Dân Việt

Bị “đòn bẩn”, nhà nông mất Tết, cần xử nghiêm!

TS Trần Duy Khanh 14/02/2018 09:28 GMT+7
Chỉ vì những “đòn thù” trong việc sản xuất hay không thuận mua vừa bán mà mà có những kẻ đang tâm dùng dao, cưa, dùng cả thuốc diệt cỏ cực độc để triệt hạ những cánh đồng sản xuất của nông dân cùng cực, lương thiện

Sáng nay, sau khi đọc bài “500 cây cam Cao Phong bị chặt sạch” trên Báo điện tử Dân Việt, tôi đã thực sự căm phẫn.

Đây đâu phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ “đòn thù” bức hại nhà nông kiểu vậy.

Trước đó, 400 cây quất của nông dân Lê Huy Việt và Vũ Đức Huế (xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) trong đêm bị bị “diệt” bằng thuốc diệt cỏ.

Trước đó nữa, cũng tại Thanh Hóa, đồi dứa của nông dân Nguyễn Quang Mạnh (thôn Hoàng Vân, xã Hà Long, huyện Hà Trung) cất công chăm sóc cả năm trời để bán Tết cũng bị kẻ xấu phá hoại toàn bộ.

Chưa kể hàng loạt các vụ nữa như sát hại bò sữa ở Vĩnh Phúc, đổ thuốc trừ sâu xuống ao nuôi cá tra, basa trị giá nhiều tỉ đồng ở các tỉnh ĐBSCL, chặt phá vườn tiêu tại Đắk Lăk…

Tôi đã chực khóc khi đọc được những dòng chia sẻ này của một nhà báo, facebooker trên mạng xã hội “Những ngày cận Tết này, nhẽ ra những nông dân đã có thêm chút đồng vào đồng ra với những cánh đồng quất, mía, dưa...mà họ bỏ công bỏ sức trong cả năm ròng. Thế nhưng, chỉ vì những “đòn thù” trong việc sản xuất hay không thuận mua vừa bán mà mà có những kẻ đang tâm dùng dao, cưa, dùng cả thuốc diệt cỏ cực độc để triệt hạ những cánh đồng sản xuất của nông dân cùng cực, lương thiện. Sao người với người lại có thể hành xử với nhau như vậy?”

img

Cả đồi dứa của nông dân Nguyễn Quang Mạnh (xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) bị phá hoại.

Thực tế cho thấy, một số ít vụ việc là truy tìm được thủ phạm và nguyên nhân chính được cho là do “mâu thuẫn cá nhân”.

Có vụ thì chỉ bị xử lý hành chính hoặc cho hai bên tự thương lượng, đền bù.

Không ít vụ, cơ quan hữu quan vẫn coi đó là “vụ việc nhỏ” mà vào cuộc chưa quyết liệt, tích cực.

Chính điều này dẫn tới việc những kẻ gây hại cho nhà nông vẫn nhởn nhơ, “nhờn luật” và những vụ sau lại tiếp diễn với mức độ, hậu quả nặng nề hơn cho nông dân.

Với các hành vi như dùng vật sắc phạt ngang hàng trăm gốc cam, phun thuốc diệt cỏ phá hoại hàng vạn quả dứa sắp chín hay đổ thuốc trừ sâu xuống áo cá, vuông tôm… cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án về tội “Hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.

Và quan trọng hơn, để không còn phải chứng kiến những đòn “bẩn” triệt hạ nhà nông thì cơ quan chức năng phải xác định đúng mức tính nghiêm trọng của nó cho xã hội khi gây mất an ninh nông nghiệp, nông thôn.

Nếu cần phải công khai, công bố rộng rãi trong cộng đồng danh tính, cá nhân những kẻ chủ mưu phá hoại này.

Và một điều nữa, đã đến lúc những người có trách nhiệm gìn giữ an ninh tại địa phương, cơ sở cần phải xem việc bảo vệ tài sản của nông dân như chính là bảo vệ tài sản của cá nhân của mình.