Lễ Tình nhân (Valentine) là khoảng thời gian bận rộn ở Colombia, một trong những quốc gia xuất khẩu hoa lớn nhất thế giới, kéo theo nhu cầu sử dụng lượng lớn lao động làm việc trong các nhà kính gần thủ đô Bogota, theo AFP.
Đó là lý do Rubiela Mendez và William Perez cảm nhận được cái rét run mà trước đây họ chưa từng biết đến. Hai người phải tới đóng gói hoa hồng trong một xưởng lạnh cách quê nhà khoảng 500 km. Cucuta, quê hương của hai người, là vùng rừng nhiệt đới ở phía đông đất nước, gần biên giới Venezuela. Họ nằm trong số hàng trăm người Colombia và Venezuela ngồi lên chuyến xe buýt dài 12 giờ, vượt hàng trăm km đường khó đi, tới nơi đóng gói những bông hoa thơm ngát chuẩn bị đưa sang Mỹ.
Ngày Valentine 14.2 là dịp người Mỹ tiêu nhiều tiền tặng quà nhất, cũng là dịp công việc làm ăn phát đạt đối với Colombia, nơi cung cấp 74% lượng hoa nhập khẩu vào Mỹ. Năm ngoái, tính từ giữa tháng 1 tới tháng 11, ngành công nghiệp hoa ở Colombia đã thu về 1,3 tỷ USD.
Những lao động trong ngành này chỉ được nhận mức lương tối thiểu 300 USD một tháng. Tuy nhiên, đối với những người đến từ vùng biên giới như Mendez và Perez, ít còn hơn so với việc thất nghiệp ở quê.
Thất nghiệp ở vùng biên
Dù tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc của Colombia là 10%, nhưng tại Cucuta, tỷ lệ này cao hơn nhiều, lên tới 16% vào năm 2017. Mendez cho biết vài tháng qua, tình hình còn tệ hơn với người Venezuela chạy sang tìm việc do đất nước gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Họ chỉ được trả lương bằng một nửa so với người Colombia.
"Tình hình ở Cucuta hiện rất khó khăn. Không ai muốn quay lại vì chẳng có việc gì để làm", người mẹ 26 tuổi nói. "Nhưng tôi thì phải về vì vẫn còn con gái nhỏ ở đó".
Mendez đi làm thuê ở Tabio, thị trấn phía bắc Bogota. Đây là lần đầu cô xa con gái 4 tuổi. Nhiệm vụ của Mendez là cắt tỉa hoa hồng và duy trì "chuỗi lạnh" thận trọng, để đảm bảo hoa luôn được giữ ở nhiệt độ cực thấp trong quá trình đóng gói và vận chuyển nhằm giữ độ tươi khi ra đến cửa hàng.
Công nhân kiểm tra hoa trước khi đóng gói trong xưởng.
Mendez và những công nhân khác đóng gói hoa trong môi trường luôn duy trì ở mức 10 độ C, vừa làm vừa nghe nhạc qua radio. Họ ngủ trong những công te nơ lắp máy sưởi, và được công ty hỗ trợ suất ăn.
Bỏ qua điều kiện làm việc không thoải mái, số tiền mà Mendez kiếm được khá hơn nhiều so với công việc ở Cucuta. Ở đó, sau khi mất việc bồi bàn ở một nhà hàng với thu nhập 7 USD một ngày, cô chẳng tìm được việc gì khác ngoài chấp nhận phải bán xăng lậu từ Venezuela.
Tuyệt vọng
Công ty thuê Mendez là Sunshine Bouquet. Ban đầu, nhân viên tuyển dụng tới vùng biên vì cho rằng có thể thuê được người Venezuela nhưng thay vào đó, họ lại tuyển được một lực lượng lớn lao động người Colombia đang tuyệt vọng vì thiếu việc làm. Cuối cùng, 600 người, trong đó 80% là người Colombia, đã tới làm việc cho công ty từ giữa tháng 1.
"Ở Cucuta, người ta đang chật vật tìm việc làm", Felipe Gomez, ông chủ Sunshine Bouquet cho hay.
Perez, 24 tuổi, người Colombia, vừa trải qua đợt thuyên giảm lao động trong công ty. Anh từng làm việc 7 năm ở Venezuela và quay lại quê hương khi khủng hoảng kinh tế làm đảo lộn sự thịnh vượng của quốc gia từng một thời giàu có nhờ dầu mỏ.
"Ở Venezuela bây giờ người ta đang sợ hãi và cực kỳ tuyệt vọng", Perez nói, mô tả cảnh bấp bênh và thiếu thốn lương thực tại đất nước láng giềng.
Giới chức Colombia cho hay hơn 550.000 người Venezuela đã vượt qua biên giới theo con đường hợp pháp lẫn bất hợp pháp, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào tháng 6 tới. Số người đổ về Colombia thậm chí lớn hơn, nếu tính cả số người Colombia hồi hương.
Mendez buộc phải xa con gái tới làm trong xưởng đóng gói hoa xuất khẩu ở gần thủ đô Bogota.
Theo Ivan Daniel Jaramillo, chuyên gia đại học Rosario ở Bogota, số người thất nghiệp ở Cucuta tăng cao vì "khu vực biên giới đang bị áp lực bởi lượng người di cư".
Ngành kinh doanh hoa hồng ở Tabio mang tính thời vụ, không phải giải pháp lâu dài cho 600 lao động trên. Tuy nhiên, công việc tạm thời đó cũng giúp ích cho nhiều người Colombia.
Nhiều người hy vọng sẽ được thuê làm nhân viên toàn thời gian, khi công ty hứa hẹn sẽ thuê lại 20% số họ sau dịp Valentine. Nhiều người cũng mong muốn có cơ hội tìm việc làm khác.
"Tôi muốn thử bắt đầu cuộc sống mới ở Bogota", Perez cười nói, tay vẫn thoăn thoắt bó hoa.