Với lý do như vậy, ông Kha hẹn chúng tôi tại một quán cà phê trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, để giới thiệu trại gà nuôi theo quy trình toàn cầu, địa điểm ở tận dưới huyện Tân Phú, Đồng Nai.
Tại trại cung cấp gà thịt cho Koyu & Unitek chế biến xuất sang Nhật Bản.
Cùng thua hoặc thắng
Nhấp một ngụm cà phê, lấy tay quẹt đi quẹt lại trên màn hình chiếc điện thoại iPhone7, hình ảnh 20 trại gà hiện lên rõ rệt qua hệ thống camera giám sát. Ông Kha giới thiệu chi tiết thời gian biểu nhập gà giống tháng 2.2018. Kiểu nuôi gà được lên kế hoạch trước cả tháng, nhập số liệu hàng ngày lên máy tính, điện thoại; gắn camera cả khu trại để có thể ngồi đâu cũng bao quát được… là cách tiếp cận hoàn toàn mới của những nông dân như ông Kha. Không chỉ tự lĩnh hội cách quản lý chăn nuôi hiện đại, ông Kha còn trở thành mắt xích trong chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm gà sạch, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu… Chuỗi này, bao gồm người chăn nuôi bỏ vốn đầu tư trang trại và đối tác còn lại cung cấp con giống, thức ăn và lo đầu ra. Cách liên kết này, giúp ông Kha cùng với vài nông dân khác sở hữu trại gà 720.000 con được cấp phép xuất khẩu vào Nhật Bản. Lô hàng đầu tiên, được công ty Koyu & Unitek (đối tác trong chuỗi liên kết lo con giống, cám, đầu ra) xuất vào thị trường Nhật cuối tháng 8 năm ngoái.
Theo ông Hiếu Nhơn Khứu, tổng giám đốc công ty Koyu & Unitek, trong chuỗi liên kết này, các công ty nước ngoài chuyển giao kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến của thế giới cho nông dân. Họ, cũng cam kết hỗ trợ tiềm lực và quan trọng nhất, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách xuất khẩu ra nước ngoài. Yếu tố quyết định thành công trong chuỗi là các mắt xích phải cùng nhìn về một hướng, cùng mục tiêu cung cấp cho người dùng sản phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc. Ngoài ra, muốn sản xuất ổn định, các bên cần xác định lợi nhuận vừa phải, và biết chia sẻ khó khăn khi có rủi ro xảy ra.
“Chúng tôi ngồi lại, cùng nhau tính toán đưa ra mức giá đầu vào hợp lý. Sau nhiều tháng hoạt động, đến nay công ty cung cấp con giống, công ty cung cấp thức ăn, công ty giết mổ, chế biến, xuất khẩu và các chủ trại đều hài lòng với mức lợi nhuận đang lãnh”, ông Khứu khẳng định.
Còn ông Nguyễn Minh Kha cho rằng, vì các mắt xích liên đới lẫn nhau nên ai cũng phải cố gắng làm cho tốt, nếu một ai đó làm sai, làm chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi. Nhớ tới yếu tố này, ông Kha kể: tháng 8 năm ngoái, cách thời điểm bắt lô gà đầu tiên xuất khẩu sang Nhật, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các trại uống kháng sinh lần cuối phòng bệnh. Sau đó, đàn gà được ngừa kháng sinh đủ thời gian ít nhất 14 - 15 ngày, trước khi khai thác thịt được lấy mẫu test đi test lại nhiều lần, nhưng tất cả những người trong chuỗi vẫn phải trải qua mười ngày mất ăn mất ngủ, hồi hộp chờ đợi kết quả Nhật kiểm tra sản phẩm lần cuối tại cảng. Theo ông Kha, sở dĩ các bên phải nín thở chờ đợi, vì Nhật là thị trường khó tính bậc nhất về quản lý chất lượng. Nếu rủi ro họ phát hiện mẫu gà có kháng sinh, họ trả hàng về, xuất khẩu ngưng lại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của tất cả các bên.
Vào chuỗi, muốn làm sai cũng khó
Ngoài chuỗi liên kết xuất khẩu gà đi Nhật, ngành chăn nuôi gà, còn có thêm liên kết khác, gồm công ty De Heus, Bel Ga làm đầu tàu. Đây là hai doanh nghiệp nước ngoài có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi của Hà Lan và Bỉ, cùng với nông dân quản lý 150 trang trại, cung cấp khoảng 30.000 con gà thịt ra thị trường mỗi ngày. Hiện chuỗi này đang áp dụng quy trình chăn nuôi GlobalGAP, mục tiêu hướng đến xuất khẩu ra thế giới.
Nuôi gà Global GAP hay áp dụng các tiêu chuẩn của Nhật, đều đòi hỏi quy trình quản lý nghiêm ngặt, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn. Như cách nghĩ của ông Nguyễn Văn Ngọc, một trong số nhiều nông dân nuôi gà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trong chuỗi liên kết của De Heus, nuôi gà chuẩn toàn cầu là không thay đổi, không sáng tạo, không chậm trễ. Tất cả các khâu thành tiêu chuẩn cố định, muốn thêm, bớt hay sáng tạo cũng không được. Từ khi tham gia chuỗi, ông Ngọc phải tốn thêm 40 - 50% chi phí đầu tư, thiết kế, thay đổi lại toàn bộ trại gà, từ việc phải xây thêm nhiều hạng mục chuồng trại, đào tạo nhân viên, phương tiện, dụng cụ thu gom sản phẩm từ trại về nhà máy giết mổ.
