Theo đánh giá của chính người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH), các bên tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, bao gồm cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đều sử dụng tình báo đến “mức độ tinh vi”. Nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Thế, một người có điều kiện tiếp xúc nhiều nguồn tài liệu từ chế độ Sài Gòn và đồng minh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam trước đây đã có một nghiên cứu tổng hợp về vấn đề này, trong đó có nêu chi tiết về những chiến dịch tình báo thất bại mà Mỹ và VNCH đã thực hiện tại miền Bắc và chiến trường miền Nam Việt Nam. Tạp chí Khám phá trân trọng trích đăng, gửi tới bạn đọc góc nhìn khá thú vị về Tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể hình dung ra tầm vóc cuộc chiến và những chiến công mà Tình báo Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đạt được trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta.
Vào đầu năm 1963, Sở Khai thác địa hình được cải danh thành Bộ Tư lệnh lực lượng đặc biệt (LLÐB) và vẫn do Ðại tá Lê Quang Tung chỉ huy. Sau cuộc đảo chính 1.11.1963, LLĐB không còn đảm nhận công tác tình báo nữa. Sở Bắc (Phòng 45 đổi tên) được tách ra khỏi LLÐB, và cải danh thành Sở Khai thác và trực thuộc Bộ Tổng tham mưu (BTTM). Sau đó Sở Khai thác được đổi tên một lần nữa thành Sở Kỹ thuật, và ngày 12.2.1965 được nâng cấp lên thành Nha Kỹ thuật thuộc BTTM
Phù hiệu Nha Kỹ thuật, Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH
Các công tác của Nha Kỹ Thuật được phân chia cho các cơn vị trực thuộc như sau:
- Sở Công tác: đóng tại Sơn Trà, Ðà Nẵng; nhiệm vụ của các Ðoàn thuộc Sở này là xâm nhập bằng đường hàng không hay đường bộ vào lòng địch tại Miền Bắc hay các vùng biên giới với Lào và Campuchia.
- Sở Liên lạc: đóng tại Sài Gòn; nhiệm vụ của các Chiến Ðoàn (Biệt kích Lôi Hổ) thuộc Sở này là xâm nhập vào hậu tuyến của địch trong lãnh thổ của VNCH từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam.
- Sở Phòng Vệ duyên hải: đóng tại Tiên Sa, Ðà Nẵng; Lực Lượng Hải Tuần có trách nhiệm tuần tra, bảo vệ bờ biển, chận bắt tàu bè của địch xâm nhập vùng biển của VNCH; Lực Lượng Biệt Hải có nhiệm vụ huấn luyện và đưa người nhái xâm nhập Miền Bắc với phương tiện của Hải Tuần
- Sở Tâm lý chiến: đóng tại Sài Gòn; với nhiệm vụ tổ chức và điều hành hai đài phát thanh Tiếng nói tự do và Gươm thiêng Ái quốc hướng về miền Bắc.
- Sở Không yểm: đóng tại Sài Gòn; có nhiệm vụ phối hợp các phi đoàn của Không Quân VNCH trong việc thả, rút, liên lạc và hướng dẫn các toán kiệt kích xâm nhập Miền Bắc và hậu phương địch.
- Trung Tâm huấn luyện Quyết Thắng: đóng tại Long Thành; có nhiệm vụ huấn luyện cho các toán biệt kích.
Các biệt kích VNCH trog thời gian huấn luyện, chuẩn bị đưa ra Miền Bắc
Sự thành lập Nha Kỹ thuật của BTTM với đầy đủ tất cả các đơn vị và phương tiện cần thiết cho việc xâm nhập miền Bắc, với sự yểm trợ tích cực của SOG về phía Hoa Kỳ, thật ra không cải thiện được hiệu quả của công tác này.
Ngay từ cuối năm 1963, vào ngày 20.11, một cuộc họp hết sức quan trọng đã diễn ra tại Honolulu, Hawaii, với các giới chức cao cấp nhất của chính phủ Mỹ, gồm Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk, Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Kennedy McGeorge Bundy, Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (CINCPAC) Ðô Ðốc Harry D. Felt, Giám Ðốc CIA John McCone, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Henry Cabot Lodge và Tư Lệnh MACV Ðại Tướng Paul Harkins.
Cuộc họp có mục đích thảo luận về việc chuyển giao công tác xâm nhập người của VNCH ra miền Bắc từ CIA sang cho MACV-SOG. William Colby, cựu Trưởng Trạm CIA tại Sài Gòn, người từng chủ trương, cổ vũ, và đích thân thực hiện công tác này tại VNCH, lúc đó đã thăng cấp và đảm nhiệm chức vụ Trưởng phận bộ Viễn Ðông (Far Eastern Division Chief) của CIA, đã được Giám Ðốc CIA McCone chỉ định thuyết trình về công tác gửi người xâm nhập Miền Bắc.
Ông đã tỏ ra rất bi quan khi ông cho biết phần lớn các toán biệt kích gửi ra Miền Bắc đều “đã bị bắt hay đã bị giết chết.” Trong phần kết luận, ông nói trắng ra như sau: “It isn’t working, and it won’t work any better with the military in charge.” (tạm dịch: “Chuyện đó không làm được, và cũng sẽ không làm được gì khá hơn với đội quân nhận trách nhiệm”).
Ông Williams Colby, Cựu trạm trưởng CIA tại Sài Gòn.
Dĩ nhiên, lời cảnh báo này của Colby không được nghe theo và SOG cùng với các đơn vị của Nha Kỹ Thuật thuộc BTTM QLVNCH vẫn tiếp tục việc gửi các toán biệt kích xâm nhập ra Miền Bắc, với kết quả là “đem con bỏ chợ.” Tất cả biệt kích đều bị bắt và đưa vào các trại lao cải ở Miền Bắc trong hàng chục năm trời.
Gia đình của một số biệt kích quân được báo tin là họ đã tử trận, một số được lãnh tiền bồi thường tử tuất. CIA và quân đội Mỹ đã hoàn toàn bỏ rơi họ. Dân quân VNCH hoàn toàn không biết gì hết về số phận của những người lính biệt kích này. Mãi đến sau năm 1975, khi một số sĩ quan QLVNCH đi học tập cải tạo ở Miền Bắc được thả về, kể lại chuyện được gặp các biệt kích quân đó trong các trại cải tạo, dân chúng Miền Nam mới có những thông tin đầu tiên về số phận của các biệt kích quân này.
Chương trình gửi người xâm nhập Miền Bắc để thực hiện các công tác tình báo của VNCH, trong một thời gian khá dài, với những chi phí rất tốn kém, đã thất bại hoàn toàn. Có 2 lý do chính cho sự thất bại này: 1) VNCH không có được một hạ tầng cơ sở tạimMiền Bắc để hỗ trợ cho loại công tác này và 2) Hệ thống an ninh của miền Bắc quá chặt chẽ khiến cho các biệt kích rất dễ bị phát hiện, truy lùng và bắt giữ.