Dân Việt

Những mảnh đời còn sót lại ở bệnh viện phong da liễu Văn Môn

Triệu Quang 18/02/2018 15:55 GMT+7
Có nhiều người cả đời sống cô độc ở đây, chẳng có một người thân nào đến thăm. Cũng có người còn người thân nhưng một năm họ chỉ đến một lần hoặc có khi vài năm mới đến thăm một lần.

img

Ông Lưu Xuân Tửu (huyện Đông Hưng, Thái Bình) vào viện hơn 60 năm nhưng ông mới chỉ về thăm nhà 1 lần. Từ đó đến nay, ông không dám về vì tự ti.

“Muốn về quê ăn Tết nhưng người ta sợ lắm”

Cái thời bệnh phong hoành hành đã qua đi nhưng có lẽ, mặc cảm của những bệnh nhân phong thì vẫn chưa. Nhiều người đã đánh mất cả tuổi thanh xuân, chịu sự dè bỉu của xã hội vì căn bệnh quái ác này. Để cho đến ngày nay, khi đã khỏi bệnh thì cũng là lúc họ trở thành tay trắng, không gia đình, không nhà cửa, không việc làm…

Mỗi dịp cuối năm, người người nhà nhà nô nức sắm sửa đón Tết, con cháu đi làm ăn xa ở đâu cũng về đoàn tụ, quây quần bên gia đình. Những lúc như thế, nỗi buồn lại ập đến với những bệnh nhân phong ở bệnh viện phong da liễu Văn Môn (Thái Bình).

img

 Bà Nguyễn Thị Ngọc (85 tuổi, huyện Vũ Thư, Thái Bình) cho hay: “Không muốn về quê ăn Tết vì ở quê họ khinh rẻ”.

Với họ, ngày Tết chẳng khác gì ngày thường vì chẳng được gói bánh chưng hay mua quần áo mới, chẳng nhận được lời chúc tụng, lì xì của con cháu mà Tết với họ chỉ khác ở bữa ăn. Bữa ăn ngày Tết của họ có thêm thịt lợn, có giò và bánh chưng.

Chia sẻ với chúng tôi về mong muốn dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ông Lưu Xuân Tửu (SN 1934, quê ở Đông Hưng, Thái Bình) cho hay: “Tết chỉ mong muốn có thêm thịt, giò, bánh chưng… chứ giờ bệnh tật rồi chả làm sao được, kể cả có người cho đi chơi hay du lịch cũng không đi được vì 2 chân liệt; nhà thì không còn ai mà đón”.

Ông Tửu nhớ lại, khoảng 20-30 năm về trước, hồi còn khỏe mạnh ông có đạp xe về quê ăn Tết một lần nhưng có lẽ cũng từ đó, ông không còn muốn về lại quê lần nào nữa.

“Họ sợ lắm, chúng tôi về khéo ăn cơm một mình một mâm. Tôi đạp xe về sáng nhưng chiều lại phải đi vì ở cái làng đó họ sợ lắm”, ông Tửu chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (85 tuổi, huyện Vũ Thư, Thái Bình) sau nhiều năm lang bạt điều trị ở khắp các bệnh viện, bà cũng về mái nhà chung bệnh viện phong da liễu Văn Môn được hơn 20 năm. 

Bà có 5 người con nhưng 4 người cũng phải lang bạt đi làm ăn xa khắp nơi ở mạn Hà Giang vì không thể sống ở quê được. Chỉ có một người con gái út sống ở gần mẹ và cũng đã xây dựng gia đình với một bệnh nhân bị phong đã điều trị khỏi bệnh ở Văn Môn.

“Không muốn về quê đón Tết vì ở quê họ khinh rẻ nên tôi không muốn về. Anh em họ hàng không có, về quê bị cô lập. Các con thì mấy đứa ở xa không đón về quê ăn Tết được, chỉ có đứa con ở gần thì Tết đón về được 1-2 ngày rồi lại đưa trở lại viện”, bà Ngọc tâm sự.

img

Ông Nguyễn Văn Phúc (Nam Định) cho hay, mẹ ông mất ông cũng không dám về vì sợ dân làng xa lánh.

Ông Nguyễn Văn Phúc, 84 tuổi, quê Nam Định nhưng đã ở bệnh viện phong da liễu Văn Môn hơn 60 năm. Nhớ lại những ngày tháng xưa lúc mới mắc bệnh, giọng ông lạc đi: “Mẹ mất không dám về. Thời phong kiến, họ chôn sống cả một ông cụ. Họ đuổi tôi ra đồng ở. Khổ lắm, đến thời nay nhờ khoa học mới có người đến thăm chứ ngày trước không ai dám đi đến đâu”.

