Dân Việt

Tập đoàn Dầu khí không loại PVC khỏi nhiệt điện Thái Bình 2?

Lương Bằng 09/02/2018 09:33 GMT+7
Vì sao sau nhiều tai tiếng, nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) bị khởi tố, tạm giam, PVC vẫn được thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2? Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất loại PVC khỏi dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 vì nhà thầu này không đủ năng lực và uy tín.

img

Không thể loại PVC vì... dự án sẽ gặp khó

Nguồn tin của PV.VietNamNet cho biết, cách đây không lâu, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị các bộ ngành góp ý về tiến độ cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2 , trong đó có tính phương án loại nhà thầu PVC .

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng: Xét năng lực của PVC thời gian qua, với mong muốn có được nhà thầu đủ năng lực để thực hiện dự án, PVN đã chủ động xem xét việc thay thế tổng thầu. Việc lựa chọn tổng thầu có năng lực để thay thế là mong muốn chung của chủ đầu tư và phù hợp với quy định của hợp đồng.

Căn cứ thực hiện triển khai dự án, PVN đưa ra 3 phương án: Phương án 1 là tiếp tục triển khai hợp đồng với PVC; phương án 2 là chấm dứt hợp đồng EPC với tổng thầu PVC và lựa chọn, ký hợp đồng với tổng thầu mới; phương án 3 là cắt giảm các công việc còn lại của PVC.

Theo PVN, nếu dừng hợp đồng với PVC, thực hiện phạt, bồi thường do chậm tiến độ thì giá trị chủ đầu tư cần thu hồi từ phía tổng thầu PVC là hơn 3.500 tỷ đồng.

Số tiền này bao gồm giá trị phạt và bồi thường do chậm tiến độ hơn 2.400 tỷ đồng; giá trị tạm ứng còn phải thu hồi đến thời điểm gần hết năm 2017 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Nếu bị loại khỏi nhiệt điện Thái Bình 2, PVC sẽ ra sao? Theo PVN, tính toán sơ bộ cho thấy nếu chấm dứt hợp đồng EPC lúc này thì PVC sẽ chịu ngay hậu quả của khoản phạt ước tính hơn 10.500 tỷ đồng (chưa tính đến chi phí bảo hành thiết bị do vi phạm hợp đồng cung cấp thiết bị chính ký giữa PVC và liên danh nhà thầu SDC).

PVN cho rằng việc dừng hợp đồng khi chưa có tổng thầu thay thế sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng và ngay lập tức đến dự án cả về tiến độ, chi phí phát sinh, trách nhiệm pháp lý, mất ổn định tại công trường.

Mặt khác, các thiệt hại của PVC cũng sẽ là thiệt hại của PVN trong vai trò công ty mẹ.

Mặc dù đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sẽ xem xét trách nhiệm và thực hiện phạt hợp đồng với tổng thầu PVC khi thanh lý hợp đồng, tuy nhiên trong thực tế sẽ rất khó đảm bảo khả thi.

Lý do được PVN đưa ra là do hợp đồng gốc không có bảo lãnh, giá trị bảo lãnh cho phần còn lại là không nhiều. Đó là chưa kể, tình hình tài chính của PVC khó có sự bứt phá trong một vài năm tiếp theo, trong khi còn nhiều rủi ro chưa lường hết.

Nếu thu hồi thì hiện tại giá trị của khối lượng công việc đã thực hiện có thể cân đối bù trừ. Trường hợp để về sau mới xem xét, hầu như rất khó thực hiện nếu không duy trì giá tị khối lượng đã hoàn thành giữ lại ở mức 10% giá trị hợp đồng và số tiền tạm ứng phải tiếp tục thu hồi.

Tuy nhiên, nếu thực hiện khấu trừ hoặc giữ lại thì hầu như chắc chắn là PVC không thể tiếp tục triển khai.

Bên cạnh đó, PVN lo ngại các tranh chấp giữa các nhà thầu, nhà cung cấp đã ký hợp đồng với PVC sẽ phức tạp vì hầu như PVC không có khả năng chi trả cho các đơn vị liên quan, trong đó có nhiều đơn vị đã có nhiều nỗ lực thực hiện dự án như LILAMA, PVC-IC, PVC-PT,...

Nếu điều này xảy ra, PVN thừa nhận PVN cũng không tránh khỏi ảnh hưởng về mặt pháp lý và cũng không thể không liên đới khi các nhà thầu phụ không được tổng thầu thanh toán và rất có thể lâm vào tình trạng phá sản, đặc biệt là nợ lương người lao động. Các rủi ro thậm chí rất khó lường nếu các đơn vị liên quan không bàn giao các hạng mục công việc tại công trường, nợ lương công nhân có thể gây bất ổn. Và PVN, cuối cùng vẫn sẽ phải gánh chịu hậu quả, bao gồm cả chi phí thanh toán cho khối lượng công việc đã thực hiện của các nhà thầu.

Nhà thầu khác cũng “ngán”

Với các lý do trên, PVN cho rằng chỉ có thể chấm dứt hợp đồng EPC khi đã chắc chắn lựa chọn được nhà thầu mới đủ năng lực thay thế.

Thời gian qua, PVN cũng đã nghiên cứu phương án thay thế tổng thầu, tiến hành làm việc với một số nhà thầu nước ngoài như SDC, BWBC, DEALIM và nhà thầu trong nước là LILAMA để thay thế PVC. Tuy nhiên các nhà thầu lại từ chối tham gia, ngay cả LILAMA cũng không thể cam kết về chất lượng, tiến độ, chi phí của dự án.

Quan trọng nhất là các nhà thầu đều từ chối và không chịu trách nhiệm đối với tất cả các phần việc do PVC đã thực hiện, nhất là nghĩa vụ bảo hành thiết bị. Đồng thời, các nhà thầu đều cảnh báo về gia tăng đáng kể chi phí và lập lại tiến độ mới.

“Như vậy, các nhà thầu đều không đề xuất giá và không thể xác nhận có thể thực hiện với mức giá dưới dự toán của chủ đầu tư, dẫn đến chủ đầu tư không thể kiểm soát được chi phí”, PVN cho hay.

Do đó, PVN buộc phải lựa chọn phương án tiếp tục đi cùng PVC với các điều kiện cần kíp nhất về tài chính, nhân sự và PVC phải chủ động nguồn tài chính tối thiểu khoảng 300 tỷ cho dự án; đồng thời sẵn sàng phương án xấu nhất để thay thế PVC thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo các hợp đồng thầu phụ PVC đã ký.