết bị tương tự.
Một số máy bay của các hãng như Malaysia Airlines, Singapore Airlines hay Qatar Airways gửi tín hiệu vị trí sau mỗi 15 phút. Tuy nhiên với vận tốc 800 km/giờ, 15 phút máy bay không gửi tín hiệu đồng nghĩa diện tích tìm kiếm khi mất tích lên tới 170.000 km2. Diện tích này bằng bang Florida của Mỹ và rất tốn thời gian, tiền của, công sức.
Máy bay chở khách MH370 bất ngờ biến mất khỏi màn hình radar cách đây gần 4 năm. Lúc mất tích, trên khoang máy bay có 239 người. Chủ yếu trong số này là người Trung Quốc đang di chuyển từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Tàu tìm kiếm MH370 “mất tích bí ẩn” từ ngày 31.1, mới đây đã đột ngột xuất hiện trở lại.