Khi còn nuôi gà theo kiểu “độc lập”, những nông dân như ông Ngọc, ông Kha thường làm theo phong trào, học lỏm lẫn nhau, hay vừa làm vừa suy nghĩ, chứ không áp dụng theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Người nhiều tiền làm trại lớn, ít tiền làm trại nhỏ. Trang trại không được quản lý chặt chẽ, người ra vào thoải mái, dễ phát sinh dịch bệnh. Ngay cả các phương tiện vận chuyển, như xe chở gà giống, gà thịt cũng chỉ có một xe quay vòng và hầu như không rửa, không vệ sinh sau mỗi lần sử dụng. Nay, mọi thứ thay đổi, nuôi gà chuẩn GlobalGAP hay xuất đi Nhật Bản yêu cầu phải sử dụng xe chở gà giống riêng, chở gà thịt riêng, chở cám riêng, ngay cả đến cái lồng bắt gà cũng được yêu cầu sau mỗi lần sử dụng phải rửa nước lạnh, trụng nước nóng, khử trùng.
“Các khu nuôi gà của tui không cho người ngoài vào. Công nhân ở trại nào chỉ được ở khu đó, đến giờ ăn có người đem cơm tới tận nơi cho ăn, muốn ra ngoài phải được chấp thuận và khi trở lại trại họ phải có ba bốn ngày cách ly ở khu an toàn”, ông Kha nói. Theo ông Kha, 20 trại gà nuôi theo chuẩn của Nhật đang áp dụng hơn 200 tiêu chí, ngang với số tiêu chí của GlobalGAP. Tiêu chí nào cũng tỉ mỉ, cũng chi tiết, cần áp dụng đồng bộ. Quy trình nuôi gà phải liên tục cập nhật, ghi chép trên phần mềm quản lý, để cho tất cả mọi người liên quan trong chuỗi đều có thể cập nhật, biết để góp ý.
“Trang trại thiết kế, sử dụng công nghệ của Đức. Nước uống, thức ăn được rót vào các silo ở đầu trại, chuyển tự động đến từng con gà. Chỉ cần hai công nhân quản lý một trại. Công việc của họ là kiểm tra lượng đầu vào, kiểm tra sức khoẻ con gà, sau đó thu thập, phân tích, đánh giá hiệu quả trong ngày, cũng như các biến động bất thường của khu trại để điều chỉnh. Toàn bộ thông tin được cập nhật vào hệ thống phần mềm, hệ thống này được chuyển về điện thoại của tôi và công ty để họ biết tình hình, lập kế hoạch…”, ông Kha cho biết.
Cách nuôi gà này được coi là khá hiện đại, nhưng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, so với công nghệ của thế giới, mới chỉ đạt 50% tự động, 50% còn lại vẫn phải vận hành bằng… con người. Cách nay không lâu, ông kể có lần tham quan một trang trại nuôi gà ở Hà Lan. Trại gà 250.000 con, nhưng chỉ có hai vợ chồng nông dân quản lý, tất cả đều tự động. “Họ quản lý trại gà hoàn toàn trên phần mềm, thiết bị tự động. Còn chúng tôi vẫn sử dụng nhân công ở nhiều khâu, như bắt gà thủ công chứ không dùng máy…”, ông Ngọc so sánh. Tuy nhiên, với cách vận hành trại gà bán tự động đang áp dụng, ông Ngọc cho rằng số lượng công nhân quản lý mỗi trại đã giảm từ ba người xuống còn một người. Nay, công việc của họ chỉ đi thăm trại, vệ sinh trại, chứ không làm công việc bốc vác, đổ cám cho gà ăn nữa, vì đã có xe chở cám từ nhà máy xuống trại trút vào hệ thống silo. Cám, nước vận chuyển vào hệ thống ăn tự động.
“Trước 2015, khu trại có thường xuyên 100 công nhân, nay còn 40 công nhân quản lý làm 34 trại, còn nếu làm công nghệ cao, làm trại mới theo chuẩn Hà Lan, châu Âu chỉ cần mười người”, ông Ngọc khẳng định.
Trước đây chúng tôi nuôi gà tự phát thường gặp rủi ro rất lớn nên lớp nông dân này bỏ lại có lớp kia lên. Làm năm bảy năm, thua lỗ hết tiền thì bỏ đi chứ không có ai gắn bó với nghề chăn nuôi được hai ba đời như ở nước ngoài, đội ngũ quản lý của công ty De Heus là đời thứ tư, Emivest cũng là thứ tư, thứ năm; nhiều trang trại ở châu Âu cũng duy trì lâu đời. Chỉ có làm theo chuỗi, các bên hỗ trợ qua lại, cùng hướng đến mục tiêu thì mới bền được. Ngoài ra, tới đây nhân công không rẻ nữa nên phải chuyển đổi nhanh sang chăn nuôi công nghệ, tự động hoá. Nguyễn Văn Ngọc Kế hoạch sản xuất chuỗi khá ưu việt, từ thả, bắt gà, số lứa nuôi trong năm… đều lên kế hoạch trước. Tuy mới tham gia chuỗi, nhưng chúng tôi đã tăng từ 4 lên 5 lứa gà/năm (tăng 20% sản lượng và 20% lợi nhuận). Nguyễn Minh Kha |