Dân Việt

Đặc sản truyền thống "Tung lò mò" của người Chăm ở An Giang

Hanipha 13/02/2018 06:45 GMT+7
Là món ăn đặc sản truyền thống của người Chăm, những ngày này xưởng chế biến lạp xưởng bò càng thêm nhộn nhịp.

Với người Chăm ở An Giang, làng nghề truyền thống đã có từ rất lâu và được nhiều người biết đến, trong đó đáng chú ý là nghề dệt thổ cẩm và món ăn đặc sản "Tung lò mò" (còn gọi là lạp xưởng bò). Lạp xưởng bò là một món ăn đặc sản của người Chăm với thành phần chính là thịt đùi và mỡ bò.

img

Những năm gần đây, món ăn này đã có mặt tại nhiều Hội chợ làng nghề ở khu vực ĐBSCL và TP HCM. Trong những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, cơ sở sản xuất lạp xưởng bò Anas ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang càng trở nên nhộn nhịp.

Chị em người Chăm người thì rửa thịt, người thì trộn thịt với mỡ bò cùng các loại gia vị như tiêu, đường, muối, bọt ngọt…dồn vào ruột bò, đem phơi khô, khâu cuối cùng là phần đóng gói và hút chân không để hoàn thành sản phẩm.

img

Người lao động đang làm việc tại cơ sở Anas.

Chị Marigiah, công nhân làm việc tại cơ sở Anas cho biết, món lạp xưởng bò là món ăn truyền thống có từ rất lâu của người Chăm. Muốn làm lạp xưởng bò ngon phải dùng thịt đùi hoặc thịt bò nạc lóc từ xương. Sau khi khử mùi bò bằng muối và gừng, rửa sạch và để khô, sau đó trộn gia vị theo liều lượng và thực hiện.

Các công đoạn làm lạp xưởng bò được các chị em ở cơ sở thao tác nhanh nhẹn và thành thạo. Những ngày qua, lượng khách ở các tỉnh thành lân cận đặt mua mặt hàng này để làm quà biếu trong ngày tết tăng rất cao. Vì vậy, cơ sở sản xuất Anas cũng đang hối thúc mọi người làm việc khẩn trương để kịp có sản phẩm giao cho khách hàng. Thu nhập bình quân của chị em người Chăm làm việc ở đây khoảng từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Không riêng người Chăm, mà cả người Việt, người Khmer ở đây ai ai cũng bị mê hoặc bởi món ăn lạ miệng và độc đáo này. Trong những ngày chơi Xuân đón Tết, du khách có dịp đến thăm làng Chăm ở Châu Phong đều không quên thưởng thức món ăn truyền thống đặc sắc này với mùi vị khác biệt của nó.

Để làm nên một sản phẩm có thương hiệu như hiện nay, hơn 6 năm qua, cơ sở sản xuất Anas phải đầu tư hơn 300 triệu đồng để trang bị máy móc cùng sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương và cộng đồng bà con nơi đây.

Ông Rozaly, Chánh Văn phòng Ban Đại diện cộng đồng Chăm Islam tỉnh An Giang cho biết, cơ sở sản xuất kinh doanh Anas là niềm tự hào của bà con Chăm. Cơ sở này đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhà nước chứng nhận là thực phẩm đạt chất lượng đã có mặt tại nhiều Hội chợ trong nước. Trong tương lai, cơ sở Anas sẽ vươn xa hơn nữa.

Không khí làng Chăm Châu Phong trong những ngày này càng trở nên rộn ràng vì cơ sở sản xuất Anas luôn thông báo tuyển thêm lao động nông thôn. Trò chuyện với anh Salếch - chủ cơ sở Anas, anh cho biết một tin vui, trong năm nay sản phẩm của anh sẽ có mặt ở siêu thị VinCom. Vào cuối năm 2017, sản phẩm của anh đã được đánh giá cao tại Hội chợ tiêu dùng tổ chức tại Malaysia. Đây là tín hiệu vui cho sản phẩm lạp xưởng bò trong những ngày đầu Xuân này.

“Trước kia cơ sở của lạp xưởng bò làm theo cách truyền thống, nhưng nay do sự phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất ở nhiều nơi, hiện nay sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng”, anh Salếch cho biết.

Tết này, bên những gói trà, bánh mứt, nhà người Chăm nào ở An Giang cũng có một vài kg lạp xưởng bò Anas để dùng vào ngày tết cổ truyền. Chị Rophiah ở tận xã biên giới Đồng Ky, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, nói đến tung lò mò Anas giờ ai cũng biết, người Chăm thích ăn món này chiên hay nướng đều ngon, đây là đặc sản của người Chăm Nam bộ nên nhiều người mua để biếu họ hàng ông bà nội ngoại.

An Giang hiện có 880 làng nghề truyền thống khá nổi tiếng về dệt thổ cẩm, tranh thêu tay, đường thốt nốt và làm các loại khô, mắm... trong đó có nghề lạp xưởng bò. Sự khởi sắc của nghề này trong những năm gần đây ngoài việc góp phần tạo công ăn việc làm ở địa phương còn làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của làng Chăm An Giang.

Ngày Tết, ghé thăm vùng đất này, du khách hẳn sẽ thú vị nếu được thưởng thức món lạp xưởng bò đặc sắc trong điệu nhạc bay bổng dân ca Chăm.