Chiêu thức lách luật
Theo quy định của Luật Giá, từ 1.1. 2013 các doanh nghiệp phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi.
Giá sữa ngoại tăng đã ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. |
Theo đó, Bộ Tài chính cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chỉ chấp thuận cho tăng giá bán sản phẩm nếu doanh nghiệp đưa ra được bản tính toán giá thành hàng hóa, dịch vụ (đối với hàng sản xuất trong nước), giá vốn nhập khẩu (nếu là hàng hóa nhập khẩu) hợp lý. Tuy nhiên, để lách quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh và nhập khẩu mặt hàng sữa đưa ra lời giải thích cho thông báo tăng giá sữa là do... thay đổi mẫu mã, tên gọi của sản phẩm.
Cụ thể, thay vì ghi trên bao bì là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, hay trên 6 tuổi như trước đây, các sản phẩm sữa đã nhanh chóng biến thành “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung”, hay “thức ăn công thức dinh dưỡng”... Dựa trên sự “thay đổi” nói trên, giá sữa ngoại đang tăng dồn dập, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tại Hà Nội, Hãng Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá thêm 10% so với giá hiện hàng. Tương tự Hãng Dumex cũng đã tăng giá từ 8,5 - 9%. Cụ thể sản phẩm Enfa Grow A+3 (400g) từ 191.800 đồng tăng lên 211.000 đồng/hộp... Enfalac A+Gentle Care 352g giá 245.000 đồng tăng lên 270.000 đồng/hộp, Enfalac Lactofree 400g giá 193.000 đồng tăng lên 213.000 đồng/hộp.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, từ giữa tháng 1, giá nhiều loại sữa ngoại nhập thông báo tăng thêm từ 8 - 10%. Cụ thể, các sản phẩm của Mead Johnson như Enfa Grow A+3 loại 400g tăng thêm 10.000 đồng/hộp giá sỉ, ở mức 191.800 đồng lên 211.000 đồng/hộp, giá bán lẻ gợi ý dành cho người tiêu dùng là 219.000 đồng. Dòng sữa Enfa Mama A+ Vannila 900gr dành cho bà bầu giá tăng đến 35.000 đồng/hộp, lên mức 387.000 đồng/hộp...
Tăng giá vô lý
Chị Nguyễn Kim Ngân (Thành Công, Ba Đình) cho biết: Chúng tôi mua sữa để uống chứ không phải để ngắm bao bì. Người tiêu dùng mua sản phẩm là quan tâm đến chất lượng, nhất đó lại là sản phẩm cho trẻ em. Tuy nhiên, việc chất lượng không tăng mà giá lại tăng tới 10% trong khi chỉ... thay đổi nhãn, mác là điều vô lý. Còn chị Nguyễn Hồng Lam (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn giá sữa. Chắc chắn sẽ không chỉ có một lần đổi vỏ mà sẽ còn nhiều lần khác nữa. Nếu chỉ vì thay đổi vỏ mà được tăng tới 10% không công bằng với người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên NTNN, đại diện một hãng sữa lớn thanh minh: Thông tư mới của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm về quy chuẩn mới của sản phẩm sữa yêu cầu các doanh nghiệp phải trình bày mẫu mã, ghi rõ thành phần của sữa theo đúng quy định. Vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi mẫu mã, bao bì. “Và việc này đồng nghĩa với doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm để bù vào chi phí”- đại diện hãng sữa nói.
Trao đổi với TS Vương Ngọc Tuấn - Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ quan điểm: Mặc dù việc các doanh nghiệp thay đổi tên như vậy nhằm tránh tình trạng không phải là sữa nhưng doanh nghiệp vẫn ghi là sữa gây nên sự hiểu lầm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong khi chất lượng sản phẩm không tăng, công thức sản phẩm vẫn như cũ nhưng giá lại tăng là điều đáng phải bàn, cần kiểm tra, xử lý.
Còn một đại diện Bộ Tài Chính cho biết hiện chưa nhận được thông tin đăng ký tăng giá bán của bất cứ doanh nghiệp sữa nào. Nhưng sữa nguyên liệu trên thế giới không tăng, nên doanh nghiệp không có lý do gì để tăng giá.
Hồ Hương - Thuận Hải