Chia sẻ về mong ước dịp Tết, ông Phúc nói: “Quê họ hây (sợ) nên không về quê, ở đây mới được tự do. Tết tôi chỉ mong sao khỏe chứ hôm nọ ốm tưởng chết, 6 bữa liền không ăn hột cơm hay miếng bánh miếng quà nào”. 

Không được kết hôn, sinh con phải cho đi làm con nuôi

Ông Nguyễn Xuân Thu – Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân (Bệnh viện phong da liễu Văn Môn) cho hay, nội quy của bệnh viện ngày xưa, bệnh nhân phong không được quan hệ có con với nhau. Những người đã chót có bầu, có người phải phá thai, có người giấu giếm đến khi quá cỡ thì phải tìm cách như về quê hoặc đến đâu đó để sinh con rồi cho con mình làm con nuôi.

“Có cho con đi làm con nuôi thì con cái mới đi học vì người bệnh đến đây không có khẩu để đi học. Hầu hết, tự bố mẹ phải liên lạc hoặc tìm cách cho con ra ngoài”, ông Thu nói.

Những người con sau khi trưởng thành hoặc những người bệnh khỏi bệnh muốn được làm việc, bệnh viện có riêng một khu gọi là làng cộng đồng. Tại làng cộng đồng, mọi người được cho mượn đất để sinh sống, canh tác.

Tuy nhiên, với nỗi mặc cảm về bố mẹ mình mắc bệnh phong, rất ít những người con sau khi ra ngoài trở về thăm bố mẹ hoặc phụng dưỡng họ. Nỗi lòng của những người bố, người mẹ đẻ con ra nhưng chẳng biết mặt con mình thế nào, chẳng được con gọi 2 tiếng “bố, mẹ” có lẽ không nỗi đau nào kể xiết.

img

 Ông Nguyễn Quang Chiêu (huyện Vũ Thư, Thái Bình) cũng có vợ, có con nhưng giờ đây ông vẫn phải sống trong cảnh cô độc.

Ngồi buồn một mình ở căn phòng giữa hàng lang, ông Nguyễn Quang Chiêu (SN 1933, quê xã Tân Đệ, huyện Vũ Thư, Thái Bình) nhớ lại, năm 1955, ông vào viện, đến năm 1969, ông gặp bà Nguyễn Thị Hảo (Thường Tín, Hà Nội) trong trại phong. Hai ông bà sống với nhau như vợ chồng và có một người con gái (SN 1970).

Do quy định bệnh viện, ông bà phải mang con cho đi làm con nuôi nhưng cũng từ đó đến nay, đứa con vẫn bặt vô âm tín và không một lần nào tìm về thăm hỏi ông bà.

“Cũng chẳng biết nó còn hay mất. Đẻ con ra mà không nuôi được nó cũng đau đớn lắm chứ nhưng bệnh tật thế này thì đấu sao được với trời”, ông Chiêu bùi ngùi.

Do tuổi cao sức yếu, cách đây hơn 1 năm, bà Hảo ra đi để lại ông Chiêu thui thủi một mình. Góc nhỏ nơi căn phòng tối, ông Chiêu lập bàn thờ có di ảnh bà Hảo và vẫn hằng ngày nhang khói cho bà chu đáo.

May mắn hơn là bà Trần Thị Na (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Bà Na đến bệnh viện 29 Tết năm 1959. Bấy giờ, bệnh viện chỉ cho bà thuốc uống chứ không cho ở viện. Khi bà đi, ở nhà giường chiếu đã bị đốt hết nên bà không còn đường về. Bà quanh quẩn quanh xã Vũ Vân làm thuê làm mướn bằng đủ thứ nghề.

img

Bà Na may mắn hơn khi còn một người con lấy chồng người bệnh ở gần nên có năm vẫn được về ăn Tết với gia đình.

Thế rồi, sau khi làng cộng đồng được thành lập, bà về chung sống với một bệnh nhân phong đã khỏi bệnh gốc Hà Nội. Hai ông bà sống với nhau chẳng có lễ cưới nào nhưng được sống cùng con cái.

“Có năm thì các cháu đón về ăn Tết dăm ba ngày rồi lại ra đây. Có năm thì tôi muốn ở ngoài này ăn Tết với các cụ cho vui, gì thì gì tuổi già lại đồng bệnh với nhau nên dễ san sẻ”, bà Na tâm sự.

-----------------------------

Hơn 200 con người đang sống ở bệnh viện phong da liễu Văn Môn, cuộc đời mỗi người đều có một bi kịch riêng nhưng có lẽ, có những người đến gần đất xa trời rồi, họ vẫn khổ.

Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: "Tấn bi kịch của đôi “vợ chồng” già U90 mắc bệnh phong" vào lúc 16h ngày 19/2/2018.

Về nơi những người khốn khổ, cứ có người thăm là khóc

Hàng trăm con người, người mất ngón tay, người mất chân, người mất cả tay cả chân… phải sống nương tựa vào nhau....