Dân Việt

An toàn thực phẩm Tết: Thanh tra đột xuất cơ sở SXKD hàng tươi sống

Đình Thắng 12/02/2018 13:40 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Việt (ảnh) - Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT chia sẻ với NTNN về những trọng tâm hoạt động thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.

Tập trung thanh tra các công đoạn có nguy cơ vi phạm cao

Năm 2017, công tác ATTP đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm. Vậy năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ tập trung vào những vấn đề gì để đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu?

- Trong năm 2018, Bộ NNPTNT tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP, trọng tâm là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản…

img

Bộ NNPTNT sẽ đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối tượng sản xuất kinh doanh hàng tươi sống, giết mổ nhỏ lẻ. Ảnh: I.T

img

"Hiện nay tôi vẫn sợ nhất là mặt hàng phụ gia. Rất nhiều mặt hàng phụ gia được bày bán nhỏ lẻ, nếu bảo quản không tốt sẽ gây nấm mốc. Năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ giám sát chặt chẽ việc này để cảnh báo và làm căn cứ để thanh kiểm tra xử lý”.

Ông Nguyễn Văn Việt

Gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo tổ chức sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đảm bảo chất lượng, ATTP cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP, trong đó chú trọng xây dựng, trình ban hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản. Rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường, thức ăn chăn nuôi, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được đẩy mạnh, chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm, các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản.

Phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, thanh tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; các tổ chức, cá nhân đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ.

Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ ATTP nhập khẩu. Xây dựng và triển khai các đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến. Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.

Công khai các cơ sở sai phạm

Từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa thực phẩm sẽ được tiêu thụ rất lớn, vậy theo ông chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì và giải pháp như thế nào để đảm bảo ATTP cho người dân?

- Thị trường tết thường tiêu thụ mạnh một số mặt hàng nông sản như thịt, rau quả và hải sản. Vấn đề đảm bảo ATTP đã được đẩy mạnh trong cả năm. Tôi nghĩ rằng làm gì thì cuối cùng chúng ta vẫn phải sản xuất theo chuỗi, quản lý theo chuỗi. Hiện nay chúng ta đã có 746 chuỗi trên toàn quốc, năm 2017 xuất hiện rất nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, giá cả phù hợp và được người dân đón nhận. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải nhân rộng được các chuỗi sản xuất, các cửa hàng tiêu thụ và tuyên truyền để người dân biết được và đến mua. Hiện nay tôi vẫn sợ nhất là rất nhiều mặt hàng phụ gia được bày bán nhỏ lẻ, nếu bảo quản không tốt sẽ gây nấm mốc. Năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ giám sát chặt chẽ việc này để cảnh báo và làm căn cứ để thanh kiểm tra, xử lý.

Còn đối với hàng nhập khẩu, chúng ta phải kiểm tra ở biên giới, kiểm tra kiểm dịch để làm sao hàng qua biên giới đảm bảo an toàn.

Công tác tuyên truyền được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản. Năm nay công tác tuyên truyền được chú trọng như thế nào, thưa ông?

- Đúng là năm qua công tác tuyên truyền đã phát huy hiệu quả và góp phần vào thành công của hoạt động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Khi phát hiện sai phạm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, chúng tôi sẽ công bố công khai trên phương tiện truyền thông các đơn vị sai phạm để người tiêu dùng biết và tránh. Tuyên truyền ở đây có cả răn đe và khuyến khích.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các qui định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật; tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Để đảm bảo ATTP cho người dân, vai trò quản lý chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng. Theo ông, trong năm 2018, các địa phương cần làm gì để thực hiện tốt công tác ATTP?

- Đảm bảo ATTP cho người dân phải là trách nhiệm của chính quyền, các cấp phải vào cuộc chỉ đạo, tạo điều kiện cho lực lượng thanh kiểm tra làm việc, phát hiện và xử lý. Tôi thấy lãnh đạo 4 tỉnh trọng điểm đã làm rất quyết liệt. Hà Nội làm rất tốt công tác ATTP. Các địa phương đã rất nỗ lực và hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTP cho người dân. Công tác thanh kiểm tra phát hiện vi phạm trong lĩnh vực ATTP rất khó khăn, chúng ta cần thời gian thực hiện. Đồng thời thông qua báo chí để tuyên truyền nâng cao nhận thức.

Chúng tôi đề nghị UBND các cấp đưa tiêu chí ATTP trở thành một tiêu chí chính trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trong cả nhiệm kỳ và hàng năm, để trên cơ sở đó tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP.

Xin cảm ơn ông!