Trung tâm R&D đầu tiên
Năm 2015, ông Phạm Minh Thiện lập trung tâm R&D nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị gia tăng, mức đầu tư khởi điểm là 20 tỷ đồng. Nhóm khoa học trẻ làm việc tại trung tâm này đã nghiên cứu trích ly thành công dầu từ cám gạo, nghiên cứu giá trị từ sen, thảo dược; đến nấm rơm sạch, hạt nêm, nước mắm, gấc, mè, sả,...
Ông Thiện dè dặt nói: công việc chẳng qua là đưa nguyên liệu vào thiết bị công nghệ, đánh thức nguồn nguyên liệu bản địa từng bị bỏ quên, chứ chưa mang lại giá trị thương mại. Chính vì vậy cần bỏ thêm vốn vào đây, đầu tư thêm nguồn lực cho trung tâm này.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, đánh thức nguồn nguyên liệu bản địa từng bị bỏ quên.
Món ngon chưa tròn trịa
Năm ngoái, Cỏ May Imexco đã xuất nguyên liệu da cá tra sang Singapore với giá cao hơn 1,5 lần giá bán phụ phẩm trong nước. Tuy nhiên ông Thiện cho rằng, còn có thể đạt được giá trị gia tăng cao hơn nếu Cỏ May Imexco trực tiếp sản xuất và xuất khẩu snack từ da cá tra. Cooking Show do ông tổ chức ở Cỏ May Sài Gòn Café, là cách phát huy nguồn lực của Cỏ May Essential và Cỏ May Imexco, theo quy trình từ lab đến biz, thực ra cũng là một cách nghĩ phi truyền thống.
Được thành lập từ tháng 8.2016, Cỏ May Imexco chuyên chế biến thuỷ sản. Tuy mới thành lập, nhưng ở đây có một trăm mấy chục năm kinh nghiệm khi cộng mấy anh bên đó lại, ông Thiện nói vui. Sẽ liên kết chuyên gia ẩm thực, tiếp tục nghiên cứu sản phẩm giá trị gia tăng… là kế hoạch mở, tiếp xúc với những nghệ nhân mọi miền, là không gian nghiên cứu không giới hạn, gặp gỡ những đầu bếp, khuyến khích họ đóng góp giá trị mới bên ngoài bàn ăn, theo ông Thiện.
“Tuy chưa tròn trịa, nhưng dù sao cũng nhìn thấy nhiều tiềm năng hiện hữu, ít nhất cũng cho mình thấy được những triển vọng so với cái đã làm”, ông Thiện vẫn “máu lửa” với dự án sen và hoa hồng, có thêm trung tâm nghiên cứu hoa nhiệt đới và sen đặt tại Sa Đéc.
Điều hành các nhà máy thuộc ngành gạo, thức ăn chăn nuôi, bao bì, chế biến thuỷ sản, trung tâm R&D… trong ma trận đó, doanh số lớn nhất là thức ăn chăn nuôi, nhưng “anh” có doanh số lớn nhất chưa phải là anh có chất xám nhiều nhất; anh nổi tiếng nhất không phải là anh lớn nhất; anh có chất xám nhiều nhất lại là anh nhỏ nhất.
Cỏ May Essential đứng đầu trong bảng xếp hạng đơn vị có hàm lượng công nghệ cao, có bổn phận nghiên cứu phát triển sản phẩm phi truyền thống, nhưng kinh phí hoạt động cho đơn vị này là tiền túi của ông Thiện, chứ chưa động chạm gì tới ngân sách công ty.
“Đâu phải lúc nào nghiên cứu là thành công. Nhưng nếu khó giải thích quá thì thôi, cứ làm một mình. Mỗi năm ông Thiện lấy tiền riêng bỏ vào hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Đó là nơi nuôi hoài bão, mặc dù về lâu về dài vẫn là kiếm tiền, nhưng kiếm tiền bằng cách khác, bằng những sản phẩm phi truyền thống.
“Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu, khai thác sức mạnh công nghệ tạo ra sản phẩm dựa theo yêu cầu của đối tác, từ yêu cầu đối tác mà thôi thúc đầu tư, mặc dù chưa chắc họ bao tiêu sản phẩm cho mình; phải nói thật chưa có sản phẩm phi truyền thống nào quy ra tiền, vì đó là những dự án sắp tới”, ông đặt lòng tin vào các công ty chuyên nghiên cứu thị trường có uy tín thực hiện một khế ước, giúp ông thấy được bức tranh tổng thể và nhận định chính xác về thị trường trước khi quyết định đầu tư.
Sẽ ra sao nếu không nghĩ khác?
Suy nghĩ phi truyền thống dựa vào công nghệ mới có ý nghĩa gì khi lúa gạo, rơm rạ, cá mắm… vẫn trồng, vẫn nuôi, vẫn bán? Ông Thiện chia sẻ góc nhìn: nếu không bày ra nhóm sản phẩm phi truyền thống, những “cái truyền thống” cũng bước vào giai đoạn cạnh tranh ráo riết, cao trào, gay gắt.
Thức ăn chăn nuôi, gạo, chế biến thuỷ sản… sau những trận khủng hoảng đang được sàng lọc lại. Ngành chế biến thuỷ sản còn không nhiều, nhưng những ông còn lại có sức đề kháng rất tốt.
Ai cũng trong trạng thái sức khoẻ tốt, vận động nhiều; ngược lại ai vận động ít hơn, chậm hơn, lười hơn sẽ bị bỏ lại phía sau, hoặc thua trận sẽ rời cuộc chơi. Thực trạng hiển hiện ngày càng rõ, biên lợi nhuận của thức ăn chăn nuôi hẹp dần, chế biến thuỷ sản không hẹp nhưng thay đổi theo kiểu khác, thị trường ngày càng khó tính, môi trường mỗi ngày một kém đi, dịch bệnh mỗi ngày một khó chữa, đủ thứ tác động lên mảng truyền thống.
Ngành gạo cũng vậy, nào giờ Cỏ May làm thị trường nội địa, đâu ai cho Cỏ May xuất khẩu, bây giờ nhiều người muốn tham gia sâu hơn thị trường nội địa, nhưng ít người theo kênh truyền thống vì lợi nhuận bọt bèo. Xu hướng dân số Việt Nam tăng, nhưng hồi đó mỗi người ăn bình quân ba chén cơm, bây giờ dữ lắm chừng một chén rưỡi. Thị trường không mở rộng, trong khi thị phần chia nhỏ lại và ai cũng quyết chiến đấu với nhau.
Ông Thiện nhận định về mối liên hệ giữa tư duy phi truyền thống và hiện trạng các ngành hàng –có sự liên đới một cách không chính thức – trong trường hợp những thành công từ hoạt động R&D được phát huy, khu vực truyền thống vẫn “mạnh giỏi” nhờ những tác động trong cùng hệ thống quản trị chuyển đổi tương thích.